Dự án phát triển cây điều ghép của tỉnh Phú Yên được triển khai từ năm 2005 với mục tiêu đến năm 2010 đưa diện tích lên 10.000 ha, trong đó 7.000 ha trồng mới có thể sẽ không thực hiện được vì đầu tư chưa đúng mức.
Ngay từ năm đầu tiên, dự án này với kế hoạch trồng mới 1.200 ha đã không trở thành hiện thực vì không cân đối được nguồn vốn đầu tư 5 tỉ đồng từ ngân sách. Năm 2007, toàn tỉnh trồng được 107 ha tập trung ở huyện Sông Cầu, đạt 18,7% kế hoạch. Năm 2008, tỉnh cân đối từ ngân sách 1,5 tỉ đồng để trồng 500 ha, tính ra mỗi hecta chỉ đầu tư 3 triệu đồng, trong khi định mức chi phí xây dựng cơ bản thấp nhất cho một hecta điều trồng mới là xấp xỉ 8 triệu đồng cho 4 năm đầu tiên trước khi thu quả bói. Do đó, mục tiêu trồng mới 500 ha sẽ rất khó đạt trong năm nay nếu không tuyên truyền, giải thích để người dân chấp thuận tham gia dự án.
Đến nay, diện tích điều ở Phú Yên mới đạt khoảng 4.420 ha. Gần một nửa trong số đó đã cho trái nhưng năng suất rất thấp, khoảng 400 kg hạt/ha, đó là chưa kể năm được mùa năm mất mùa. Và trong 3 năm tới, kế hoạch của tỉnh mỗi năm chỉ trồng 500 ha, do đó mục tiêu đạt 10.000 ha điều sẽ không trở thành hiện thực.
Trong khi đó, Phú Yên là một trong những tỉnh xuất khẩu nhân hạt điều lớn nhất Việt
Để dự án phát triển cây điều ở Phú Yên đạt kết quả, thiết nghĩ UBND tỉnh cũng như các huyện cần phải có những đòn bẩy kinh tế giúp nông dân như các chương trình tín dụng ưu đãi, mở lớp chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc, hỗ trợ cây giống và nhân rộng các mô hình trình diễn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện trong những năm qua... Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến hạt điều cần mạnh dạn hợp tác đầu tư vốn cho nông dân để thâm canh giống điều ghép và bao tiêu sản phẩm trong chu kỳ kinh doanh 20 năm. Bởi vì xét cho cùng nếu diện tích trồng điều ghép của Phú Yên lên 10.000 ha thì sản lượng mỗi năm chỉ đạt 15.000 đến 20.000 tấn hạt, mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu cho công nghiệp chế biến ở địa phương. Đó là chưa kể nếu trồng điều theo phương pháp thâm canh thì không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn có ý nghĩa về công tác phòng hộ, chống xói mòn đất canh tác và góp phần bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng.
THẾ LẬP