Thứ Năm, 10/10/2024 03:20 SA
Miền Trung – Vùng động lực của du lịch Việt Nam trong tương lai
Thứ Ba, 27/05/2008 15:30 CH

LTS: Tại hội thảo “Miền Trung - Vận hội mới cho đầu tư và phát triển” do Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tại TP Đà Nẵng, hai vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều là phát triển du lịch và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Báo Phú Yên xin trích giới thiệu bài viết của Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng và Giám đốc Đại học Đà Nẵng Bùi Văn Ga về hai vấn đề nêu trên. Tít bài và các tít xen do tòa soạn đặt.

 

080527-da-dia.jpg

Thắng cảnh quốc gia Gành Đá Dĩa (Phú Yên) - Ảnh: D.T.X

 

Đứng từ góc độ tổ chức lãnh thổ du lịch, khu vực miền Trung bao gồm vùng du lịch Bắc Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi) và tiểu vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ (từ Bình Định đến Bình Thuận). Đây là lãnh thổ tập trung nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc với 5/7 di sản thế giới, nhiều bãi biển vào loại đẹp nhất ở Việt Nam, nhiều cảnh quan và hệ sinh thái đặc sắc hấp dẫn du khách (hệ sinh thái biển - đảo, hệ sinh thái đầm phá, hệ sinh thái rừng nhiệt đới…), nhiều di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề và các giá trị văn hóa phi vật thể.

 

VÙNG DU LỊCH ĐỘNG LỰC QUỐC GIA

 

Với lợi thế về vị trí và tiềm năng du lịch, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2001 – 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg ngày 22/07/2002 đã xác định khu vực miền Trung sẽ là vùng động lực của du lịch Việt Nam sau những năm 2020, nằm trên trục du lịch quốc gia kết nối du lịch 2 vùng phía Bắc và phía Nam; đồng thời là điểm kết nối du lịch Việt Nam với khu vực và quốc tế qua Hành lang kinh tế Đông Tây (WEC).

 

Nhận thức được vị trí quan trọng của khu vực miền Trung trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, để cụ thể hóa các tư tưởng chiến lược trên đối với phát triển du lịch lãnh thổ này, tiếp sau Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 – 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 307/TTg ngày 24/5/1995, năm 2000, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các bộ ngành có liên quan và các địa phương trong khu vực thực hiện một số quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng du lịch Bắc Trung Bộ (gồm các địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi) thời kỳ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ, trong đó bao gồm tiểu vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ thời kỳ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Trung tâm du lịch Huế - Đà Nẵng và phụ cận thời kỳ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

 

Xác định vai trò gắn kết đặc biệt trong phát triển du lịch khu vực miền Trung với du lịch Tây Nguyên nhằm góp phần tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lãnh thổ, năm 2005, theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Du lịch đã thực hiện Đề án “Phương hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực miền Trung – Tây Nguyên” và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Để thể hiện rõ vai trò và vị trí “cầu nối” của du lịch khu vực miền Trung với du lịch khu vực và quốc tế qua tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, năm 2003, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch khu vực miền Trung – nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, trong đó các chuyên gia quốc tế đã khẳng định lại những tư tưởng phát triển chiến lược đối với du lịch khu vực miền Trung đã được Tổng cục Du lịch thực hiện, đồng thời làm rõ hơn một số nội dung phát triển gắn kết với du lịch khu vực.

 

SỚM GIẢI QUYẾT NHỮNG HẠN CHẾ, TRÙNG LẮP

 

Có thể thấy cho đến nay, hệ thống quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn khu vực miền Trung là tương đối hoàn chỉnh. Đây là cơ sở quan trọng cho công tác quản lý và đầu tư phát triển du lịch ở khu vực này. Thực tế cho thấy nhiều dự án đầu tư  phát triển du lịch căn cứ vào những định hướng có tính chiến lược của hệ thống các quy hoạch trên đã phát huy được hiệu quả, tạo ra những sản phẩm và điểm đến du lịch hấp dẫn ở khu vực miền Trung như Huế, Lăng Cô, Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế), Mỹ Khê, Sơn Trà (Đà Nẵng), Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết – Mũi Né (Bình Thuận)…

 

Những quy hoạch trên cũng là cơ sở quan trọng để Tổng cục Du lịch xem xét trình Chính phủ quyết định hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và thực hiện các hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch miền Trung như tổ chức “Năm du lịch Quảng Nam”, Festival Huế...  ở khu vực này trong thời gian từ 2001 đến nay.

 

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch khu vực miền Trung, một số hạn chế chủ yếu cần được xem xét và giải quyết tốt hơn trong thời gian tới. Đó là: Sự trùng lặp trong phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch biển; tác động du lịch đến tài nguyên và môi trường chưa được kiểm soát tốt; một số dự án đầu tư, bao gồm cả đầu tư hạ tầng du lịch còn chưa phát huy được hiệu quả; hạn chế trong phát triển các dự án có tính liên khu vực.

 

Để giải quyết những hạn chế trên, theo chúng tôi, cần thiết phải thực hiện các vấn đề: Tăng cường vai trò điều phối của Ban Chỉ đạo quốc gia về du lịch mà thường trực là Tổng cục Du lịch trong thực hiện quy hoạch, đặc biệt là xem xét các dự án đầu tư có ý nghĩa vùng; tăng cường sự phối hợp giữa ngành du lịch và các bộ ngành có liên quan, đặc biệt là ngành kế hoạch - đầu tư cũng như giữa ngành du lịch với các địa phương trong vùng. Trong bối cảnh phát triển có nhiều yếu tố nảy sinh trong hợp tác tiểu vùng, quốc tế cũng như những vấn đề về môi trường, đặc biệt là vấn đề mức nước biển dâng, cần xem xét có những điều chỉnh thích hợp đối với quy hoạch phát triển du lịch của khu vực nhằm phát huy tốt nhất những lợi thế và cơ hội, đảm bảo sự phát triển du lịch tương xứng với vai trò vị trí và đảm bảo sự phát triển bền vững.

 

TRẦN CHIẾN THẮNG

Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek