Chủ Nhật, 17/11/2024 00:36 SA
Phân loại tại nguồn để biến rác thải thành tài nguyên
Thứ Bảy, 04/07/2020 13:03 CH

Với đề tài nghiên cứu tại các tỉnh, thành trong cả nước, ThS Trần Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub) có nhiều kinh nghiệm trong quản lý rác thải. Hơn 1 năm qua, bà đã gắn bó với Phú Yên, giúp địa phương kiểm toán rác thải và đưa ra các giải pháp khoa học. Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn ThS Trần Thị Hoa xung quanh vấn đề này.

 

ThS Trần Thị Hoa

* Thưa bà, qua những nghiên cứu thực địa tại Phú Yên, bà có thể chỉ ra những tiềm năng giúp địa phương biến rác thải thành tài nguyên?

 

- Từ số liệu kiểm toán rác thải tại các hộ gia đình, trường học, khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Yên cho thấy về mặt số lượng khoảng 80% là rác thải hữu cơ (rác nhà bếp và rác vườn), còn lại là rác thải tái chế, rác thải không thể tái chế và rác thải nguy hại. Lượng rác thải hữu cơ, vô cơ có thể tái chế chiếm số lượng lớn chính là tiềm năng để địa phương tái sử dụng bằng cách biến nó thành nguồn nguyên liệu tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường như nước tẩy rửa, phân hữu cơ compost, các loại túi làm từ pano, áp phích…

 

* Chôn, đốt rác thải đang quá tải, bộc lộ những nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó biện pháp tái chế sẽ giải quyết triệt để bài toán này. Bà có thể chia sẻ tác hại của chôn đốt rác thải hiện nay và lợi ích của hoạt động tái chế?

 

- Cần nhấn mạnh, giải pháp đầu tiên cho quản lý rác thải là tập trung giảm lượng rồi đến tái chế. Phú Yên nói riêng và hầu hết các tỉnh trong cả nước nói chung mới chỉ giảm lượng rác thải bằng cách mang tới bãi chôn lấp hoặc đốt.

 

Hiện các bãi chôn lấp đang dần đầy và trong tương lai gần sẽ không có quỹ đất để thực hiện. Bên cạnh đó, nước rỉ rác cũng chưa được xử lý đầy đủ trước khi xả ra môi trường. Với đốt rác, do không được phân loại, tỉ lệ rác hữu cơ lớn làm cho độ ẩm của rác cao, ảnh hưởng đến nhiệt độ và hiệu suất của lò đốt. Các lò đốt tại Việt Nam hiện nay nhiều lò không thể chạy hết công suất, không đảm bảo nhiệt độ trên 1.0000C cũng như tỉ lệ tro xỉ thấp hơn 20% như đã cam kết lúc đầu với địa phương. Kết quả là rác không được xử lý triệt để.

 

Trong khi đó, hoạt động tái chế sẽ được bắt đầu bằng việc phân loại rác thải từ nguồn. Từ đây, một phần rác sẽ được giữ lại để tận dụng như tài nguyên, một phần được đốt bỏ hoàn toàn.

 

* Quá trình tái chế chỉ thực sự thành công khi những sản phẩm tạo ra từ rác có thể bán được trên thị trường và thu về lợi nhuận để tái đầu tư. Nhưng thực tế tại một số địa phương trong nước, doanh thu từ bán các sản phẩm này không đủ chi phí nên việc duy trì mô hình gặp khó khăn. Làm thế nào để khắc phục được khó khăn này thưa bà?

 

- Các địa bàn như ở TP Quy Nhơn (Bình Định) hay TP Hội An (Quảng Nam), sản phẩm phân compost làm ra chỉ bán được với giá từ vài trăm đồng đến vài ngàn đồng mỗi kilogam. Thậm chí, có thời điểm phải cho nông dân vì không bán được, hay có lúc cho mà không có ai nhận. Nguyên nhân là do thành phẩm bị lẫn rác vô cơ (các mảnh nhựa), thậm chí lẫn cả các chất gây nguy hại cho cây trồng. Rác không được phân loại từ nguồn nên nguyên liệu không đạt. Tất yếu cho ra thành phẩm kém chất lượng, không thể tồn tại trên thị trường. Như vậy, khâu tiên quyết cần thực hiện là phân loại rác thải, mà để làm được việc này thì phải thực hiện đồng bộ từ hoạt động truyền thông, giáo dục, chế tài và hệ thống thu gom, xử lý đồng bộ.

 

Hội Phụ nữ xã Bình Ngọc làm nước tẩy rửa từ vỏ cam, chanh. Ảnh: MINH DUYÊN

 

Ví dụ tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), hội phụ nữ và doanh nhân nữ ở đây tạo ra các sản phẩm túi, làn, giỏ từ pano, áp phích, dây buộc gạch. Hiện nay, các sản phẩm này vừa đẹp vừa tiện dụng được du khách và người dân đón nhận. Để đạt được kết quả này là nhờ có sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong nỗ lực xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm vào các chương trình quảng bá du lịch. Như vậy, nhân tố không thể thiếu là cần sự vào cuộc của chính quyền cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương.

 

Đây là hai ví dụ hữu ích để Phú Yên rút kinh nghiệm và áp dụng hiệu quả vào thực tế địa phương mình.

 

* Để xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo mô hình khép kín từ phân loại, tái chế đến tạo ra thành phẩm và tiêu thụ cần một nguồn kinh phí lớn. Theo bà, các tổ chức môi trường nào Phú Yên có thể thu hút nguồn vốn hỗ trợ?

 

- Cho đến thời điểm này, qua sự kết nối của GreenHub, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã chính thức chọn Phú Yên là địa bàn triển khai dự án trong khuôn khổ hai dự án giảm rác thải nhựa của họ. Đây là cơ hội tuyệt vời cho Phú Yên khi có một tổ chức lớn và uy tín lựa chọn để hỗ trợ về tài chính lẫn kỹ thuật. Bên cạnh đó, Phú Yên cũng bắt đầu tiếp cận được với chương trình tài trợ các dự án nhỏ (SGP) Việt Nam - Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF). Ngoài ra, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cũng là một tổ chức môi trường mà Phú Yên có thể tiếp cận để huy động thêm hỗ trợ.

 

Theo Sở TN-MT, tại Phú Yên, GreenHub vừa giúp địa phương có được thống kê khoa học về số lượng, tỉ lệ các loại rác thải; vừa xây dựng các mô hình điểm về tái chế rác thải như sản xuất phân hữu cơ compost ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, làm nước tẩy rửa từ vỏ hoa quả cho Hội Phụ nữ xã Bình Ngọc, khách sạn Kaya. Từ đó giúp các đơn vị và người dân tiết kiệm được một phần chi phí mua nước tẩy rửa và phân bón sạch… Đây sẽ là tiền đề để tỉnh nhân rộng mô hình tái chế rác ra các hội đoàn thể và cộng đồng.

 

MINH DUYÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek