Thứ Hai, 07/10/2024 19:26 CH
Ngân hàng hạn chế tăng trưởng tín dụng, doanh nghiệp gặp khó
Thứ Sáu, 27/06/2008 14:00 CH

Từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện cơ chế điều hành lãi suất cơ bản, thị trường tiền tệ đã có nhiều đợt điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, bên cạnh các chương trình khuyến mãi huy động tiết kiệm dự thưởng hậu hĩnh nhằm “lấy lòng” người gởi tiền, việc nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro tín dụng bằng cách rà soát và hạn chế tăng trưởng tín dụng, do vậy đã đẩy nhiều doanh nghiệp ở Phú Yên rơi vào tình thế “dở khóc dở cười” vì không vay được vốn. 

 

nh-4-080627.jpg

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Công thương - Ảnh: N.QUANG

 

NGÂN HÀNG TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ RỦI RO

 

Theo nhiều ngân hàng, do cùng lúc thực hiện nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN và ảnh hưởng của lạm phát, các NHTM đã phải điều chỉnh hoạt động để phù hợp tình hình thực tế. Ngân hàng Đầu tư – Phát triển (BIDV) Phú Yên đưa ra chủ trương “hy sinh” một phần mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận để chống lạm phát. Mục tiêu đã được thay đổi từ tăng tốc nhanh, hiệu quả đến tập trung cao nhất cho mục tiêu an toàn trong các hoạt động thanh khoản, quản lý rủi ro, tăng trưởng tín dụng... để đảm bảo khả năng tăng trưởng bền vững. BIDV đã chủ động cơ cấu lại tài sản có - tài sản nợ phù hợp với quy mô hoạt động và diễn biến thị trường. Hoạt động đầu tư được phân loại và siết chặt hơn; lãi suất cho vay được phân tán và điều chỉnh linh hoạt theo hướng chuyên nghiệp.

 

NHNN cũng có nhiều biện pháp giám sát và hỗ trợ các NHTM đảm bảo an toàn thanh khoản và quản lý rủi ro. Trường hợp ngân hàng thực sự khó khăn về vốn khả dụng nhưng không đủ giấy tờ có giá đủ tiêu chuẩn để tham gia nghiệp vụ thị trường mở hoặc tham gia nhưng không trúng thầu, có thể gửi văn bản đề nghị NHNN xem xét cho vay tái cấp vốn theo một trong hai hình thức: cho vay đảm bảo bằng cầm cố giấy tờ có giá hoặc cho vay theo hồ sơ tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng không được sử dụng nguồn vốn vay tái cấp vốn để mở rộng tín dụng.

 

Ngoài ra, để tăng cường quản lý rủi ro, NHNN cũng yêu cầu các NHTM hàng ngày phải nộp báo cáo theo các chỉ tiêu: nguồn vốn, sử dụng vốn, số dư tiền gửi, dự báo thừa và thiếu vốn khả dụng. Trường hợp phát sinh vay hoặc cho vay với các tổ chức tín dụng khác phải báo cáo cụ thể với NHNN về số tiền vay hoặc cho vay, lãi suất giao dịch và thời hạn.

 

NHNN chi nhánh tại Phú Yên cho biết đang áp dụng các biện pháp hỗ trợ các NHTM gặp khó khăn về thanh khoản; đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, không để tín dụng tiếp tục tăng trưởng nóng và thiếu an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng tín dụng của các NHTM, có biện pháp quản lý cả cung và cầu tín dụng, xác định nhu cầu đầu tư tín dụng nào cần khuyến khích hoặc không khuyến khích để có chính sách phù hợp...

 

nh4-080627.jpg
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng thương mại ở TP Tuy Hòa - Ảnh: Q.T

 

DOANH NGHIỆP KÊU KHÓ

 

Ngay cạnh những thuận lợi từ cơ chế lãi suất mới, nhiều doanh nghiệp (DN) ở Phú Yên cũng tỏ ra lo ngại trước việc NHNN tăng lãi suất cơ bản VND lên 14%/năm đã đẩy lãi suất cho vay tại các NHTM lên mức tối đa 21%/năm, tương đương 1,75%/tháng. Nhiều DN cho biết họ rất khó tiếp cận được vốn vay của các ngân hàng, do đó phải từ bỏ kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Còn nếu có vay được thì với lãi suất cho vay cao như hiện nay, DN sẽ điêu đứng vì không thu được lợi nhuận trong các đơn hàng. 

 

Ông Nguyễn Ngọc Chính, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Chính (Điểm công nghiệp Hòa An, huyện Phú Hòa) nói: “DN chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực mua và sản xuất sắt thép với quy mô nhỏ, nhưng số tiền mà khách hàng nợ cũng lên đến 300 triệu đồng. Thêm vào đó, mỗi tháng DN cần khoảng 400 triệu đồng để quay vòng vốn kinh doanh. Nếu đi vay ngân hàng thì tiền lãi mà DN phải trả cho 2 khoản vốn này lên đến trên 11 triệu đồng/tháng!”. Còn ông Trần Văn Toản, chủ cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp ở huyện Đông Hòa, kể: “Ngay từ đầu tháng 6, nhận thấy nguồn hàng không đủ phục vụ sản xuất vụ đông xuân, tôi đã “gõ cửa” một NHTM nhưng không thể vay được, dù là khách hàng loại A (khách hàng loại tốt nhất theo xếp hạng của ngân hàng – PV). Lý giải của cán bộ tín dụng là do lãi suất chưa ổn định, trong khi đó rất nhiều NHTM cùng lúc huy động vốn với lãi suất hấp dẫn, nên hầu như ngân hàng nào cũng tạm hoãn cho vay, ngoại trừ trường hợp vay thế chấp bằng bất động sản”.

 

Để không biến lãi suất thành gánh nặng, theo một số DN, các ngân hàng nên xem xét lại hai vấn đề. Một là linh hoạt về đồng vốn trong hệ thống. Không thể để kéo dài mãi cảnh các DN vẫn còn dư nợ vay tín dụng mà lại bị “khóa sổ” khi ngân hàng công bố vượt 30% vốn đầu tư phát triển. Các ngân hàng nên cân đối vốn tín dụng phát triển ở từng khu vực phù hợp để giải quyết vấn đề này. Thứ hai, mức tính tổng dư nợ phát triển cho vay ở nhiều ngân hàng quá eo hẹp, thường lấy mốc cuối năm, lúc DN ít vay nhất vì hết đơn hàng. Hiện tại, nhiều DN đang đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, lượng tài chính cần huy động dự báo tăng vọt. Song, do các ngân hàng chỉ căn cứ mức tài chính thời điểm cuối năm nên DN sẽ được vay rất ít. Nếu không xem xét lại thực lực DN để có sự điều hòa tỉ lệ vốn vay, ngân hàng có thể sẽ làm khó cho các dự án làm ăn phát triển nghiêm túc, nhất là khi ngưỡng lãi suất 21%/năm đã đặt trên bàn kế toán DN.

 

NGUYỄN QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek