Đựng đồ bằng túi ni lông khó phân hủy, dùng ly nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa và đựng thực phẩm trong hộp xốp… với hầu hết người dân đây là thói quen khó bỏ trong nhịp sống bận rộn như hiện nay. Để giảm thiểu rác thải nhựa (RTN), góp phần bảo vệ môi trường, bên cạnh việc nâng cao ý thức cộng đồng, tỉnh đẩy mạnh việc hạn chế sử dụng đồ nhựa khó phân hủy và biến rác thải thành tài nguyên.
“Tiện một phút, hại ngàn năm”
Theo anh Nguyễn Lê Duy, Phó Bí thư Đoàn Khối Cơ quan, doanh nghiệp tỉnh: “Đọc các tài liệu khoa học về môi trường, tôi mới biết một chiếc túi ni lông chỉ mất 5 giây để sản xuất ra và 5 phút để sử dụng nhưng lại phải cần tới từ 500-1.000 năm để phân hủy. Điều này cho thấy, giá trị sử dụng của túi ni lông không lớn nhưng ảnh hưởng và tác hại của nó tới hệ sinh thái là vô cùng lớn”. Cùng với túi ni lông còn có nhiều loại rác thải nhựa khó phân hủy khác đang hàng ngày, hàng giờ thải ra môi trường.
Bà Nguyễn Thu Trang, quản lý Chương trình Đô thị giảm nhựa thuộc Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, cho biết: Hiện nay, nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Theo nghiên cứu quốc gia về chất thải rắn và RTN của WWF, trong tổng lượng rác thải, RTN chiếm từ 16-21% với chủ yếu là túi ni lông và có tới 70-90% là vật liệu nhựa không có giá trị, như hộp xốp, gói bánh kẹo. Riêng tại Phú Yên, về mật độ và thành phần chất thải rắn đô thị, nghiên cứu cho thấy ở khu dân cư mật độ 0,33 tấn/m3, trong đó chất thải hữu cơ chiếm 61%, RTN chiếm 16%. Ở điểm thu gom/trung chuyển rác có mật độ 0,33 tấn/m3 và rác hữu cơ chiếm 22%, RTN chiếm 21%. Còn tại bãi chôn lấp/cơ sở xử lý rác mật độ 0,29 tấn/m3, rác hữu cơ chiếm 30%, RTN chiếm 22%.
Theo Sở TN-MT, đô thị hóa và tốc độ phát triển kinh tế kéo theo nhu cầu sử dụng đồ nhựa dùng một lần tăng lên nhanh chóng, trong khi ý thức cộng đồng và các giải pháp môi trường đi kèm chưa theo kịp nên đã gây ra áp lực lớn lên môi trường. Thực hiện một số hoạt động kiểm toán rác thải trên địa bàn tỉnh, cho kết quả lượng RTN phát sinh tại nguồn chủ yếu là các loại ống hút, bao gói thực phẩm, bao gói sản phẩm chăm sóc cá nhân như dầu gội, sữa tắm…, đồ nhựa dùng một lần và túi ni lông; nhiều loại rác thải nhựa phát sinh chủ yếu từ thói quen và ý thức của người tiêu dùng.
Cùng hành động
Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động về quản lý RTN đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu giảm được 50% tổng lượng RTN thất thoát ra biển và đại dương; hạn chế được việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm, vật liệu nhựa không cần thiết khác tại 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và du lịch ven biển; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về RTN…; tăng cường phân loại rác thải tại nguồn và nâng cao hiệu quả quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để hạn chế việc phát tán RTN ra môi trường… Sau hơn một năm triển khai, các hội đoàn thể như phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh… đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Cùng với đó, nhiều mô hình phân loại rác thải từ nguồn, thực hiện tái chế RTN đã ra đời…
Anh Nguyễn Lê Duy cho biết thêm: Đoàn khối đã phối hợp với các đơn vị thu gom bạt nhựa và tái chế thành túi xách, túi trồng cây, hộp bút… thay thế túi ni lông. Đồng thời xây dựng kế hoạch, phối hợp với Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh triển khai mô hình Ngôi nhà xanh thu gom rác thải, lấy chai nhựa làm gạch xây hố ủ phân compost.
Theo Công ty TNHH Du lịch Sao Việt, hơn một năm nay, đơn vị đã chuyển từ sử dụng ống hút nhựa sang ống hút sả, ống hút gạo, thay túi ni lông bằng hộp thủy tinh bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, dùng bình sứ đựng sữa tắm, dầu gội thay vì chai nhựa, dùng bì giấy đựng đồ dơ của khách thay vì túi ni lông… Công ty mong muốn góp phần nhỏ chung tay cùng cộng đồng giảm thiểu RTN để bảo vệ môi trường.
Còn bà Nguyễn Huỳnh Hiếu Hạnh, Giám đốc Khách sạn Kaya, cho biết: Khách sạn ưu tiên sản phẩm có nhãn hiệu bảo vệ môi trường, thay một số dụng cụ bằng nhựa sang chất liệu tre, hay sản phẩm tự phân hủy.
Đô thị giảm nhựa là chương trình của WWF nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch cùng hành động chống lại ô nhiễm nhựa. Trong 6 thành phố và địa phương ở Việt Nam tham gia có TP Tuy Hòa. Đây là một chương trình có tầm nhìn dài hạn với mong muốn xây dựng năng lực cho các địa phương để đạt được mục tiêu không RTN trong thiên nhiên vào năm 2030. Trong đó nhấn mạnh tới tăng cường việc thu hồi, tái chế, tái sử dụng nguồn tài nguyên rác trong mô hình kinh tế tuần hoàn…
(Theo WWF) |
MINH DUYÊN