Thứ Tư, 09/10/2024 13:17 CH
Doanh nghiệp Nhà nước, “ông” là ai?
Thứ Ba, 03/06/2008 14:40 CH

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, người ta kỳ vọng vào những “trụ cột của nền kinh tế” là các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty nhà nước. Thế nhưng, tại diễn đàn Quốc hội lần này, nhiều đại biểu tỏ ra hoài nghi, nếu không muốn nói là thất vọng, đối với các “anh cả”!

 

Không thành phần kinh tế nào được ưu ái nhiều bằng các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Khu vực này hiện nắm giữ 60% nguồn vốn cho vay của các ngân hàng thương mại, 70% vốn vay nước ngoài nhưng chỉ đóng góp 40% GDP, mà đa số từ đặc quyền khai thác tài nguyên đất nước. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, người ta kỳ vọng vào những “trụ cột của nền kinh tế”. Tuy nhiên, tại diễn đàn Quốc hội lần này, nhiều đại biểu tỏ ra hoài nghi, nếu không muốn nói là thất vọng, đối với các “anh cả”! 

  

dl.jpg

Điện lực là một trong những ngành có nguồn vốn của Nhà nước rất lớn - Ảnh: KIM SA

 

ĐẦU TƯ TRÀN LAN

 

Tại cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước để bàn về đẩy mạnh sản xuất, kiềm chế lạm phát ngày 1/4/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảnh báo tình trạng các doanh nghiệp đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính quá lớn, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... Việc đầu tư ra ngoài của các tập đoàn, tổng công ty làm phân tán nguồn lực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giữ vai trò chủ lực của nền kinh tế. Đặc biệt, việc ồ ạt đẻ non ra nhiều ngân hàng trong một thời gian ngắn luôn tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống tài chính và nền kinh tế. Việc các tập đoàn thành lập ngân hàng là rất dễ hỗ trợ đầu tư cho các dự án kém hiệu quả của tập đoàn. Đây là bài học đắt giá của nhiều nước mà Việt Nam cần tránh!         

 

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hà, các tập đoàn, tổng công ty khi thành lập đều xác định vốn điều lệ trên cơ sở vốn sổ sách. Vì vậy, không phản ánh được thực chất nhu cầu, biện pháp sử dụng vốn tại doanh nghiệp. Số vốn huy động của 70 tập đoàn, tổng công ty đến 31/12/2007 lên đến 448.269 tỉ đồng, trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ đạt 323.208 tỉ đồng. Việc tự huy động vốn đã dẫn đến tình trạng một số tổng công ty có hệ số vay nợ/vốn chủ sở hữu quá cao, rất đáng lo ngại.

 

CHẠY THEO LỢI NHUẬN NHẤT THỜI

 

Khi phát biểu tại hội nghị sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp (23/4/2008), hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đều cho rằng, nhà nước cần tạo điều kiện để họ đầu tư vào các lĩnh vực trên, vì có như thế mới xoay được vốn làm ăn(!). Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin, lý giải rằng, do đặc thù của ngành kinh doanh tàu thủy cần vốn lớn, Nhà nước không bổ sung vốn nên Vinashin phải đầu tư vào tài chính, bất động sản để kiếm vốn đầu tư cho các dự án lớn hơn. Ông Bình cho rằng, tập đoàn đầu tư vào các công trình phúc lợi, khu nghỉ dưỡng, bệnh viện ngành là cần thiết để “lấy ngắn nuôi dài”. Và rằng “chúng tôi đầu tư ra ngoài đâu chỉ vì chạy theo lợi nhuận”! Lý giải của ông Bình tại hội nghị đã không được sự đồng tình của các đại biểu.

 

Kinh doanh tài chính, bất động sản thì hoàn toàn không thể “ngắn” và nếu không “chạy theo lợi nhuận” thì lấy gì để nuôi được “dài”? Tương tự, ngành điện cũng “lấy ngắn nuôi dài” khi đầu tư sang lĩnh vực khác. Nhiều đại biểu Quốc hội đã hết sức bức xúc trước việc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đem số tiền lớn đầu tư xây dựng khu resort ở miền Trung - một lĩnh vực không liên quan gì đến ngành điện, một dự án rất... khả nghi, góp phần làm cho lạm phát gia tăng.

 

Có thể nói, trong hai năm 2006, 2007, các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản phát triển mạnh và đem lại lợi nhuận cao nhất. Vì vậy, một số tập đoàn kinh tế đã thả phanh đầu tư vào “những ngành kinh tế béo bở” - nói theo cách của ông Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN. Ngược lại, bước sang năm 2008, tình hình đã thay đổi một cách nhanh chóng và không thể lường trước được. Đặc biệt, thời điểm hiện nay, các lĩnh vực trên đã và đang có độ rủi ro rất cao.

 

5 tháng đầu năm nay, lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng, thị trường chứng khoán đang giảm sút mạnh, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2008 đã mất hơn 50%. Trong bối cảnh chung như vậy, đa số các hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp nhà nước cầm chắc thua lỗ... Thị trường bất động sản đóng băng. Rồi, kinh doanh tiền tệ, ngân hàng, bảo hiểm ngày càng khó khăn. Chính sách tiền tệ của nhà nước trong cuộc chống lạm phát luôn có nhiều thay đổi... Nỗi lo doanh nhiệp nhà nước “đá nhầm sân”, “trật đường ray” đang lộ rõ. Theo kinh nghiệm của các nước đi trước, khi bong bóng tài chính/bất động sản vỡ mà lãi suất ngân hàng tăng cao thì rất dễ xảy ra vỡ nợ hàng loạt của các doanh nghiệp.

 

BÀI TOÁN NAN GIẢI

 

Theo ông Phạm Viết Muôn, việc các tập đoàn mở rộng hoạt động kinh doanh đã làm số lượng doanh nghiệp của tập đoàn tăng và kéo theo nó là nguy cơ không đảm bảo về năng lực quản lý, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tập đoàn, như cho vay nội bộ, chi phối giá mua, giá bán; nguy hiểm hơn là phân tán tài sản Nhà nước về những công ty con, trong đó các vị lãnh đạo của tập đoàn nắm giữ một lượng cổ phiếu đáng kể ở những công ty con mới này. Chỉ với thương hiệu của tập đoàn mẹ và một mảnh đất, họ đủ sức làm nên những cuộc bán đấu giá cổ phần cao ngất ngưởng mà người hưởng lợi chính là những người sở hữu cổ phần lớn. Bên cạnh đó, các tập đoàn liên tục đầu tư chéo vào nhau thông qua các công ty con tạo nên một hệ thống sở hữu chéo làm lợi ích liên kết ngày càng chặt chẽ. Họ kết thành một cái bè quay trở lại chi phối chính sách nhà nước, thậm chí trong hội nghị sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn “đe dọa”, nếu “Chính phủ không bổ sung vốn cho các tập đoàn  kinh tế” thì “sẽ là thảm họa trong tương lai”. Ông Muôn nói: “So với năm 2006, số lượng công ty con trong tập đoàn tăng 10% (68 công ty) và công ty liên kết tăng 39%.

 

Về hiện tượng này, GS.TS Trần Ngọc Thơ phân tích: Tiền vốn thay vì tập trung toàn lực cho sản xuất kinh doanh để người dân được lợi, thì cứ chạy lòng vòng theo kiểu công ty  con lén dúi tiền cho công ty mẹ, rồi mẹ lại đổ tiền về con để lách dễ dàng những qui định kiểm soát của nhà nước. Và sau đó, tất cả tiền của cả mẹ lẫn con đều tăng lên theo cấp số nhân nhờ mua lại cổ phiếu ảo của nhau và lại “cháy” hết vào chứng khoán và cơn lốc bất động sản như hai năm 2006, 2007. 

 

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về mô hình tập đoàn kinh tế. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc này cần được tiến hành sớm để có quyết sách đúng. Nhưng trên tất cả, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần phải được kiểm toán độc lập hàng năm để xác minh tính hiệu quả thực tế của chúng.          

 

Ông Nguyễn Đức Kiên, Uỷ viên UBKT Quốc hội nhận xét: “Chiếm 60% tổng đầu tư Nhà nước, nhưng thu từ khu vực này (doanh nghiệp nhà nước) không đủ trả nợ thì nền kinh tế ổn định ở chỗ nào?”

 

Trong số các khoản chi vượt dự toán (và bội chi) thì một phần khá lớn dành cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tại diễn đàn kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 12, nhiều đại biểu bức xúc đề nghị: phải nhìn thẳng vào sự thật, đã đến lúc siết chặt tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư tràn lan. Quốc hội cần giám sát các tập đoàn kinh tế, cần ngăn chặn đầu tư trái ngành, Chính phủ cần chấn chỉnh quyết liệt...

 

HÀ THANH - (VOV)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek