Từ đầu năm đến nay, một số nơi trong nước xuất hiện các ổ dịch bệnh mới trên đàn vật nuôi. Trước tình hình này, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, tổ chức tái đàn để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thị trường.
Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y về vấn đề nói trên.
Hiện toàn tỉnh có 35 trại heo đang hoạt động. Trong đó có 2 trại giống với quy mô 2.400 con nái. Tổng đàn heo toàn tỉnh hiện có 102.000 con, đạt trên 90% tổng đàn trước khi có dịch tả heo châu Phi. Đàn trâu bò 175.000 con; đàn dê cừu 7.600 con và 4,5 triệu con gia cầm các loại. |
* Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ra sao sau thời gian bệnh tả heo châu Phi hoành hành, thưa ông?
- Năm 2019, dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn heo đã làm chết 49 con heo của 6 hộ nuôi. Bệnh tả heo châu Phi cũng làm chết và phải tiêu hủy 2.691 con, tương đương gần 103 tấn, thuộc địa bàn 45 xã trong tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh tương đối ổn định, chỉ xảy ra một số ổ dịch lở mồm long móng lẻ tẻ trên trâu bò, với 41 con mắc bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát. Trong tháng 2, trên địa bàn tái phát hiện 1 ổ bệnh tả heo châu Phi, với 2 con mắc nhưng đã nhanh chóng được kiểm soát. Đến nay, Phú Yên không còn bệnh tả heo châu Phi và lở mồm long móng.
* Trong lúc dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai những giải pháp gì để chủ động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, thưa ông?
- Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt heo thiếu hụt do bệnh tả heo châu Phi; đồng thời thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch cúm A (H5N1, H5N6) trên gia cầm và ở người, củng cố lực lượng thú y trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động, tỉnh đã cấp hơn 1 triệu liều vắc xin cúm gia cầm (tập trung ở 2 huyện nguy cơ cao là Đông Hòa và Phú Hòa); gần 116.500 liều vắc xin lở mồm long móng 2 type O và A; hơn 28.200 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò. Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu, bò từ ngày 15/2; tiêm phòng bệnh cúm gia cầm từ ngày 1/3.
Ông Nguyễn Văn Lâm |
Hiện nay, các địa phương tiếp tục triển khai tiêm phòng đảm bảo đúng tiến độ; dự kiến cuối tháng 3 sẽ kết thúc. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng cấp 10.000 lít thuốc sát trùng Navet-Iodine để thực hiện Tháng vệ sinh Tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.
Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn tăng cường kiểm tra, giám sát tiêm phòng đợt I/2020; chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y kiểm tra, giám sát tiêm phòng hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
* Thời điểm này, giá thịt heo đang ở mức cao. Nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi có tâm lý nôn nóng tái đàn. Theo ông, các cơ sở này cần làm gì để đảm bảo chăn nuôi hiệu quả?
- Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên tuyên truyền vận động người chăn nuôi phun thuốc sát trùng chuồng trại và môi trường xung quanh để tiêu diệt mầm bệnh; thực hiện tốt việc tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả, cúm gia cầm…
Các ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân tăng cường áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, nâng cao sức đề kháng bằng cách bổ sung các loại vitamin, khoáng và dinh dưỡng đầy đủ cho vật nuôi; hạn chế sử dụng thức ăn thừa (nếu có sử dụng phải xử lý nhiệt, nơi đun nấu cách xa khu vực nuôi).
Khi tái đàn, nuôi mới, các hộ chăn nuôi cần chọn mua con giống tại cơ sở có uy tín, mua về phải cách ly trước khi nhập đàn ít nhất 14 ngày. Nếu có gia súc, gia cầm bị bệnh phải báo ngay cơ quan thú y gần nhất để kịp thời xử lý.
* Xin cảm ơn ông!
NGÔ XUÂN (thực hiện)