Thứ Hai, 18/11/2024 12:49 CH
Thất thu vụ keo mùa nắng hạn
Thứ Tư, 03/06/2020 07:00 SA

Nông dân xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) thu hoạch keo. Ảnh: LÊ TRÂM

Giai đoạn nắng nóng gay gắt cũng là thời điểm nông dân các huyện miền núi thu hoạch rộ keo. Keo mùa này nhẹ ký, giá giảm. Người trồng keo vừa chặt hạ, vừa phòng cháy rừng.

 

Keo nhẹ ký vì nắng hạn

 

Ông Bùi Văn Minh ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa), đang thu hoạch keo cho hay: Mấy tháng qua, nắng kéo dài nên rẫy keo khô nước, khô lá dẫn đến nhẹ ký. Trước đây 1 tấn keo thì nay cân chỉ còn 800-900kg. Thế nhưng, keo lại giảm giá, khi mấy tháng trước nằm ở mức 1.140 đồng/kg, nay giảm chỉ còn 1.100 đồng/kg (tương đương 1,1 triệu đồng/tấn).

 

Còn ông Nguyễn Phú, thu hoạch keo ở xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) phân trần: Thời gian qua nắng nóng kéo dài, vùng miền núi có ngày nhiệt độ lên gần 40oC, nên rừng keo xuống sức thấy rõ. Nhiều người thu hoạch lo lắng vì keo quá nhẹ ký. Trước đây, năng suất keo vùng này đạt 70 tấn/ha, nay chỉ còn 60 tấn/ha. Không những thế, cây keo gặp nắng hạn mất nước nên vỏ keo bó lại ôm sát thân cây rất khó lột vỏ. Cũng chính vì thế, cách đây 3 tháng, công cưa hạ, lột vỏ và bốc lên xe là 250.000 đồng/tấn, giờ lên 260.000, thậm chí 270.000 đồng/tấn.

 

Bà Bùi Thị Hiền trồng keo ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) giãi bày: Thời điểm đầu năm nay, keo phát triển tốt, giá keo tăng thì 1ha keo trung bình thu 70 triệu đồng, sau khi trừ công cưa, lột vỏ và bốc lên xe…, người trồng còn 40 triệu đồng. Nay nắng hạn kéo dài, keo nhẹ ký, cộng với chi phí cao, người trồng keo chỉ còn thu 30 triệu đồng/ha (tùy theo xa gần, trung chuyển), trong khi đó vùng này trồng keo ít nhất 4 năm mới thu hoạch.

 

“Vùng này trồng rừng kinh tế 4 năm là cây đúng sức bán. Mấy năm trước có gia đình trồng 5ha, sau khi trừ chi phí bỏ túi được 200 triệu đồng. Hai năm liền nắng hạn, cây 4 năm tuổi chưa đủ sức nên gọi là bán keo non. Keo nhẹ ký, chi phí tăng nên 5ha họ chỉ thu lãi 150 triệu đồng”, ông Châu Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho hay.

 

Đề phòng cháy rừng

 

Keo nhẹ ký, chi phí tăng cao, nhưng nhiều người đành chấp nhận bán. “Rẫy keo của gia đình tôi nằm trên cao, nếu thời điểm này không tranh thủ bán gấp để vài tháng nữa khô rụng lá dễ cháy. Bán nhanh rồi chờ mưa mua giống về trồng mới”, ông Nguyễn Tấn trồng keo ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) nói.

 

Hiện nay, người dân khai thác keo thường đốt cành nhánh, bất cẩn dẫn đến cháy lan ra rừng trồng. Theo thống kê của UBND huyện Đồng Xuân, năm qua, nắng nóng gay gắt nên đã xảy ra 10 vụ cháy rừng trên 85,6ha, với mức độ thiệt hại cây trồng từ 10-100%. Vì vậy năm nay, UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, vận động nhân dân thực hiện tốt việc phòng chống cháy rừng. Tại Đồng Xuân, với phong trào trồng rừng kinh tế (chủ yếu keo lai), hàng năm sản lượng gỗ khai thác trên địa bàn huyện là 35.000m3. Cùng với đó gieo ươm 2 triệu cây giống lâm nghiệp, trồng mới trên 2.000ha rừng.

 

Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN-PTNT phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Công an huyện kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã Xuân Quang 2, Xuân Lãnh và Công ty TNHH Bình Nam. Qua kiểm tra, các đơn vị này cơ bản triển khai tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với đó tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp hạn chế khai thác rừng keo còn non để chuyển sang trồng sắn.

 

Năm 2019, huyện Sông Hinh đã xảy ra 4 vụ phát dọn thực bì, đốt cành nhánh dẫn đến cháy rừng với diện tích gây hại 23,2ha. Sau khi phát hiện, ngành chức năng huy động lực lượng cùng với người dân dập tắt kịp thời, hạn chế thiệt hại rừng. Theo ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, thực hiện kế hoạch phát triển, bảo vệ rừng, UBND huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các xã đã tổ chức tuyên truyền cho gần 2.000 lượt người về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với việc thu hoạch rừng kinh tế thì phong trào trồng rừng tiếp tục phát triển mạnh, theo kế hoạch hàng năm trồng 1.300ha.

 

Theo Sở NN-PTNT, năm nay toàn tỉnh khai thác gỗ rừng trồng khoảng 240.000m3, cùng với đó trồng rừng tập trung 6.000ha và chăm sóc 17.000ha rừng trồng. Năm qua do nắng nóng kéo dài từ tháng 4-9 đã xảy ra 70 vụ cháy rừng (đa số rừng trồng năm 2017-2018) với diện tích rừng bị cháy trên 1.180ha. 

 

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các chủ rừng chủ động bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài. Qua đó, mùa khô năm nay, công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng được tăng cường. Các địa phương tăng cường vận động nhân dân ý thức trong việc phòng, chống cháy rừng.

 

TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

MẠNH LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek