Để duy trì sản xuất, ổn định đời sống của người dân trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cách hiệu quả nhất là kết nối trực tiếp với các đơn vị tiêu thụ hàng hóa. Liên minh HTX tỉnh đã và đang nỗ lực làm điều này.
Hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ nông sản
Để tiêu thụ nông sản của người dân trong mùa dịch, hệ thống liên minh HTX trong cả nước đã vào cuộc đưa nông sản lên các trang thương mại điện tử và làm trung gian kết nối trực tiếp với các đơn vị tiêu thụ hàng hóa như Vinmart, BigC, Lotte Mart, các công ty xuất nhập khẩu, logistics… Theo Liên minh HTX tỉnh, trên trang thông tin điện tử của Liên minh HTX Việt Nam đã mở cổng thông tin kết nối cung cầu sản phẩm. Từ đây, nhiều nông sản trên cả nước, trong đó có Phú Yên đã được quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ. Hiện 18 sản phẩm của 9 HTX trên địa bàn tỉnh đã được đăng trên cổng thông tin này. Có thể kể tới như rau Bình Ngọc (TP Tuy Hòa); khóm, sung Mỹ Đồng Din (huyện Phú Hòa); dầu phộng Xuân Phước (huyện Đồng Xuân); bột sen TX Đông Hòa; muối trải bạt ở TX Sông Cầu… Đây là những nông sản đặc trưng của tỉnh, gắn với các làng nghề sản xuất truyền thống hay các vùng sản xuất tập trung của hàng ngàn hộ dân.
Ông Lê Quang Hiệp, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Hiện nay, thương mại điện tử là kênh hiệu quả nhất để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Các HTX ở trong tỉnh chưa được đông đảo khách hàng biết tới. Chương trình kết nối cung - cầu của Liên minh HTX Việt Nam (gọi tắt là Chương trình 503) là cơ hội để các HTX không chỉ vượt dịch mà còn có thể sống chung với dịch. Ngay khi được tiếp cận Chương trình 503, Liên minh HTX tỉnh lập tức thành lập tổ công tác và ban hành kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. Thông qua kết nối, các HTX nắm được điều kiện, tiêu chuẩn, quy cách hàng hóa của các đơn vị bao tiêu và được tập huấn cách đăng thông tin sản phẩm vào trang điện tử của Liên minh HTX Việt Nam.
Vùng khóm Đồng Din ở huyện Phú Hòa gặp dịch không tiêu thụ được, nhờ sự kêu gọi “giải cứu” từ các cá nhân, hội đoàn thể, nhưng chỉ mang tính tạm thời và không phải là biện pháp bền vững. Chỉ có ổn định đầu ra mới giúp nông dân yên tâm “sống chung” với dịch. Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din, cho biết: HTX đẩy mạnh tiếp cận công nghệ để đưa sản phẩm ra thị trường bằng cách đăng ký kênh youtube, lập facebook và liên kết với shopee để bán lẻ nhưng lượng tiêu thụ vẫn hạn chế. Nay được Liên minh HTX “bảo lãnh”, hy vọng sẽ tạo thêm niềm tin với các đơn vị tiêu thụ lớn.
Ưu thế của chuỗi liên kết
Tại hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu giữa các đơn vị tiêu thụ với các HTX, tổ hợp tác khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhiều khách hàng lớn như BigC, Co.opmart, Vinmart… đều bày tỏ mong muốn được hợp tác với các HTX để tiêu thụ nông sản cho nông dân. Để vào được hệ thống phân phối của các siêu thị, sản phẩm của HTX phải đạt chuẩn theo quy định từ chất lượng đến mẫu mã bao bì. Cụ thể, nhãn mác bao bì gắn với thương hiệu độc quyền, hàng hóa có mã vạch và được sản xuất theo quy trình đạt chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… nhằm giúp khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc, dễ dàng kiểm tra chỉ dẫn địa lý… Tại Phú Yên, hiện chỉ có các HTX hình thành chuỗi liên kết nông sản mới đáp ứng được các tiêu chí này. Cụ thể là toàn tỉnh mới có 3 HTX có sản phẩm đạt chứng chỉ 3 sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm làng nghề), khoảng 10 HTX đang xây dựng chuỗi liên kết, 20 HTX có sản phẩm nông sản có nhãn mác.
Ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), cho biết: HTX đã xây dựng thành công chuỗi liên kết trên cây đậu phộng cho ra đời sản phẩm dầu phộng. Nhờ đó, hơn 1 năm qua, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng nông dân vẫn được HTX bao tiêu sản phẩm. Còn HTX, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cũng đăng ký kết nối cung cầu theo Chương trình 503. Sản phẩm của HTX đáp ứng đủ yêu cầu của các đơn vị tiêu thụ. Hy vọng đây sẽ là cơ hội để nông dân xã miền núi Xuân Phước không chỉ giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Xây dựng chuỗi liên kết giá trị để đẩy mạnh đưa nông sản ra thị trường là chủ trương của tỉnh, và cũng là tiền đề để chuyển đổi số theo hướng nông nghiệp hiện đại. Yêu cầu của các đơn vị tiêu thụ hàng hóa hoàn toàn phù hợp với những quy định về điều kiện cần và đủ cho mỗi sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường. Các HTX phải tự nâng cao năng lực bản thân, bắt kịp xu hướng mới để tồn tại.
Ông Lê Quang Hiệp, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
MINH DUYÊN