Thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã thành lập và nhân rộng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp nhằm tạo mối liên kết nông dân giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Theo ông Lê Đủ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thực hiện Đề án 24 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh đã khảo sát và xây dựng, thành lập mới nhiều chi, tổ hội đảm bảo nguyên tắc 5 cùng “cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi” và 5 tự “tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm”.
Liên kết nông dân phát triển kinh tế
Tham gia chi hội nghề nghiệp trồng hoa, cây cảnh từ ngày đầu mới thành lập, sau hơn 3 năm, ông Võ Văn Hạnh ở thôn Liên Trì 2, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa học hỏi thêm những cách làm hay, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc để phát triển vườn cây bonsai của gia đình. “Trước đây, nông dân chúng tôi chủ yếu trồng hoa cây cảnh đơn lẻ, theo từng hộ gia đình, chưa tạo được tính bền vững, thu nhập không ổn định. Khi nghe hội vận động thành lập chi hội nghề nghiệp trồng hoa, cây cảnh, tôi rất mừng và đăng ký tham gia ngay”, ông Hạnh chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Kiến, cho biết: “Sau 3 năm hoạt động, những thành viên trong chi hội nghề nghiệp đều mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Ngoài hỗ trợ về kỹ thuật trồng trọt, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, chi hội còn xây dựng nguồn quỹ để sinh hoạt và thăm các hội viên bị đau ốm. Chi hội nghề nghiệp trồng hoa, cây cảnh của xã đã trở thành mái nhà chung cho các hội viên nông dân, vừa hỗ trợ, động viên nhau sản xuất, vừa chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống”.
Còn tại xã An Mỹ, huyện Tuy An, sau khi rà soát, khảo sát, nắm rõ tình hình từ chi hội, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân, Hội Nông dân xã này đã chọn Chi hội Nông dân thôn Giai Sơn để thành lập Tổ hội nghề nghiệp khai thác thủy sản trên biển với 12 thành viên tham gia theo Đề án 24. “Từ khi thành lập tổ hội nghề nghiệp, chúng tôi đã mở rộng quy mô sản xuất, kịp thời trao đổi thông tin giá cả, thị trường các loại thủy hải sản; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thủy sản…”, ông Nguyễn Trí Thanh, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp khai thác thủy sản trên biển, phấn khởi nói.
Mô hình Chi hội nghề nghiệp trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập cao tại xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa. Ảnh: NGỌC HÂN |
Tiếp tục định hướng sản xuất
Thông qua việc triển khai thực hiện đề án xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp, hội viên còn được hỗ trợ vốn ban đầu (mỗi hộ được vay từ 30-100 triệu đồng). Nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho hàng trăm hộ nông dân tháo gỡ khó khăn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, hạn chế tình trạng vay nặng lãi. Qua hơn 3 năm, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 2 chi hội, 31 tổ hội nghề nghiệp với hơn 650 hội viên hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề.
Có thể nói, thông qua mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, nông dân liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả thiết thực. Ông Đoàn Trần Hội, Chi hội trưởng Chi hội bó chổi xã Hòa Thắng, cho biết: “Dù mới thành lập, chi hội đã hỗ trợ các hội viên đang sản xuất, kinh doanh từ nghề bó chổi trên địa bàn xã phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập; cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh. Mô hình ra đời đã góp phần định hướng sản xuất, phù hợp trong việc xây dựng đề án Mỗi xã một sản phẩm”.
Ông Lê Đủ cho biết thêm: Cùng với việc tăng cường tuyên truyền về xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp mới ở các thôn, buôn, khu phố, HTX, doanh nghiệp, Hội Nông dân tỉnh sẽ hỗ trợ pháp lý cho các tổ hội nghề nghiệp trong việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm của mô hình tổ hội nghề nghiệp; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất cho hội viên, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ. Ở lĩnh vực vốn, bên cạnh nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hội tiếp tục phối hợp với các ngân hàng giúp tổ, hội nghề nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Đổi mới, xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp là việc làm mới; việc thành lập không khó nhưng để duy trì hoạt động thì không dễ. Chi, tổ hội nghề nghiệp hướng nông dân vào sản xuất tập trung, tạo điều kiện giúp hội viên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Hội viên trong các chi, tổ hội nghề nghiệp được hỗ trợ vay các nguồn vốn ưu đãi, Quỹ Hỗ trợ nông dân…, để phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Ông Lê Đủ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh |
NGỌC HÂN