Đó là kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 09/2020/QĐ-TTg về quy chế ứng phó sự cố chất thải.
Theo đó, quy chế này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở xử lý chất thải (viết tắt là cơ sở) và tổ chức, cá nhân có liên quan. Chất thải được quy định ở đây gồm nước thải, khí thải, chất thải rắn. Quy chế này không điều chỉnh sự cố chất thải do thiên tai và sự cố xảy ra trên biển.
Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố có trách nhiệm chi trả kịp thời và đầy đủ toàn bộ các chi phí liên quan đến tổ chức ứng phó sự cố chất thải và cải tạo, phục hồi môi trường. Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân gây ra sự cố thì kinh phí ứng phó, cải tạo, phục hồi môi trường do Nhà nước chi trả.
UBND các địa phương ngoài tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại địa phương; còn có trách nhiệm xây dựng lực lượng ứng phó sự cố chất thải, bảo đảm nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn…
Đây là lần đầu tiên ở nước ta việc ứng phó sự cố chất thải được pháp luật quy định cụ thể và có hiệu lực từ ngày 1/5/2020.
HẢI PHONG (tổng hợp)