Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phối hợp với Sở Công thương hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp. Đây được xem là một trong những giải pháp mới, giúp các doanh nghiệp kiểm soát, nâng cao năng lực quản trị, điều hành hoạt động nội bộ, sản xuất, kinh doanh.
Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, xây dựng giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp là một trong những đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2021 đã được Bộ Công thương phê duyệt. Đề án này tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, ưu tiên những ngành hàng trọng điểm của Việt Nam hướng tới xuất khẩu giày da, may mặc, nông thủy sản, thực phẩm, dịch vụ du lịch, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ… có nhu cầu ứng dụng thương mại điện tử.
Cũng theo đơn vị này, giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp được tích hợp trong phần mềm quản trị tổng thể (phần mềm quản trị ERP) cho phép doanh nghiệp tự kiểm soát được trạng thái năng lực của mình; từ đó có thể lên kế hoạch khai thác năng lực hợp lý nhờ vào các quy trình nghiệp vụ đã được thiết lập trong hệ thống. Bên cạnh đó, hệ thống quản trị tổng thể còn cung cấp cho doanh nghiệp một hệ thống quản lý với quy trình hiện đại theo chuẩn quốc tế, nhằm nâng cao khả năng quản lý, điều hành doanh nghiệp cho lãnh đạo cũng như tác nghiệp của đội ngũ nhân viên cấp dưới. Đặc biệt, ứng dụng này được xây dựng trên nền website, có thể truy cập mọi nơi, mọi lúc trên thiết bị di động, song vẫn được lưu trữ và có tính bảo mật cao.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Chương trình triển khai sẽ giúp chủ doanh nghiệp giảm thiểu được thất thoát, nâng cao hiệu suất trong quản lý, đẩy nhanh quy trình giao dịch, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Chức năng phần mềm quản trị này bao gồm cả quản lý kho, sản xuất, xuất nhập khẩu, mua bán hàng, kế toán; chấm công, bảng lương, giá thành, doanh thu, lợi nhuận, phần mềm nhóm… và các chức năng cần thiết khác cho hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tất cả các chức năng trên được thống nhất trong cùng một hệ thống phần mềm. Hệ thống này có thể được tùy chỉnh để phù hợp với yêu cầu quản lý riêng của từng doanh nghiệp và cam kết bảo mật thông tin chặt chẽ.
Tích cực hỗ trợ
Theo các ngành chức năng, đối với doanh nghiệp trong tỉnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử luôn hết sức cần thiết. Vì trong thời gian qua, tuy có nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trang bị máy móc, ứng dụng công nghệ thông tin nhưng chưa thật sự hiệu quả. Sự quan tâm, khả năng khai thác, vận dụng công nghệ vẫn còn những hạn chế nhất định.
Liên quan đến nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Bích cho biết thêm: Trước nhu cầu vận hành thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất với quy mô vừa và lớn đang tìm kiếm những giải pháp quản lý không chỉ đáp ứng được bài toán quản trị đề ra, mà còn cam kết bảo mật thông tin và dễ dàng mở rộng khi phát triển sau này. Và việc xây dựng giải pháp quản trị mới này có khả năng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp hiện nay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin, phát triển thương mại điện tử trong tình hình mới.
Ông Trần Ngọc Đảm, Giám đốc Công ty CP An Hưng Phú, cho hay: Tuy hoạt động ở quy mô nhỏ, thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ, nội thất gỗ của công ty chủ yếu ở các tỉnh lân cận nhưng vấn đề nắm bắt thông tin thị trường, nhu cầu khách hàng… luôn hết sức cần thiết, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin. Những năm qua, để thực hiện cũng như quản lý bao quát hoạt động tổng thể của công ty, chúng tôi phải cài đặt nhiều ứng dụng, thường xuyên cập nhật các dữ liệu mới. Đã rất nhiều lần, chúng tôi muốn đổi mới, nâng cấp hệ thống quản trị nhưng chưa thể thực hiện được. Vì thế, nếu được thiết lập ứng dụng quản trị tổng thể doanh nghiệp sẽ giúp chúng tôi giải quyết được nhiều vấn đề liên quan.
Theo ông Bùi Xuân Khương, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP An Hưng, lâu nay, phần lớn các khâu quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin; riêng về việc cập nhật, nắm bắt thông tin thị trường, hàng hóa… thì thường thông qua các kênh hiệp hội, sàn giao dịch. Đến thời điểm này, nguồn nhân lực đảm nhận công nghệ thông tin tại công ty đã khá thành thạo, sẵn sàng tiếp nhận các ứng dụng mới. Do đó, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp có thể thiết lập, xây dựng giải pháp quản trị nào tối ưu để mang lại hiệu quả cho hoạt động, tổ chức bộ máy của công ty.
Tham gia thiết lập giải pháp quản trị tổng thể, các doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí 1 năm. Hiện Sở Công thương đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, kèm theo các nội dung hướng dẫn để doanh nghiệp chủ động tham gia. Trên cơ sở danh sách, nội dung đăng ký của doanh nghiệp, sở sẽ tổng hợp, phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) để triển khai hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ theo đúng kế hoạch. Đơn vị cũng sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc xây dựng hoàn thiện giải pháp quản trị mới.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương |
VÕ PHÊ