Thứ Hai, 30/09/2024 10:23 SA
Thương hiệu cho cá ngừ đại dương:
Bắt đầu từ thành lập hiệp hội
Thứ Ba, 13/05/2008 07:00 SA

Nghề câu cá ngừ đại dương (CNĐD) ở Phú Yên đang gặp nhiều khó khăn khi chi phí đi biển ngày một tăng cao, giá cá thấp, kỹ thuật đánh bắt, sơ chế lại lạc hậu... Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên đang xúc tiến thành lập hiệp hội để tiến tới xây dựng thương hiệu cho CNĐD Phú Yên, góp phần vực dậy, phát triển nghề này.

 

CÀNG CÂU CÀNG LỖ

 

080513ca.jpg
Khi có thương hiệu, cá ngừ đại dương Phú Yên sẽ nâng cao giá trị  – Ảnh: L.KHA
Ông Trần Phượt, chủ tàu PY 92044 ở phường 6 (TP Tuy Hòa) than thở: “Giá nhiên liệu, chi phí cho chuyến biển tăng vùn vụt nhưng giá cá ngày càng thấp nên ngư dân bị lỗ triền miên. Mỗi chuyến đi chỉ câu được 4 – 5 con cá, lắm lúc về không nhưng tiền dầu phải trả đủ. Bức xúc nhất là dù tàu đi 5 ngày hay một tháng về thì cá cũng nằm ở một mức giá”. Ông Phượt nói thêm: “Nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các cơ quan ban ngành không can thiệp vào việc mua bán thì nghề câu CNĐD ở Phú Yên chắc sẽ không còn”.

 

Chi phí đầu tư cho một chuyến câu khơi từ 60 – 70 triệu đồng. Với loại tàu có công suất từ 90 CV trở lên, mỗi chuyến vươn khơi “ngốn” 4.500 – 5.000 lít dầu, tiêu tốn từ 63 -70 triệu đồng cho riêng khoản nhiên liệu, chưa kể chi phí khác. Thiếu vốn sắm chuyến, chủ tàu tìm đến các cơ sở kinh doanh xăng dầu chấp nhận mua nợ dầu với giá cao hơn để có thể tiếp tục ra khơi. Tuy nhiên, hoạt động khai thác vẫn không hiệu quả khiến nhiều ngư dân phải rao bán thuyền nghề. Ông Nguyễn Vinh, DNTN Vinh Sâm (TP Tuy Hòa) chuyên doanh lĩnh vực hải sản, cho biết: “Hiện hầu hết ngư dân chuyển sang lưới rút, lưới vây dù phải bỏ ra 300 – 400 triệu đồng sắm thuyền nghề, trong khi chúng tôi đã đầu tư kinh phí để tàu đi câu CNĐD. Bây giờ, chúng tôi không dám đầu tư tiếp nữa vì càng đi họ càng lỗ. Các tàu nằm bến đềøu là những tàu không có tiền đổ dầu”.

Mặt khác, khâu bảo quản sản phẩm có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và giá CNĐD nhưng vốn đầu tư, công nghệ hiện ngoài tầm tay ngư dân. Việc sử dụng hầm ướp cá bằng đá xay vụn trong thời gian dài khiến chất lượng cá chỉ đạt khoảng 50% tiêu chuẩn xuất khẩu trên thị trường Mỹ, Nhật nên giá bán cũng giảm tương đươngï. Trong khi đó, các nước khác sử dụng công nghệ hiện đại sơ chế cá ngừ trên biển bằng máy phun đá vảy nên cá rất tươi, bán được giá cao. Gần đây, tất cả các chủ tàu đều kéo dài thời gian đi biển với hy vọng đánh bắt được nhiều hơn để bù lại khoản chi phí xăng dầu, lương thực tăng vọt, dẫn đến hậu quả tất yếu là cá không được tươi nguyên nên giá trị càng bị hạ thấp.

 

THÀNH LẬP HIỆP HỘI ĐỂ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

 

Ông Lê Thanh Phương, Trưởng phòng Thông tin Khoa học Công nghệ  Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên) cho biết: “Xây dựng thương hiệu CNĐD là việc bức bách phải làm nhưng trước hết chúng ta phải sớm xúc tiến thành lập hiệp hội để bảo vệ quyền lợi cho người dân. Hiệp hội chỉ là một “cái sân” để ngư dân cùng nhau ngồi lại kiến nghị các cơ quan tháo gỡ những khó khăn và đề nghị nhà nước đưa ra những tiêu chuẩn chất lượng. Việc thành lập hiệp hội và xây dựng thương hiệu tạo sự liên kết và sức mạnh, đánh động các cơ quan chức năng”.

Thành lập hiệp hội cá ngừ nhằm tập hợp những người tham gia quá trình khai thác, chế biến và tiêu thụ cá ngừ với mục tiêu đánh bắt được nhiều cá, chất lượng tốt, giá bán cao trên thị trường. Người làm dịch vụ hậu cần cung ứng được dịch vụ cho ngư dân. Tuy nhiên, làm thế nào xây dựng một tổ chức dung hòa cả hai bên sản xuất, mua bán CNĐD để cùng phát triển đang là trăn trở của các nhà chức năng.

 

080513-ca-2.jpg
Sơ chế cá ngừ đại dương tại bến cá phường 6 (TP Tuy Hòa)   - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng việc thành lập hiệp hội CNĐD là cần thiết, tuy nhiên vấn đề đặt ra là sản lượng đánh bắt, các chủ tàu phải cùng phối hợp tìm kiếm ngư trường để hoạt động khai thác được hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Vinh (DNTN Vinh Sâm) đề nghị nhà nước có biện pháp hỗ trợ tài chính để các tàu đánh bắt CNĐD tiếp tục hoạt động. “Để giữ chất lượng sản phẩm được tốt hơn, khi có cá chỉ cần một thuyền gom lại còn các thuyền khác vẫn đánh bắt, chúng tôi sẽ ra tận nơi mua”, ông Vinh đề xuất. “Như vậy nghề câu CNĐD mới có đường sống lại, chứ không người ta nghỉ hết”. Theo Phó Giám đốc Sở Thủy sản Phú Yên Biện Minh Tâm: “Cần thiết thành lập hội hoặc hiệp hội cá ngừ cho ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Để khi rủi ro, cả ba nhà khai thác, chế biến và quản lý cùng chia sẻ chứ nếu ngư dân không khai thác thì nhà thu mua cũng không có sản phẩm để kinh doanh”.

 

Về việc xây dựng thương hiệu, ông Bùi Phi Long, chủ DNTN Long Phấn (TP Tuy Hòa) cho rằng: “Xây dựng thương hiệu cho CNĐD Phú Yên là cần thiết để bảo vệ chất lượng sản phẩm, đánh giá giá trị vật chất từ lúc khai thác, bảo quản và xuất khẩu, từ đó tiếp cận đối tác kinh doanh.”

 

Hiện Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên đang xúc tiến việc thành lập hiệp hội CNĐD nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên Đào Tứ Xuyên, trước khi có hiệp hội CNĐD, cần thành lập tổ hoặc tổ hợp tác đánh bắt CNĐD để chủ động nguồn hàng và Nhà nước giúp được việc giám định để định giá cá. Cần tổ chức các hội nghị giới thiệu, củng cố, nâng cao công nghệ tổ chức sản xuất đánh bắt CNĐD, hướng dẫn cho ngư dân về ngư trường, kỹ thuật khai thác…

 

MINH NGUYỆT

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek