Thứ Hai, 30/09/2024 02:33 SA
Tiêu thụ thủy sản ở miền Trung:
Ngổn ngang trăm nỗi
Thứ Bảy, 17/05/2008 07:10 SA

Năm nay, ngư dân miền Trung ra biển mà lòng chẳng vui bởi trong khi việc đánh bắt được con cá, con tôm ngoài biển mỗi ngày một khó, chi phí nguyên liệu cho mỗi chuyến đi biển lại cao thì việc tiêu thụ sản phẩm tại đất liền càng khó khăn hơn.

 

080517-cn.jpg

Mặc dù có sản lượng khai thác cá ngừ đại dương lớn nhất cả nước song việc tiêu thụ loại hải sản có giá trị kinh tế cao này chưa được tổ chức bài bản. Trong ảnh: Sơ chế cá ngừ đại dương tại bến cá phường 6 (TP Tuy Hòa) -  Ảnh: P.V

 

BIỂN BẠC NHƯNG NGƯ DÂN KHÔNG CÓ BẠC

 

Các tỉnh duyên hải miền Trung nằm dọc theo dải bờ biển dài gần 1.000km. Đây là ngư trường rộng lớn, giàu có về thủy hải sản, trong đó nhiều loại hải sản khá “độc” như cá ngừ đại dương, tôm hùm, mực nang... Ngư dân ở đây có nghề đánh bắt lâu đời nên rất giỏi giang “ra khơi, vào lộng”, đặc biệt ngư dân Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định có nghề đánh bắt cá ngừ đại dương sớm và giỏi nhất nước. Tổng sản lượng đánh bắt của các tỉnh miền Trung đứng thứ hai cả nước với 400.000 tấn, sau ngư trường đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ.

 

Những tưởng với điều kiện và thế mạnh như vậy, thì đời sống của ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung phải rất khá giả, hoặc ít ra cũng có của ăn, của để. Nhưng đáng buồn là cuộc sống của ngư dân còn rất vất vả, thậm chí nhiều người còn rơi vào cảnh túng khó. Loại trừ những thiệt hại do mưa bão gây ra hàng năm thì nguyên nhân chính vẫn là con cá con tôm đánh bắt về không có nơi tiêu thụ ổn định. 

 

Lấy Phú Yên, địa phương có số lượng tàu thuyền tương đối lớn ở khu vực miền Trung với 4.300 chiếc làm ví dụ. Chỉ tính riêng vụ cá năm 2007, ngư dân Phú Yên đánh bắt được 4.500 tấn, bằng 1/3 sản lượng cá ngừ của cả nước. Để đánh bắt được một mẻ cá ngừ đại dương, ngư dân phải đầu tư tàu công suất lớn trị giá vài trăm triệu đồng; mỗi chuyến đi biển phải chi tối thiểu 80-90 triệu đồng mua đá cây và dầu máy. Nhưng sau cả tháng vất vả ngoài biển khơi, tàu ắp cá cập cảng, họ lại chạy ngược chạy xuôi tìm nơi tiêu thụ. Vì cả tỉnh Phú Yên chẳng có một doanh nghiệp chế biến cá ngừ nào nên người dân phải đổ cho vài ba đầu nậu ở thành phố Tuy Hòa để họ xuất thô đi TP Hồ Chí Minh. Vì thế mà giá cá của ngư dân Phú Yên bán thường bị ép thấp hơn các nơi khác 30-45.000đ/kg. Ông Trần Kim Hoa, 58 tuổi, ở phường 6, TP Tuy Hòa, người có thâm niên gần 40 năm đi biển câu cá ngừ đại dương cho biết: Nhìn cả tàu cá bị đầu nậu nguây nguẩy ép cấp, ép giá mà nhiều lúc rơi nước mắt. Vậy mà vẫn phải ngọt nhạt với người ta, không thì... bán cho ai. Bị ép quá nên nhiều ngư dân Phú Yên đã rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Sau vụ cá vừa qua ở Phú Yên, có tới gần 100 chủ tàu bán tàu đánh bắt xa bờ; nhiều người bỏ nghề, rời quê vì không trả được nợ.

 

Tình trạng ngư dân đánh bắt về không tìm được nơi tiêu thụ diễn ra ở hầu hết các tỉnh duyên hải miền Trung. Nhiều vùng cá lẻ, ngư dân đánh bắt về chỉ biết bán tại chợ địa phương hoặc nhiều thì chế biến theo phương pháp thủ công như phơi, sấy vừa không đảm bảo chất lượng, vừa lãng phí nguồn nguyên liệu quý giá từ biển. ở những vùng cá lớn thì sản phẩm chủ yếu do đầu nậu thao túng. Điều đáng nói là hầu như không có một cơ quan chức năng nào có trách nhiệm trong việc này.

 

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

 

Việc tiêu thụ hải sản ở miền Trung khó khăn một phần là do hệ thống nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản ở khu vực này đã mỏng, năng lực lại hạn chế. Ngoài hai địa phương tập trung các nhà máy chế biển thủy sản như Đà Nẵng, Khánh Hòa, còn lại các địa phương khác hầu như không có các nhà máy chế biến thủy sản lớn mà chỉ có các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, chủ yếu là sơ chế nguyên liệu thô chứ không trực tiếp xuất khẩu.

 

Có nhiều nguyên nhân để các nhà máy, cơ sở chế biến ở miền Trung không phát triển mà lỗi chính là do cơ chế. Trước hết là chính các địa phương chưa quan tâm tới việc phát triển các cơ sở chế biến thủy sản. Đơn cử ở tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay ở tỉnh này có 40 doanh nghiệp tham gia chế biến mặt hàng thủy sản xuất khẩu, mỗi năm đem về 280 triệu đô la cho tỉnh. Vậy mà, có tới hơn một nửa trong số các doanh nghiệp này chưa được tạo điều kiện về mặt bằng để phát triển sản xuất ổn định. Một nguyên nhân nữa là nhiều địa phương đã bỏ vốn vài chục tỉ đồng để xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu nhưng do chưa biết cách làm ăn, đầu tư không đồng bộ, nên các nhà máy hoạt động không hiệu quả dẫn tới việc địa phương có nhà máy chế biến thủy sản mà ngư dân vẫn không có nơi tiêu thụ sản phẩm.

 

Có một nghịch lý là trong khi ngư dân miền Trung không có nơi tiêu thụ sản phẩm, thì nhiều nhà máy sản xuất hàng thủy sản xuất khẩu ở Đà Nẵng, Khánh Hòa lại phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh phía Nam. Lý do là ở các tỉnh miền Trung, nguồn hàng chỉ có thể ổn định từ tháng 11 năm trước đến tháng 7 năm sau. Còn mùa mưa bão từ tháng 8 đến tháng 10, ngư dân không thể ra biển. Các nhà máy không có kho đông lạnh nên không có nguồn hàng dự trữ cho sản xuất. Năm 2007 vừa qua, miền Trung chỉ chịu mấy cơn bão cấp vừa vừa mà các doanh nghiệp chế biến thủy sản miền Trung đã rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng, phải đôn đáo vào phía Nam mua gom nguyên liệu với giá cao.

 

CẦN MỘT CHIẾN LƯỢC DÀI HẠN

 

Rõ ràng, việc tiêu thụ thủy sản ở miền Trung đang còn ngổn ngang trăm nỗi, đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển dài hạn. Được biết, các địa phương Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định đã có ý định lập một hệ thống tiêu thụ cá ngừ đại dương cho ngư dân, nhưng đã vài năm mà dự án chưa khởi động. Ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho rằng: Đây là một việc cần làm sớm bởi khi có hệ thống này, ngư dân sẽ không còn bị ép giá, ép cấp bởi tư thương, đầu nậu, đảm bảo có lãi sau mỗi chuyến đi biển vất vả.

 

Với các doanh nghiệp chế biến, theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản và thương mại Thuận Phước Đà Nẵng, cần có kế hoạch về vốn, kho đông lạnh để mua gom hải sản lúc chính vụ. Tất nhiên, ông Lĩnh cũng mong ngư dân miền Trung không “quay lưng” lại với doanh nghiệp, bán sản phẩm cho đầu nậu khi khan hiếm nguyên liệu hoặc không thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là với mặt hàng xuất khẩu.

 

Các địa phương cũng cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng các cơ sở chế biến hàng thủy sản xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Tỉnh Khánh Hòa sẽ nghiên cứu và có giải pháp giúp các doanh nghiệp chế biến thủy sản có mặt bằng sản xuất.                                                  

 

ĐỒNG MẠNH HÙNG - (VOV)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek