Thứ Hai, 30/09/2024 04:23 SA
Nuôi cá ở Trường Sa
Thứ Năm, 15/05/2008 15:00 CH

Một chương trình nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá với quy mô lớn đang được Công ty Hải sản Trường Sa (thuộc Hải đoàn 129) triển khai thực hiện tại đảo chìm Đá Tây ở Quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Đây là cơ hội giúp cho ngư dân đầu tư phát triển kinh tế biển ở Trường Sa.   

 

NUÔI THÍ ĐIỂM CÁ ĐỂ CHUYỂN GIAO CHO DÂN

 

080515-nuoi-ca2.jpg

Cá chim trắng thương phẩm nuôi ở đảo Đá Tây đạt trọng lượng bình quân trên 1kg/con

Xuất phát từ nhu cầu về nguồn hải sản tươi sống cải thiện bữa ăn cho quân và dân ở huyện đảo Trường Sa, từ cuối tháng 3/2007, Công ty Hải sản Trường Sa đầu tư xây dựng lồng bè nuôi trồng thủy sản ở đảo Đá Lớn. Sau đó, công ty đưa nhiều loại giống hải sản từ đất liền ra thả nuôi thí điểm tại đây. Đội trưởng Đội nuôi cá của Công ty Hải sản Trường Sa Phan Thanh Toàn cho biết, dự án đã nuôi được 1.000 con cá chim trắng giống, 500 con cá chẽm giống (còn gọi là cá vược), 1.500 con cá hồng đen bằng thức ăn công nghiệp tổng hợp. Đến nay, cá chim trắng, cá chẽm sinh trưởng và phát triển rất tốt, trọng lượng bình quân hơn 1kg/con, có thể thu hoạch cung ứng cho người tiêu dùng. Cá hồng đen thả nuôi được 2 tháng cũng đang phát triển tốt.

 

Cũng theo ông Phan Thanh Toàn, dự án nuôi trồng thủy sản ở Trường Sa được đầu tư 10 tỉ đồng, từ nguồn vốn biển Đông hải đảo của Chính phủ, với mục tiêu phát triển nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Dự án sẽ nuôi hải sản thí điểm trong 3 năm để chọn lọc các loại giống thích nghi và phát triển tốt trong môi trường nước mặn, sóng gió ở Trường Sa. Sau đó, 8 kỹ sư và công nhân của Đội nuôi cá Trường Sa sẽ nuôi cá thương phẩm tại vùng biển đảo Đá Tây; tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi cho quân và dân ở các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn và Sinh Tồn… Dự kiến về lâu dài, công ty sẽ mở rộng chương trình giúp quân và dân đầu tư nuôi cá ở hầu hết các đảo trên Quần đảo Trường Sa.

 

PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ HẬU CẦN NGHỀ CÁ Ở TRƯỜNG SA

 

Tại đảo chìm Đá Tây, dự án phát triển cơ sở hạ tầng các dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân đánh bắt thủy sản ở Trường Sa cũng đang được triển khai thực hiện. Theo Đội trưởng Đội công ích dịch vụ hậu cần nghề cá Đá Tây Lê Văn Lâm, lâu nay ngư dân trong cả nước khai thác thủy sản ở Trường Sa chưa nhiều, vì thời gian đánh bắt dài, thêm vào đó quãng đường đi lại trên biển quá xa làm cho tàu cá có thể thiếu nhiên liệu, nước ngọt và các nhu yếu phẩm khác. Do vậy, trong thời gian tới, Đội công ích dịch vụ hậu cần nghề cá Đá Tây sẽ tổ chức mua nguyên liệu hải sản của ngư dân; đồng thời cung cấp nhiên liệu, nước cho tàu bè và các dịch vụ công ích khác tại các đảo ở Trường Sa. “Tuy nhiên, hiện nay chương trình đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá còn chậm, do khó khăn về vật tư, thiếu mặt bằng, thiếu bồn chứa… Tôi đã đề nghị với thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân - báo cáo với Chính phủ để hỗ trợ, tạo điều kiện về vật chất cho đơn vị hoàn thành chương trình này”. Đội trưởng Đội công ích dịch vụ hậu cần nghề cá Đá Tây Lê Văn Lâm cho biết như vậy.

 

080515-nuoi-ca.jpg
Cơ sở nuôi trồng và dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo chìm Đá Tây - Ảnh: NGUYÊN LƯU

 

Ông Trần Kim Hoa, chủ tàu PY 2979 ở phường 6 (TP Tuy Hòa) nói: “Tháng 10/2007, khi tàu của tôi khai thác thủy sản ở Quần đảo Trường Sa, một thợ lặn của tàu tên là Lê Văn Thạo bị ngạt thở, bất tỉnh do xì đường ống bình hơi. Tàu đã chạy vào đảo Đá Tây và Thạo, nạn nhân được các chiến sĩ cứu sống. Tại đây, tàu của tôi cũng được tiếp tế một ít nước, lương thực… để tiếp tục hành trình về đất liền. Thực tế trên cho thấy việc khai thác thủy sản ở ngư trường xa gặp nhiều bất trắc rủi ro. Vì thế, việc đầu tư các dịch vụ hậu cần nghề cá ở Trường Sa là một chiến lược đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sẽ giúp cho đông đảo ngư dân có điều kiện giải quyết những khó khăn, yên tâm bám trụ ở Trường Sa phát triển nghề cá lâu dài. 

 

Chiến lược biển đảo Việt Nam đến năm 2020: Phấn đấu để Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định, phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; có chính sách hấp dẫn nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế biển; xây dựng các trung tâm kinh tế lớn vùng duyên hải gắn với các hoạt động kinh tế biển làm động lực quan trọng đối với sự phát triển của cả nước.

 

LƯU PHONG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek