Bài cuối: Cần sớm quy hoạch lại vùng nguyên liệu
Hiện nay, quy hoạch vùng nguyên liệu mía ở huyện Sông Hinh đã hết hiệu lực và không còn phù hợp. Vì vậy cần sớm quy hoạch lại vùng nguyên liệu phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo quyền lợi người trồng mía.
Ít quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu
Theo UBND huyện Sông Hinh, niên vụ mía 2020-2021, nhiều nông dân trồng mía trên địa bàn huyện bức xúc vì tiếp tục gặp khó về chính sách đầu tư vùng nguyên liệu, vấn đề mua mía giá thấp, việc chậm thanh toán tiền bán mía… của Công ty CP Mía đường Tuy Hòa.
Bà Trần Thị Phương Tâm ở xã Đức Bình Tây nói: Trên danh nghĩa là đầu tư cho vùng nguyên liệu nhưng thực chất Công ty CP Mía đường Tuy Hòa chỉ chi khoảng 2-3 triệu đồng/ha để người dân mua phân bón, không thấm vào đâu so với số tiền mà nông dân chi phí cả mùa vụ, chưa kể số tiền này công ty vẫn tính lãi. Vụ mía tới đây, gia đình tôi sẽ tự đầu tư mọi chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mía giống…
Chúng tôi cũng sẽ xem xét kỹ có nên tiếp tục hợp tác với Công ty CP Mía đường Tuy Hòa nữa hay không, vì mấy năm qua chưa nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ từ công ty, nhất là vào thời điểm nắng hạn, khó khăn như niên vụ mía 2019-2020. Với cách làm này, nông dân sẽ không thể đồng hành cùng Công ty CP Mía đường Tuy Hòa lâu dài được.
Theo UBND xã Đức Bình Tây, trước đây, xã có khoảng 1.200ha đất chuyên trồng mía, nhưng gặp nhiều khó khăn nên nông dân đã chuyển khoảng 400ha sang trồng các loại cây khác.
Ông Trần Văn Ân, Bí thư Đảng ủy xã Đức Bình Tây, cho biết: Theo phản ánh của nhiều hộ dân trồng mía trên địa bàn xã, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa ít quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu mía, thu mua mía với giá rất thấp, cách trừ tạp chất và cách tính chữ đường cũng không minh bạch. Giá mía mà Công ty CP Mía đường Tuy Hòa mua năm nay từ 1-1,1 triệu đồng/tấn; trong khi đó, thương lái ngoài thị trường mua xô tại ruộng khoảng 1,2-1,3 triệu đồng/tấn và không trừ tạp chất, không tính chữ đường, lại giao tiền ngay.
Nông dân “bỏ” nhà máy
Ông Ngô Hoài Phong ở xã Đức Bình Tây bức xúc: Nhà máy đường Tuy Hòa đi vào hoạt động đã giúp người dân miền núi Sông Hinh phát triển kinh tế nhờ vào cây mía. Thế nhưng từ khi công ty chuyển sang hình thức cổ phần thì người dân không còn được hưởng lợi từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ, nên không mặn mà gắn bó với nhà máy như trước.
Theo hợp đồng hiện nay, người dân chỉ biết trồng mía và cung cấp cho nhà máy, còn doanh nghiệp thu mua mía tự quyết định giá, cách thức tính tiền, thời gian thanh toán.
Tại xã Đức Bình Tây, các nhà máy khác đến đây mua mía đánh giá có chữ đường cao, trong khi chữ đường mà Công ty CP Mía đường Tuy Hòa thu mua chỉ đạt từ 7-8 CCS là rất vô lý. Một số hộ dân không ký hợp đồng với Công ty CP Mía đường Tuy Hòa, bán mía cho các nhà máy khác luôn được giá cao hơn và được nhận tiền ngay. Bình quân, mỗi xe mía nhập về Nhà máy đường Tuy Hòa, người dân mất trắng từ 6-7 triệu đồng so với bán cho tư thương, đây là điều rất bất công với nông dân trồng mía…
Ông Bùi Đức Bình ở xã Đức Bình Tây cho biết: Trước đây, tôi luôn gắn bó với Nhà máy đường Tuy Hòa, nhưng 2 năm nay, chính sách không đảm bảo nên tôi không nhận đầu tư từ doanh nghiệp này và chủ động bán mía cho tư thương. Năm nay sản lượng đạt, với diện tích hơn 4ha, giá bán cho tư thương mua xô tại ruộng khoảng 1,3 triệu đồng/tấn, thu được hơn 300 triệu đồng, mà tôi không phải mất nhiều thời gian chờ đợi từ nhà máy.
Lâu nay, người dân gắn bó với nhà máy, nhưng lại bị ép giá, trong khi đó doanh nghiệp này lại đi tranh mua mía ở vùng khác với giá cao hơn. Điều này chứng tỏ Công ty CP Mía đường Tuy Hòa xem nhẹ lợi ích của người trồng mía. “Nông dân chúng tôi mong muốn các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh cạnh tranh về chính sách đầu tư, giá cả thu mua, để người dân chủ động lựa chọn, đảm bảo quyền lợi của người nông dân. Người dân vẫn luôn tôn trọng và mong muốn gắn bó, làm ăn lâu dài với doanh nghiệp có chính sách đầu tư tốt, giá mua mía nguyên liệu hợp lý…”, ông Bình chia sẻ.
Bà Huỳnh Thị Điệp, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, cho biết: Mặc dù, diện tích trồng mía ở xã Đức Bình Tây giảm so với trước đây, nhưng đa số nông dân trồng mía trên địa bàn đều có nguyện vọng và kiến nghị huyện xin phép tỉnh cho chủ trương để Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam được đầu tư và thu mua mía nguyên liệu ở xã Đức Bình Tây.
Khu vực trồng mía ở xã Đức Bình Tây khá xa so với Nhà máy đường Tuy Hòa, trong khi nhà máy chế biến đường của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam rất gần nên nông dân trồng mía sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Hơn nữa, chính sách đầu tư, hỗ trợ người trồng mía của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam tốt hơn, hình thức thu mua công khai minh bạch, việc thanh toán tiền bán mía cũng rõ ràng, kịp thời hơn.
Cần quy hoạch lại sát với thực tế
Theo UBND huyện Sông Hinh, những năm gần đây, tình hình liên kết sản xuất đầu tư và thu mua mía nguyên liệu giữa Công ty CP Mía đường Tuy Hòa với nông dân trồng mía trên địa bàn huyện có nhiều bất cập, người dân không đồng tình về chính sách, giá cả thu mua mía của công ty này và gây ra dư luận không tốt tại địa phương. Đặc biệt là việc giải quyết tiền thưởng hoàn thành hợp đồng của 688 hộ dân trong niên vụ 2019-2020 chưa thỏa đáng, khiến nông dân bức xúc.
UBND huyện đã nhiều lần làm việc với đại diện Công ty CP Mía đường Tuy Hòa nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Về vấn đề này, UBND huyện Sông Hinh đã có báo cáo cho UBND tỉnh. Thực tế, trong năm 2020, tại các cuộc đối thoại, tiếp xúc cử tri, người dân đều thể hiện sự không đồng tình về chính sách, giá cả thu mua mía của Công ty CP Mía đường Tuy Hòa và mong muốn được tự do mua bán, tự do cạnh tranh để đảm bảo quyền lợi của người trồng mía.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Cử tri xã Đức Bình Tây mong muốn và kiến nghị được liên kết đầu tư với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam vì vùng nguyên liệu của xã gần nhà máy của công ty này hơn và chính sách, giá cả thu mua có nhiều thuận lợi, đem lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân. Hơn nữa, nếu căn cứ theo Nghị quyết 63 ngày 26/8/2019 của Chính phủ và khoản d, Điều 59, Luật Quy hoạch năm 2017 thì việc quy hoạch vùng nguyên liệu mía theo Quyết định 1117 ngày 27/5/2016 của UBND tỉnh, đã hết hiệu lực và không còn phù hợp.
Với những lý do nêu trên, xét thấy nguyện vọng của người dân là chính đáng và phù hợp, UBND huyện Sông Hinh đã có tờ trình trình UBND tỉnh xem xét, đồng ý cho Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam được đầu tư thu mua mía nguyên liệu tại địa bàn xã Đức Bình Tây kể từ niên vụ 2020-2021. Đối với những diện tích mía ở một số địa phương khác không ký kết hợp đồng với Công ty CP Mía đường Tuy Hòa thì người trồng mía được phép bán và Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam được phép mua kể từ tháng 1/2021.
Theo Quyết định 1117 ngày 27/5/2016 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu mía giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Công ty CP Mía đường Tuy Hòa, giai đoạn đến năm 2020, quy hoạch ổn định vùng trồng mía nguyên liệu huyện Sông Hinh là 4.374ha/5.688ha (diện tích có khả năng trồng mía). Tuy nhiên, theo Nghị quyết 63 ngày 26/8/2019 của Chính phủ và khoản d, Điều 59, Luật Quy hoạch năm 2017 thì việc quy hoạch vùng nguyên liệu theo quyết định này đã hết hiệu lực và không còn phù hợp.
Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn |
ANH NGỌC - NAM KHÁNH