Thứ Tư, 09/10/2024 23:24 CH
Cơ giới hóa trên đồng mía Sông Hinh
Thứ Ba, 27/05/2008 15:30 CH

Với 20.000 ha mía, sản lượng trên dưới 1 triệu tấn mía/năm, Phú Yên được xem là địa phương có diện tích, sản lượng mía cao trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Làm thế nào để tiếp tục phát huy thế mạnh cho ngành mía đường nói riêng, ngành sản xuất nông sản chế biến nói chung phát triển bền vững là câu hỏi được đặt ra rất nhiều lần trong các hội nghị của ngành mía đường tỉnh Phú Yên. Những thành công bước đầu từ chương trình cơ giới hóa trên đồng mía mà Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa thực hiện là một trong những giải pháp hiệu quả giúp cây mía có điều kiện phát triển, đứng vững trên vùng đất Sông Hinh.

 

080227-Thu-hoach-mia.jpg

Mía trồng theo công nghệ mới đạt năng suất cao ở Sông Hinh - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

BƯỚC ĐẦU CƠ GIỚI HÓA

 

Theo Quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu mía cho Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã được phê duyệt, diện tích trồng mía được quy hoạch đến năm 2015 tại huyện Sông Hinh là 3000 ha. Sông Hinh cũng đã được công ty này áp dụng chương trình cơ giới hóa vào canh tác từ năm 2005 đến nay. Những địa phương áp dụng thành công chương trình cơ giới hóa là buôn Zô (xã Ea Ly), buôn Bầu (xã Ea Trol) và xã Đức Bình Tây.

 

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở Sông Hinh đã làm giàu từ cây mía. Những ruộng mía thâm canh có năng suất từ 80 đến trên 100 tấn/ha không còn là chuyện hiếm. Nhiều nông dân được gọi là “vua mía” như Ama Krăng ở xã Ea Bá, Trần Quốc Dụ ở thị trấn Hai Riêng, Năm Nghi ở Ea Ly… Ông Lê Văn Lợi, người có thâm niên hơn 15 năm trồng mía tại thị trấn Hai Riêng, cho biết, ngoài việc đầu tư giống mới, ông đang áp dụng các biện pháp cơ giới hóa để canh tác cây mía, trong đó kỹ thuật trồng mía cày sâu đã giúp ông thu hoạch mía đạt năng suất cao và chống được đổ ngã. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Lợi, đó chỉ là thành công ban đầu. Vấn đề lúc này là Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa cần có những chính sách đầu tư đồng bộ hơn, trong đó phải mở rộng diện tích cơ giới hóa ở những vùng lâu nay chưa thực hiện được.

 

Ông Trương Minh Hải, Phó giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa cho biết: Hai năm gần đây, công ty tiếp tục đầu tư hệ thống thiết bị và cử cán bộ xuống các vùng mía nhằm mở rộng chương trình này. Những địa phương như Đức Bình Tây, Ea Ly, Ea Trol…, diện tích mía được cơ giới hóa đạt gần 100%.

 

ĐỂ NÂNG CAO NĂNG SUẤT MÍA

 

Quá trình nghiên cứu công nghệ canh tác mía đã được tiến hành tại ba vùng đặc trưng. Vùng đất gò đồi có độ dốc (như vùng canh tác của ông Nguyễn Súng ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) thì dùng máy cày không lật để đảm bảo độ sâu làm đất tới 30 - 40 cm. Với những ruộng trồng mới, có thể cày toàn bộ bề mặt, dùng máy bang phẳng để thu gom gốc rễ mía cũ và nén sơ bộ mặt ruộng. Ngoài khâu làm đất bằng máy, cần tiến hành rạch hàng bằng thiết bị được lắp ghép với khung máy cày không lật, băm và chôn lá nhằm tăng dinh dưỡng cho đất.

 

Đối với vùng đất soi (đã thử nghiệm canh tác trên ruộng mía của ông Nguyễn Hữu Tấn ở xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, theo hướng cơ giới hóa tất cả các khâu trồng, xới- bón, thu hoạch), khâu làm đất được tiến hành bằng máy cày không lật liên hợp với máy kéo MTZ 892 hay bằng máy cày phá lâm 3 chảo có cải tiến. Độ sâu làm đất là 30 cm, đất được cày bừa kỹ, mặt bằng ruộng được làm sạch bằng máy băm vùi lá mía.

 

Ở vùng đất ruộng một vụ (nghiên cứu tại Cơ sở Giáo dục A1 và trạm mía giống của công ty thuộc xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa), có thể theo hướng cơ giới hóa đồng bộ như ở vùng đất soi hay cơ giới từng phần, nhưng nhất thiết phải cơ giới khâu làm đất với yêu cầu cày sâu, bừa kỹ, rạch hàng và chăm sóc bằng máy. Việc rạch hàng để trồng mía sâu góp phần hạn chế hiện tượng cây mía đổ ngã, tăng khả năng đẻ nhánh và khả năng lưu gốc, cây mía chịu hạn tốt trong những tháng nắng hạn, rễ hút nhiều dinh dưỡng trong đất, tăng khả năng phát triển.

 

Việc áp dụng cày ngầm, cày không lật đã hạn chế hiện tượng rửa trôi, thoái hóa đất, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, khâu chăm sóc thuận lợi hơn, độ sâu làm đất ở năm sau sẽ cao hơn. Việc cày sâu giúp nước dễ dàng thấm ngược lên tầng canh tác, nên mía chịu được thời tiết khô hạn kéo dài.

 

Ngoài chương trình cơ giới hóa trên cây mía, Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa cũng đang áp dụng những chính sách đầu tư ưu đãi từ khâu đưa giống mới xuống đồng mía, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc mía cho nông dân, tăng cường đầu tư phân bón và các dịch vụ làm đất, có chính sách gom mua phù hợp… Những nỗ lực trên đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là làm cho năng suất mía tăng cao, đủ sức cạnh tranh với các cây trồng khác, bảo đảm cho sản xuất mía đường của Phú Yên tiếp tục phát triển theo hướng bền vững.

 

LÊ BIẾT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek