Sau khi phát hiện nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Sơn Hòa, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện đang khẩn trương kiểm tra, xác minh đối tượng để xử lý nghiêm.
Phát sinh nhiều diện tích rừng bị phá
Sở NN-PTNT vừa thành lập tổ công tác để xử lý tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện Sơn Hòa. Tổ này có nhiệm vụ rà soát, kiểm tra rừng tự nhiên, việc giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, phá rừng và lấn chiếm đất rừng từ năm 2010 đến nay trên địa bàn huyện Sơn Hòa. Tổ công tác cũng sẽ phối hợp với cơ quan công an trong quá trình kiểm tra, xác minh, làm rõ diện tích, hiện trạng rừng và đối tượng có liên quan việc phá rừng trái pháp luật khi có yêu cầu. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT |
Theo Hạt Kiểm lâm Sơn Hòa, đơn vị vừa phối hợp với các chủ rừng và địa phương kiểm tra tình hình phá rừng xảy ra trên địa bàn huyện. Theo đó, tại tiểu khu 162, xã Sơn Hội, thuộc lâm phần của Ban quản lý Rừng phòng hộ Sơn Hòa phát hiện 3 khu vực bị phá. Cụ thể, khu vực Dốc Cốc, tại khoảnh 4 có 3 vị trí, cây rừng tự nhiên bị chặt hạ chủ yếu là cây cóc, có đường kính gốc khoảng 25cm, diện tích rừng bị phá khoảng 7.560m2, chức năng quy hoạch rừng phòng hộ. Cũng ở khu vực Dốc Cốc, tại khoảnh 6 còn phát hiện thêm diện tích rừng bị phá khoảng 1.880m2, chức năng ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
Ở khu vực Suối Dĩ, tại khoảnh 6 có 3 vị trí cây rừng bị chặt hạ chủ yếu cây gáo vàng có đường kính khoảng 25cm và cây sung có đường kính gốc khoảng 50cm, diện tích rừng bị phá khoảng 8.500m2, chức năng quy hoạch rừng sản xuất. Đối với khu vực Cheo Reo, tại khoảnh 8, cây rừng tự nhiên bị chặt hạ chủ yếu là cây tung có đường kính khoảng 40cm, diện tích rừng bị phá khoảng 12.220m2, chức năng quy hoạch rừng phòng hộ.
Ông Tạ Ngọc Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Hòa, cho biết: Tổng diện tích rừng tự nhiên bị phá tại tiểu khu 162, thuộc lâm phần của Ban quản lý Rừng phòng hộ Sơn Hòa là hơn 30.160m2, trong đó chức năng quy hoạch rừng sản xuất khoảng 8.500m2, chức năng quy hoạch rừng phòng hộ hơn 19.780m2, ngoài quy hoạch 3 loại rừng khoảng 1.880m2. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, UBND xã Sơn Hội cử lực lượng tuần tra tại khu vực Suối Quanh thuộc tiểu khu 165 đã phát hiện và lập biên bản 10 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích hơn 6,6ha. Hiện trạng rừng bị phá là rừng tự nhiên, chức năng quy hoạch rừng sản xuất, chủ rừng là UBND xã Sơn Hội. Cơ quan chức năng đang hoàn tất hồ sơ chuyển cơ quan điều tra khởi tố hình sự 1 vụ với diện tích gần l,7ha; Hạt Kiểm lâm Sơn Hòa đang tổ chức khám nghiệm hiện trường 1 vụ với diện tích hơn 0,8ha, đối tượng vi phạm được xác định là bà Trần Thị Ngọc Bích; còn lại 8 vụ với diện tích hơn 4,1ha đang điều tra, xác minh đối tượng vi phạm.
Ông Tạ Ngọc Khánh cho biết thêm, lực lượng kiểm lâm cũng vừa phát hiện một vụ phá rừng tự nhiên tại khu vực Khu di tích Hội trường Mùa Xuân thuộc xã Sơn Long với diện tích khoảng 2.100m2. Hạt Kiểm lâm Sơn Hòa đang phối hợp với các cơ quan chức năng đo đạc cụ thể số diện tích rừng bị phá, đồng thời tiến hành xác minh đối tượng phá rừng.
Khẩn trương xác minh, xử lý
Theo ông Nay Y Blung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa, để xảy ra các vụ phá rừng trong lâm phần Ban quản lý Rừng phòng hộ Sơn Hòa là do công tác chỉ đạo, tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm trong thời gian qua chưa kịp thời, chưa có sự phối hợp thường xuyên giữa ban quản lý rừng với địa phương. Mặt khác, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, một số đối tượng đã vào rừng chặt phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Huyện ủy đã yêu cầu Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa khẩn trương báo cáo chi tiết về tình hình quản lý bảo vệ rừng từ năm 2010 đến nay, trong đó lưu ý nêu rõ diện tích đất được giao, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã giao. Huyện ủy đang chỉ đạo UBND huyện và các phòng, ban chức năng kiểm tra, làm rõ có người đứng đằng sau hay không và có cán bộ, đảng viên tham gia phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp xảy ra thời gian qua hay không. Đồng thời kiểm tra, làm rõ thông tin người dân phản ánh là cán bộ, nhân viên Ban quản lý Rừng phòng hộ Sơn Hòa tham gia phá rừng để trồng rừng trên diện tích đất được Nhà nước giao; kiểm tra số diện tích mà Ban quản lý Rừng phòng hộ Sơn Hòa đã giao khoán cho hộ gia đình quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng… có đúng đối tượng được giao hay không.
“Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã vào cuộc để điều tra các vụ phá rừng trên địa bàn xã Sơn Hội. Huyện ủy giao cho UBND huyện chỉ đạo kiểm tra làm rõ các vụ việc người dân lấn, chiếm đất rừng và triển khai thu hồi các diện tích bị lấn, chiếm trái phép; tiếp tục mở rộng điều tra đối với những vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn”, ông Nay Y Blung nói.
Rừng khu Di tích lịch sử cũng bị triệt phá
Sau khi nhận được phản ánh của người dân, phóng viên Báo Phú Yên đi thực tế tại khu vực rừng tự nhiên quanh khu Di tích lịch sử Hội trường Mùa xuân (xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa). Cụ thể, khoảng 500-700m quanh Hội trường Mùa xuân có gần 20 cây gỗ lớn bị đốn hạ, cắt xẻ thành từng khúc. Một số cây đã đưa ra khỏi rừng, số khác chờ chuyển đi. Đáng chú ý, khu vực rừng cây bị khai thác trộm nằm trong phạm vi rừng cần bảo vệ, tôn tạo thuộc khu Di tích lịch sử quốc gia Hội trường Mùa xuân, tại thôn Phong Hậu, xã Sơn Long.
Theo ông Đào Đức Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, diện tích rừng này thuộc khoảnh 6, tiểu khu 173, do xã Sơn Long quản lý. Trong thời gian cả tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, một số đối tượng lợi dụng địa phương tập trung chống dịch, đã vào rừng khai thác gỗ trái phép. Sau khi nhận được tin báo, ngày 8/7, địa phương tổ chức kiểm tra, xác định có 6 cây gỗ đường kính từ 40-70cm, chiều dài ngọn khoảng 15m, thuộc chủng loại giẻ và tạp bị đốn hạ (có 2 cây đã vận chuyển khỏi rừng, 4 cây đốn hạ nhưng chưa cắt ngọn). Tiếp đến, ngày 4/9, địa phương tiếp tục phát hiện ngay trước Hội trường Mùa xuân có hơn 2.100m2 rừng tự nhiên cũng bị các đối tượng chặt hạ hoàn toàn. Địa phương đã lập biên bản, điều tra, xác minh các đối tượng xâm hại rừng. NGÔ XUÂN |
ANH NGỌC - TRÂM TRÂN