Còn nhiều việc phải làm để đến năm 2025, Phú Yên phát triển dịch vụ logistics tăng về số lượng, chất lượng, quy mô, trình độ nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, đủ năng lực cạnh tranh, mang lại giá trị tăng cao…
Xây dựng hệ thống dịch vụ chuyên nghiệp
Phú Yên hiện có hơn 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp... Hoạt động ở quy mô nhỏ và vừa, hạ tầng cơ sở, phương tiện, thiết bị cần thiết được đầu tư, mở rộng để phục vụ yêu cầu ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại cho quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Theo Ban quản lý Khu Kinh tế Phú Yên, đa số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong các khu, cụm công nghiệp liên kết với các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh để giúp họ thực hiện các khâu vận chuyển hàng hóa. Để tạo giá trị tăng cao đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thì dịch vụ logistics của tỉnh cần được đầu tư chuyên nghiệp hơn.
Mới đây, UBND tỉnh ban hành và chỉ đạo triển khai Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Mục tiêu của kế hoạch này là phát triển dịch vụ logistics để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; xây dựng và từng bước hoàn thiện hạ tầng về cảng biển, kho bãi, giao thông vận tải, thông tin, các trung tâm logistics để phục vụ các dịch vụ logisitcs trên địa bàn; thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics một cách đồng bộ, hợp lý; đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường…
Qua đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như triển khai chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; đầu tư hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, để phát triển dịch vụ logistics, bên cạnh các yếu tố về chính sách, thị trường… còn phải có sự kết hợp từ nhiều yếu tố khác. Các ngành liên quan rà soát quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông, dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển dịch vụ logistics; có giải pháp thu hút, cải thiện môi trường đầu tư cho lĩnh vực này, đầu tư xây dựng các cảng biển, khu hậu cần, trung tâm logistics… Thêm vào đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cần chủ động đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nhà xưởng, kho bãi, phương tiện vận tải...; ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp sản xuất, thương mại quản lý tốt chuỗi cung ứng, tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất rút ngắn thời gian luân chuyển hàng hóa; tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vốn vay ưu đãi; mạnh dạn ứng dụng các thành tựu công nghệ để chuyển đổi số từ các doanh nghiệp dịch vụ logistics...
Ông Nguyễn Anh Tân, Trưởng Văn phòng Chi nhánh Công ty CP Đầu tư thương mại phát triển Nhất Tín, cho biết: Hình thành từ năm 2014, đến nay, chi nhánh có 2 kho trung chuyển ở TP Tuy Hòa, 2 bưu cục khai thác đóng tại TX Sông Cầu và TX Đông Hòa phục vụ cho việc tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa cho khắp 63 tỉnh, thành. Khoảng giữa năm 2020 đến đầu năm 2021, chi nhánh đã mở rộng 2 bưu cục; thiết lập thêm các tuyến đường thư trên khắp 9 huyện, thị xã, thành phố; xây dựng nguồn lực tại chỗ để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở các địa phương. Tận dụng công nghệ, thương mại điện tử, đơn vị đã xây dựng các website, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở khi có nhu cầu giao dịch trực tuyến.
“Không chỉ đào tạo lại, đào tạo tại chỗ cho nhân viên làm việc tại các bộ phận, công ty còn luân phiên cử nhân viên tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn về logistics nhằm đảm bảo yêu cầu công việc. Công ty cũng đã tổ chức sắp xếp lại các khâu từ tiếp nhận, xử lý, luân chuyển hàng hóa… để tiết giảm chi phí, thời gian, nhân lực và phục vụ nhu cầu khách hàng tốt nhất, nhanh nhất; đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ”, ông Phạm Văn Triêm, đại diện Công ty TNHH Vận tải và Thương mại An Thiên Phúc (TP Tuy Hòa) cho hay.
Để hệ thống dịch vụ logistics phát triển tại địa phương, theo ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, các doanh nghiệp, cơ sở cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn cũng đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy hoạt động ở quy mô nhỏ, song hạ tầng, kho bãi… cũng được các đơn vị chú trọng, đảm bảo hoạt động. Dù vậy, TX Sông Cầu chủ động xây dựng kế hoạch phát triển dịch vụ logistics, tạo thuận lợi trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa và xem đây là nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời chỉ đạo các xã, phường hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất giúp các doanh nghiệp logistics thuận lợi đầu tư, phát triển.
Những năm qua, Sở Công thương đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị chuyên môn mở nhiều lớp đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân lực của các doanh nghiệp của tỉnh; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại liên quan đến dịch vụ logistics… Tất cả nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực, có điều kiện, môi trường cạnh tranh để phát triển hoạt động. Sở Công thương tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ để các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương |
VÕ PHÊ