Chủ Nhật, 17/11/2024 20:45 CH
Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công:
Chỉ ngân hàng nỗ lực là chưa đủ
Thứ Ba, 16/06/2020 13:00 CH

Đại diện VietinBank Phú Yên hướng dẫn cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thao tác thanh toán viện phí qua POS. Ảnh: CTV

Thời gian qua, ngành Ngân hàng Phú Yên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thực hiện đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công). Tuy nhiên đến nay, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn.

 

Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên về vấn đề nói trên.

 

Để sử dụng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng, khách hàng phải chịu nhiều khoản phí như: phí mở tài khoản, phí mở thẻ, phí sử dụng thẻ, phí chuyển tiền… Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khách hàng ưu tiên thanh toán bằng tiền mặt.

* Xin ông cho biết những nỗ lực của ngành Ngân hàng Phú Yên trong việc thực hiện đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công?

 

- Có thể nói Quyết định 241/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công là một giải pháp quan trọng trong việc thực hiện đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong giai đoạn 2018-2020. Trong đó, ngành Ngân hàng được giao nhiệm vụ tổ chức, hoàn thiện hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng; đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ kết nối với các đơn vị cung ứng dịch vụ công; đa dạng các dịch vụ, phương thức thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội.

 

Trên địa bàn Phú Yên, thực hiện kế hoạch của ngành và UBND tỉnh, các ngân hàng đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan và đặc biệt là các đơn vị: Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước Phú Yên, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội, các trường đại học, Công ty Điện lực Phú Yên, Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên triển khai, kết nối thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công.

 

Qua 2 năm thực hiện, đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, đối với dịch vụ thu ngân sách nhà nước, 97,02% giao dịch nộp thuế được thực hiện qua ngân hàng, vượt so với mục tiêu (90%). Dịch vụ thanh toán tiền điện thực hiện được 48,53% (mục tiêu 70%). Dịch vụ thanh toán tiền nước đạt 31,93% (mục tiêu 50%). Dịch vụ thanh toán tiền học phí, có 3/6 trường đại học thu học phí qua ngân hàng, chỉ đạt 50% so với mục tiêu. Dịch vụ thanh toán viện phí đang triển khai phương án thanh toán không dùng tiền mặt đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Dịch vụ chi trả an sinh xã hội thực hiện chi trả 51,09% số tiền an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh qua ngân hàng, tương đương 255,4% so với mục tiêu đề ra.

 

Ông Nguyễn Văn Hàn

* Như vậy, sau 2 năm triển khai đề án, hoạt động thanh toán qua ngân hàng đối với một số dịch vụ công vẫn còn ở mức thấp so với mục tiêu đề ra vào cuối năm 2020. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

 

- Ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã có những nỗ lực trong việc đẩy mạnh triển khai thanh toán dịch vụ công qua hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, chỉ có 2/6 dịch vụ vượt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân đầu tiên là do phần lớn người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt và nhận biên lai bằng giấy thay vì thanh toán tự động qua tài khoản ngân hàng và tin nhắn xác nhận qua điện thoại di động. Tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán, thích được nhân viên đến tận nhà thu tiền thủ công khiến người dân hạn chế sử dụng các dịch vụ ngân hàng.

 

Về mặt khách quan, một bộ phận dân cư ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện tiếp xúc, chưa được tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Hoạt động thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng chủ yếu ở trung tâm thành phố, thị xã và thị trấn, nơi tập trung trụ sở và phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng và được trang bị các thiết bị và công cụ thanh toán như máy ATM, POS…

 

Ngoài ra, phần mềm của tổ chức cung ứng dịch vụ công và hệ thống Core banking của các ngân hàng thương mại chưa có sự tương thích về công nghệ, dẫn đến khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa ngân hàng và các đơn vị, tổ chức cung ứng dịch vụ công còn hạn chế.

 

* Hiện nay, những tiện ích của thanh toán qua ngân hàng là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc triển khai ở Phú Yên vẫn còn nhiều khó khăn. Vậy thời gian tới, ngành Ngân hàng có những giải pháp gì để đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, thưa ông?

 

- Để đạt các mục tiêu đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đề ra, về phía ngành Ngân hàng, chúng tôi sẽ chủ động thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, chủ trương của Nhà nước về hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán điện tử và thanh toán thẻ nói riêng nhằm giúp người dân biết để tiếp cận và yên tâm khi sử dụng dịch vụ thanh toán. Bên cạnh đó, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua POS; tăng cường kết nối giữa hạ tầng kỹ thuật thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng với hạ tầng thanh toán của các đơn vị khác để thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, tại các điểm bán lẻ và thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trực tuyến; sắp xếp phù hợp mạng lưới máy ATM; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn.

 

Người dân phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa) thanh toán hóa đơn tại máy ATM. Ảnh: LÊ HẢO

 

Ngoài ra, các ngân hàng cần nghiên cứu áp dụng mức phí thanh toán phù hợp cho từng đối tượng khách hàng ở từng địa bàn khác nhau, đặc biệt là phí chuyển tiền thanh toán dịch vụ công. Triển khai lắp đặt thiết bị POS, mPOS, ứng dụng phương thức thanh toán điện tử tiên tiến đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp công để thực hiện việc thu phí, lệ phí các thủ tục hành chính, dịch vụ công, y tế, giáo dục, giao thông và các dịch vụ công. Phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử phục vụ chi tiêu công vụ của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời tiếp tục mở rộng triển khai việc trả lương, thu nhập qua tài khoản...

 

* Ngoài những nỗ lực của ngành Ngân hàng, theo ông, các sở, ngành liên quan cần làm gì để chung tay thực hiện hiệu quả đề án nói trên?

 

- Để thực hiện hiệu quả đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, ngoài nỗ lực của ngành Ngân hàng, chúng tôi mong muốn các sở, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt khuyến khích người dân mà trước hết là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở đơn vị mình sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ như điện, nước, viễn thông, học phí… Bên cạnh đó, các sở, ngành tiếp tục bố trí kinh phí cho các đơn vị thực hiện dịch vụ công nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ để tăng khả năng kết nối dữ liệu với các ngân hàng nhằm chuẩn hóa dữ liệu kết nối để thực hiện thanh toán qua ngân hàng được thuận lợi, nhanh chóng... Có thực hiện đồng bộ như vậy thì đến cuối năm nay, các mục tiêu đề ra trong đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công mới có thể đạt được.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

LÊ HẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek