Theo Sở NN-PTNT, vùng trọng điểm cháy rừng đang tập trung tại 7 địa phương cấp huyện, với diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy khoảng 108.450ha, trong đó trọng điểm là các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Sơn Hòa và TX Sông Cầu. Để chủ động ứng phó, các địa phương và chủ rừng đang triển khai nhiều phương án.
UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị chuyên đề công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2020. Qua đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ rừng khẩn trương rà soát, triển khai phương án PCCCR sát với tình hình thực tế, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác PCCCR.
Địa phương, chủ rừng phải nêu cao trách nhiệm
Theo Sở NN-PTNT, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 236.927ha, trong đó rừng tự nhiên khoảng 127.891ha và rừng trồng khoảng 109.036ha. Năm 2019, do nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 70 vụ cháy rừng, với diện tích hơn 1.340ha, làm thiệt hại hơn 1.180ha rừng trồng. Hầu hết các vụ cháy rừng năm 2019 đều xuất phát từ việc sử dụng lửa ven rừng, trong rừng của người dân không tuân thủ các quy định về an toàn PCCCR; đa số diện tích rừng trồng của hộ gia đình, cá nhân không làm đường băng cản lửa; nguồn lực đầu tư cho công tác PCCCR ở các địa phương còn thiếu, chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Các vụ cháy rừng trong năm 2019 đều xác định do yếu tố con người tác động, tuy nhiên việc điều tra, xác minh đối tượng gây cháy rất khó khăn. Đến nay, cơ quan chức năng đã xác định được đối tượng gây ra 3 vụ cháy rừng, đã xử phạt vi phạm hành chính 2 vụ, vụ còn lại chuyển sang hình sự và xử phạt 1 đối tượng với mức án 72 tháng tù giam (vụ cháy rừng trồng ở huyện Tây Hòa làm thiệt hại gần 163ha rừng).
Theo dự báo, thời tiết năm 2020 tiếp tục diễn biến phức tạp, khô hạn xảy ra trên diện rộng và kéo dài, tình hình cháy rừng được nhận định ở mức cao. Hiện thảm thực bì ở một số khu rừng đã khô, nếu không cẩn thận rất dễ phát sinh lửa và gây cháy rừng, nhất là các địa phương ở miền núi. Để chủ động PCCCR, Sở NN-PTNT đã triển khai các phương án, đặc biệt là công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân sinh sống ven rừng, gần rừng và các chủ rừng. Ông Đặng Văn Cần, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên, cho biết: Đến nay, công ty đã trồng hơn 3.600ha rừng và đang trồng mới khoảng 1.400ha rừng, tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu. Đơn vị đã xây dựng các trạm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại các khu vực có rừng trồng của công ty với trang thiết bị, công cụ hỗ trợ để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và PCCCR. Hàng năm, đơn vị đều xây dựng phương án PCCCR trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng cùng chính quyền địa phương, nên những năm qua, số vụ và diện tích rừng trồng của công ty bị cháy không đáng kể. Đối với thảm thực bì trong và xung quanh rừng trồng, đơn vị đã triển khai phát dọn và xử lý trước khi bắt đầu vào mùa khô. Doanh nghiệp cũng đã tập huấn cho nhân viên trong công tác PCCCR, đồng thời thường xuyên theo dõi, khoanh vùng trọng điểm để chủ động phòng và chữa cháy khi xảy ra cháy.
Ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch thiết kế NN-PTNT (Sở NN-PTNT) kiêm Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Cầu, cho biết: Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Cầu đang quản lý khoảng 13.900ha rừng; trong đó, rừng phòng hộ khoảng 7.570ha, rừng sản xuất khoảng 5.550ha, còn lại là diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Năm 2019, do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài, trên lâm phần của đơn vị quản lý đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng và chết rừng với diện tích thiệt hại khoảng 830ha. Theo dự báo, thời tiết năm nay diễn biến rất phức tạp, để chủ động ứng phó, ngay từ đầu năm, Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Cầu đã xây dựng kế hoạch, phương án PCCCR. Đơn vị cũng đã cử lực lượng thường xuyên tuần tra, lập chốt tại các khu vực trọng điểm cháy để chủ động ngăn chặn, phát hiện đám cháy trong thời gian sớm nhất để kịp thời ứng phó. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của đơn vị là lực lượng quá mỏng (1 nhân viên bảo vệ khoảng 2.300ha rừng), trang thiết bị phục vụ PCCCR còn thô sơ, chủ yếu là rựa, cuốc, cào…
Khắc phục tồn tại
Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT) cho biết: Đơn vị vừa phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương, ban quản lý rừng và các doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đến nay, các địa phương và chủ rừng đã xây dựng được 796 phương án PCCCR, 36 kế hoạch, 39 quy chế phối hợp giữa các ngành với địa phương, chủ rừng trong công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR năm 2020. Đến nay, các chủ rừng đã chủ động kiểm tra, rà soát các khu vực rừng trọng điểm cháy, duy tu, sửa chữa hơn 252km đường băng cản lửa; sửa chữa phương tiện, thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng và phân công lực lượng trực PCCCR… Tuy nhiên, khu vực rừng trồng của Bộ CHQS tỉnh quản lý giáp ranh với rừng trồng của Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Hinh (thuộc xã Ea Trol) còn nhiều vật liệu cháy, dễ xảy ra cháy. Đối với rừng trồng của các hộ gia đình, cá nhân hầu hết chưa thực hiện việc làm đường băng cản lửa. Phương án PCCCR ở cấp xã chưa phù hợp với thực tế, chưa thực hiện thực tập tình huống cháy để đề xuất giải pháp CCR cho phù hợp. Đa số chủ rừng chưa xây dựng nội quy, quy chế an toàn về PCCCR, chưa thực hiện tốt theo quy định về đốt rẫy trong lâm phần. Hầu hết phương tiện, dụng cụ PCCCR của các hạt kiểm lâm và ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh đều xuống cấp, thậm chí còn hư hỏng không sử dụng được. Các chủ rừng là hộ gia đình hầu như chưa trang bị phương tiện, dụng cụ PCCCR.
Theo Sở NN-PTNT, mùa khô năm nay đến sớm, dự báo số đợt nắng nóng có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh từ 7-9 đợt, trong đó có từ 3-5 đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí cao nhất tuyệt đối có thể lên tới 400C. Qua khảo sát cho thấy, vùng trọng điểm cháy rừng hiện nay tập trung tại 7 địa phương cấp huyện, với diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy khoảng 108.450ha, trong đó trọng điểm là các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Sơn Hòa và TX Sông Cầu. Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 109.036ha rừng trồng, đây là khu vực rừng thường xuyên có nguy cơ xảy ra cháy cao. Phú Yên nằm trong khu vực báo động nguy cơ cháy rừng, các địa phương cần thông báo rộng rãi cho chủ rừng và người dân biết để tạm dừng mọi hoạt động có sử dụng lửa trong rừng, ven rừng và dùng lửa đốt thực bì trong suốt mùa khô năm nay. Các đơn vị liên quan cần thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng, kịp thời thông báo cho các chủ rừng và người dân biết để chủ động phòng cháy rừng và triển khai lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy rừng. Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tổ chức kiểm tra, cập nhật và báo cáo kịp thời các điểm cháy phát hiện qua ảnh vệ tinh để có phương án xử lý. Sở NN-PTNT đề nghị các đơn vị liên quan, chủ rừng và địa phương tiếp tục bố trí lực lượng trực PCCCR, tăng cường tuần tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về an toàn PCCCR.
Các chủ rừng, địa phương và sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, triển khai phương án PCCCR sát với tình hình thực tế; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác PCCCR. Sở NN-PTNT khẩn trương tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của địa phương, chủ rừng về triển khai PCCCR để tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế |
ANH NGỌC