Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 có chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến.
Thương mại điện tử là một phương thức mua sắm mới, thu hút số lượng lớn người tiêu dùng nhưng cũng tồn tại nhiều bất cập. Để mua sắm trực tuyến thực sự mang lại nhiều tiện ích, bên cạnh nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu kỹ hình thức mua sắm này. |
Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề này, bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết:
- Những năm gần đây, xu hướng mua hàng trực tuyến, qua các chương trình quảng cáo trên truyền hình, facebook, zalo diễn ra ngày càng nhiều, giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, nhanh chóng tiếp cận thông tin hàng hóa, so sánh giá cả.
Tuy nhiên, hình thức mua sắm này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho người tiêu dùng. Bởi đây không phải mua sắm trực tiếp, người tiêu dùng không thể nhìn, sờ vào sản phẩm để đánh giá chất lượng sản phẩm cũng như không thể xác định được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Mọi giao dịch được thực hiện trên cơ sở niềm tin. Do đó, nếu người bán không có uy tín, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trong một số trường hợp, người tiêu dùng sẽ gặp rủi ro về thời gian giao hàng (giao hàng chậm); hàng nhận được bị vỡ, hỏng; mất hàng; chỉ được mở xem hàng sau khi đã thanh toán, hàng không giống như mô tả… Thế nhưng, với tâm lý e ngại, người tiêu dùng không phản ánh, khiếu nại để chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.
Bà Tô Thị Hòa |
* Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay, với chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”, các ngành chức năng sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa bà?
- Với chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”, Bộ Công thương sẽ tập trung tuyên truyền 10 nội dung, gồm: Hãy là người tiêu dùng thông thái trong thương mại điện tử; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng là trách nhiệm của doanh nghiệp; lộ thông tin cá nhân có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng về sức khỏe, tài sản, tính mạng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội; kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững; người tiêu dùng có quyền biết thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ khi mua sắm trực tuyến; người tiêu dùng có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường; không tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe và môi trường; hãy tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; 1800-6838 - tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc…
Bộ Công thương giao Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, tổ chức kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường; triển khai các giải pháp để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt trong quá trình thực hiện các ngày mua sắm trực tuyến, mùa mua sắm trực tuyến do cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp tổ chức.
* Để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn khi mua sắm, sử dụng hàng hóa dịch vụ trong thương mại điện tử, người tiêu dùng cần lưu ý vấn đề gì?
- Để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn khi sử dụng dịch vụ thương mại điện tử, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng trên những website uy tín, đã thực hiện việc thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công thương tại địa chỉ www.online.gov.vn để có thông tin liên lạc rõ ràng, với địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế cụ thể...
Ngoài ra, trong quá trình giao dịch, mua hàng, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận… Người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm, dịch vụ trên internet như nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá về sản phẩm nhằm tránh trường hợp mua phải hàng kém chất lượng.
Ngoài ra, mỗi người cần cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những website lạ như họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ… Đây có thể là những website sử dụng thông tin trái với quy định pháp luật, gây phiền toái, thậm chí đánh cắp thông tin tài chính của người tiêu dùng. Cảnh giác với những website, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình; cảnh giác với hình thức thông báo trúng thưởng và người tiêu dùng phải đóng tiền thuế, phí để nhận được sản phẩm... Ngoài ra, khi mua sắm hàng hóa, người tiêu dùng phải yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn hoặc chứng từ và tài liệu liên quan, đồng thời lưu giữ để giải quyết khiếu nại khi có yêu cầu.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ phải không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong việc sản xuất sản phẩm hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải đảm bảo chất lượng; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của người tiêu dùng. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp trong thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước hoặc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Phú Yên để được hỗ trợ, tư vấn.
* Xin cảm ơn bà!
NGÔ XUÂN (thực hiện)