Hiện giá mủ cao su được thương lái thu mua tăng so với giá bình quân năm trước. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, hai năm liền cao su giảm tái tạo mủ, năng suất thấp nên người trồng không vui. Bên cạnh đó, vườn cao su đến thời điểm thu hoạch rộ thì mưa bất thường, khiến mủ tràn xuống gốc.
Giá tăng vẫn thất thu
Theo ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh có gần 4.200ha cao su, tập trung tại 2 huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Sản lượng thu hoạch mủ thô thu được đến nay là 2.450 tấn, trong khi đó kế hoạch thu 5.000 tấn. Năm nay giá mủ tăng, tuy nhiên năng suất không cao vì vườn cao su thiếu chăm sóc cộng với thời tiết bất lợi. |
Hiện nay là thời điểm thu hoạch rộ cao su ở các xã Sơn Long, Sơn Định (huyện Sơn Hòa). Ông Bùi Văn Tình trồng cao su tại xã Sơn Định cho hay: Hiện giá mủ cao su được thương lái thu mua ở mức 13.000 đồng/kg mủ chén khô, 10.000 đồng/kg mủ xô (mủ đựng trong xô có nước). Còn năm ngoái thì đầu vụ 8.000 đồng, cuối vụ 6.000 đồng/kg mủ xô. So với năm ngoái thì năm nay giá mủ cao su tăng, thế nhưng do nắng hạn nên sản lượng mủ thấp. Gia đình tôi trồng 3ha, gà gáy hai vợ chồng đi cạo mủ đến trưa trút mủ, chỉ bán được 500.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Tâm cũng ở xã Sơn Định cho hay: Năm ngoái, ở đây ít người cạo mủ cao su, một phần vì giá giảm, phần vì cây ít mủ. Mới đây, giá mủ cao su tăng đôi chút, người trồng cạo mủ thì lượng mủ cho ra ít. Trước đây, trung bình 2ha cao su của gia đình tôi một ngày cạo 70kg mủ, nay chưa được 60kg, trong khi đó thuê công lao động đi trút mủ hiện nay là 200.000 đồng/ngày. Nếu gia đình trồng ít hơn 1ha thì thu nhập không bao nhiêu.
Theo UBND xã Sơn Định, hiện toàn xã có 103ha cao su, trong khi trước năm 2017, diện tích cao su lên đến 457,7ha. Nguyên nhân dẫn đến diện tích giảm là do đợt bão cuối năm 2017 làm ngã chết cây cao su, cùng với đó ba năm nay nắng hạn kéo dài cũng làm cho năng suất mủ cao su sụt giảm, nên nhiều người phá bỏ. Đang vào chính vụ thu hoạch mủ song nhiều nông hộ trồng cao su tiểu điền cũng không mặn mà.
Theo ông Nguyễn Quốc Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Định, thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của nhân dân. Những năm gần đây, phần lớn diện tích cao su không thể khai thác mủ khi đã đến vụ, một phần vì giá thấp, một phần vì cao su ít tái tạo mủ. Riêng năm nay, sản lượng mủ giảm nhiều.
Thời tiết bất lợi khó lấy mủ
Gia đình ông Nguyễn Văn Lập ởxã Ea Trol (huyện Sông Hinh) trồng 4ha cao su. Những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9, khi thu hoạch rộ thì mưa bất thường làm thất thoát mủ cao su. Ông Lập cho biết: Tôi thức dậy lúc 3 giờ sáng tranh thủ đi cạo mủ cao su vì thời điểm đó nhiệt độ thấp, cạo miệng cho ra mủ tốt. Thế nhưng gần trưa, tôi chưa kịp trút mủ thì mưa bất thường, nước mưa chảy vô tô đựng mủ rồi tràn ra ngoài.
Theo ông Lập, thường thì từ tháng 2 đến cuối tháng 4 là cao su rụng hết lá vànông dân kết thúc mùa cạo. Bước qua tháng 5 là thời điểm thu hoạch mủ rộ, tuy nhiên từ tháng 5 đến tháng 7 nắng liên tiếp làm cho cao su khô mủ. Qua đợt nắng nóng lại gặp mưa khi cạo mủ nên mủ cao su chưa kịp trút, đã tràn ra ngoài.
Vườn cao su của ông Bùi Văn Dũng ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh), rộng 1,5ha được thu hoạch luân phiên theo kiểu Đ2 (cách một đêm thu hoạch một đêm), mỗi ngày trút được hai thùng mủ, bán khoảng 300.000 đồng. “Trước đây cao su được gọi là “vàng trắng”, nhiều người trồng cây này xây nhà cao tầng. Gần đây cao su mất giá, người trồng không màng đầu tư chăm sóc nên ít mủ. Như vườn cao su của gia đình tôi giờ ít mủ, lại thất thoát do mưa tràn mủ, tính ra mỗi ngày chỉ thu 150.000 đồng, lấy công làm lời. Thông thường, bước vào vụ thu hoạch mủ cao su, trên các tô đựng mủ có mái che, thế nhưng mấy năm gần đây, giá mủ thấp nên người trồng không màng đầu tư, hầu hết mái che cũ đã mục nên khi gặp mưa, nước chảy đầy tô trộn với mủ tràn xuống đất”, ông Dũng nói.
Theo nhiều người trồng cao su, các vườn cao su đang xấu dần, cây không sung sức, lá không xanh như trước. Nguyên nhân mấy năm trước, giá mủ cao su xuống thấp, người trồng không đầu tư làm cỏ, bón phân, chăm sóc nên vườn cây kém phát triển. Cùng với đó, ba năm liên tiếp nắng hạn kéo dài khiến thân cây mất nước, cho ít mủ, thời gian cho mủ cũng ngắn nên sản lượng thấp.
MẠNH LÊ TRÂM