Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Tại 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có những sản phẩm, dịch vụ tiềm năng và có thế mạnh riêng. Tuy nhiên có nhiều loại sản phẩm đặc trưng, sản phẩm sản xuất thủ công, có bao bì, nhãn mác nhưng chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường.
Sản phẩm đặc trưng
Qua khảo sát của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), Phú Yên có nhiều loại sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh phát triển như gạo chất lượng cao An Nghiệp (huyện Tuy An), gạo thơm Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) và các sản phẩm hạt tiêu, cà phê, nước mắm… Tại cánh đồng Ngọc Lãnh, thôn Ðồng Lãnh, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), vụ hè thu 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội thảo tham quan mô hình sản xuất lúa chất lượng với quy mô 24ha, 123 hộ nông dân tham gia. Lúa mô hình là giống HT1 cấp nguyên chủng, gieo sạ 5kg/sào. Kết quả, năng suất ruộng mô hình đạt 68,3 tạ/ha; ruộng ngoài mô hình sản xuất giống lúa ĐV108 năng suất 68,8 tạ/ha. Tuy nhiên, giá lúa HT1 mô hình 6.500 đồng/kg, trong khi giá ngoài mô hình chỉ 5.500 đồng/kg, nên lợi nhuận từ mô hình cao hơn 6,4 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Nỹ, Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa đang hỗ trợ HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Bắc xây dựng thương hiệu Gạo thơm Hòa Quang Bắc nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; đây chính là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Không chỉ lúa gạo, các địa phương khác trong tỉnh cũng có sản phẩm đặc trưng. Với chiều dài bờ biển gần 190km, Phú Yên là địa phương nổi tiếng ở khu vực Nam Trung Bộ với nguồn cá cơm dồi dào - nguyên liệu để làm ra sản phẩm nước mắm nhĩ thơm ngon đặc trưng. Hình thành từ hàng trăm năm nay là làng nghề nước mắm Gành Đỏ (TX Sông Cầu). Tại đây có hơn 70 hộ chuyên làm nghề mắm với những tên gọi khá nổi tiếng như nước mắm Ông Già, Bà Mười, Vạn Tín, Tân Lập... Mỗi năm làng nghề nước mắm Gành Đỏ đưa ra thị trường không dưới 2 triệu lít mắm.
Ngoài những làng mắm đã có tên tuổi, Phú Yên còn có nhiều làng nghề mắm mới nổi như làng nghề nước mắm Mỹ Quang (xã An Chấn, huyện Tuy An); Long Thủy (xã An Phú, TP Tuy Hòa).
Cần lựa chọn đúng sản phẩm chủ lực
Năm 2019, Phú Yên tham gia diễn đàn kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu và hội chợ quốc tế OCOP tại TP Hồ Chí Minh với 2 gian hàng: rượu tằm Hòa Phong (huyện Tây Hòa) và bò 1 nắng Hà Trung (huyện Sơn Hòa); trưng bày sản phẩm tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tại tỉnh Quảng Nam… Các sản phẩm còn lại tại 9 huyện, thị xã, thành phố đều là những sản phẩm, dịch vụ tiềm năng và có thế mạnh riêng. Tuy nhiên, bước đầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Để sản phẩm OCOP phát huy được hiệu quả, các địa phương cần lựa chọn đúng sản phẩm chủ lực, có lợi thế về chi phí sản xuất và thị trường tiêu thụ.
HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) ngoài việc chuyên sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, quản lý chợ, những năm gần đây còn triển khai xây dựng và bao tiêu sản phẩm dầu phộng Xuân Phước. HTX hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phộng, đầu tư hệ thống ép dầu, đăng ký thương hiệu sản phẩm và đứng ra bao tiêu sản phẩm khi nông dân tham gia trồng đậu. Nông dân Huỳnh Minh ở xã Xuân Phước, chia sẻ: “Đậu phộng Đồng Chay nổi tiếng từ trước đến nay. Cứ 100kg đậu phộng, ép trong 2 giờ thu khoảng 20 lít dầu. Thương hiệu dầu phộng Xuân Phước giờ đây có mặt nhiều nơi khác trong huyện với chất lượng và giá cả hợp lý”. Ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX này cho hay: Dầu phộng ở đây đóng chai, từng bước xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Việc mở rộng thị trường bước đầu gặp khó khăn vì chưa đầu tư bao bì nhãn hiệu để người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Muối Tuyết Diêm (TX Sông Cầu), với diện tích 180ha, thế nhưng những năm qua, diêm dân chỉ sản xuất được từ 5-8ha muối sạch, được ngành chức năng hỗ trợ HTX Muối Tuyết Diêm đầu tư bao bì đóng gói nhãn hiệu muối Tuyết Diêm để bán ra thị trường. Tuy nhiên, sản lượng muối sạch quá ít nên chưa mở rộng thị trường. Hiện phần lớn diện tích, diêm dân sản xuất muối thô bán cho các lò muối hầm.
ThS Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết: Mặc dù Phú Yên có nhiều loại sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, nhưng đa số sản phẩm được sản xuất thủ công, sản phẩm có bao bì, nhãn mác nhưng chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Vì vậy đến nay, Phú Yên chưa có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh. Trong khi đó, Phú Yên hiện có gần 40 chủ thể sản phẩm tham gia chương trình này. Chi cục Phát triển nông thôn đôn đốc các địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, phấn đấu đến cuối năm 2020 có ít nhất 5 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh. Quy trình công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh là: sau khi các chủ thể nộp hồ sơ, cấp huyện tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP và chuyển hồ sơ đề nghị cấp tỉnh đánh giá, phân hạng đúng theo trình tự quy định tại Quyết định 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi sản phẩm được công nhận, ngành chức năng đem sản phẩm tham gia diễn đàn kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu, mở rộng thị trường.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tham gia giải quyết nhiều vấn đề ở nông thôn, như góp phần thúc đẩy tái cơ cấu trong nông nghiệp cũng như đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất, thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công... để tạo ra sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt. Đồng thời phát triển mỗi xã một sản phẩm cũng sẽ giúp tạo việc làm ở nông thôn, tăng thu nhập, giảm nghèo và tạo điều kiện cho lao động trẻ ở nông thôn có điều kiện khởi nghiệp.
PGS.TS Trần Văn Ơn, cố vấn Chương trình OCOP quốc gia |
MẠNH LÊ TRÂM