“Làm gì cũng phải có quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch phải tổng thể, toàn diện, bao quát, có tính định hướng, bám sát tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của bộ, ngành, địa phương”. Đó là ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch do Thường trực Chính phủ vừa tổ chức.
Quá trình phát triển của mọi địa phương luôn gắn bó chặt chẽ với công tác quy hoạch; quy hoạch tốt sẽ tạo nên động lực phát triển. Báo cáo của Bộ KH-ĐT tại hội nghị cho biết, việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã đạt kết quả bước đầu. Dự kiến trong năm 2021 sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022. Có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch. 2 địa phương chưa trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Tại Phú Yên, những năm gần đây, công tác quy hoạch luôn được chú trọng, nhiều đồ án quy hoạch đã duyệt, nhiều quy hoạch được thực hiện từ tài trợ của các nhà đầu tư. Gần đây nhất là việc Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, tỉnh tiếp nhận 31 đồ án do các nhà đầu tư tài trợ lập quy hoạch, đa số là quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng; đến nay tỉnh đã phê duyệt 16 đồ án. Nhờ có quy hoạch mà các khu vực, địa phương trên địa bàn tỉnh được định hướng phát triển cụ thể cả về cấu trúc đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, không gian đô thị...
Thực tế cho thấy, công tác quy hoạch chưa bao giờ dễ dàng, đòi hỏi một tầm nhìn xa, tính khả thi, dự kiến được nguồn lực thực hiện bao trùm các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu dự hội nghị nhận định, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa đạt được yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch. Việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp với nội dung cơ bản là lập thống nhất một quy hoạch trên một địa bàn tỉnh (thay thế cho khoảng 50 loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trước đây), tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực còn có cách hiểu khác nhau, dẫn đến triển khai chậm và lúng túng. Chính vì vậy, công tác quy hoạch luôn là “điểm nóng” của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là với những tỉnh, thành có tốc độ đô thị hóa và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Một trong những thách thức của “quy hoạch vì mục tiêu phát triển” là không những quy hoạch phải có tầm nhìn đáp ứng được định hướng lâu dài cho phát triển, mà công tác hậu kiểm quy hoạch cũng phải được thực hiện chặt chẽ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi phá vỡ quy hoạch đã và đang xảy ra trên thực tế tại nhiều địa phương. Tại nhiều nơi, công tác hậu kiểm quy hoạch còn bất cập, dẫn đến khi xây dựng quy hoạch thì đẹp và hợp lý, song quá trình thực hiện lại bị các dự án nhỏ lẻ, manh mún phá vỡ quy hoạch, từ đó sinh ra nhiều hệ lụy cho hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội, thậm chí trở thành lực cản của phát triển.
“Tiến độ lập quy hoạch đang chậm, vì vậy tinh thần là phải khẩn trương, lãnh đạo, chỉ đạo thật tốt, bảo đảm chất lượng, tiến độ, vừa bảo đảm kết nối vùng và quốc gia hiệu quả nhất”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Triển khai hiệu quả Luật Quy hoạch là nhiệm vụ lớn, quan trọng, có nhiều thách thức, đồng thời có nhiều cơ hội rất to lớn, tác động lâu dài đến mục tiêu phát triển của đất nước và địa phương. Vì vậy, xây dựng các quy hoạch đúng định hướng phát triển, khả thi, hợp lý chưa đủ, mà còn cần đến khâu kiểm soát quy hoạch để đảm bảo quy hoạch không bị lợi dụng thổi giá đất quá cao gây khó khăn cho quá trình thực hiện, đảm bảo nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết theo quy hoạch… để quy hoạch thực sự là động lực cho phát triển.
NGUYỄN QUANG