Thứ Hai, 18/11/2024 17:26 CH
Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong “tâm bão” COVID-19
Thứ Hai, 09/03/2020 09:01 SA

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ triển khai chương trình hỗ trợ tín dụng để chia sẻ với các doanh nghiệp giá trị là 285.000 tỉ đồng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở Phú Yên. Ảnh: PV

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, tác động lớn đến các khía cạnh của đời sống xã hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các thành phần kinh tế ổn định sản xuất, kinh doanh.

 

Gia hạn thuế, phí

 

Bộ Tài chính cho biết, tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn trong gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 là khoảng 30.000 tỉ đồng.

 

Theo đó, diễn biến của dịch COVID-19 ngày càng nghiêm trọng, phức tạp và khó lường, đã có những tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, gây thiếu hụt lao động tạm thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để giảm thiểu tác động của dịch bệnh, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ về một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy và tạo động lực cho phát triển. Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với nội dung đề xuất của Bộ Tài chính với gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh.

 

Cụ thể, các giải pháp về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, theo Luật Quản lý thuế đã quy định gia hạn nộp thuế trong trường hợp “không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ”. Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành để khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng; gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh; gia hạn tiền thuế đất cho đối tượng hoạt động, sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19 như du lịch, vận tải, khách sạn, dệt may, da giày...

 

Dự kiến thời điểm hỗ trợ doanh nghiệp sẽ áp dụng ngay khi nghị định được Chính phủ ký ban hành và sẽ kết thúc vào cuối năm 2020.

 

Sẽ có chương trình hỗ trợ tín dụng

 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, ngành Ngân hàng đang xây dựng chương trình hỗ trợ tín dụng để chia sẻ với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng giá trị là 285.000 tỉ đồng.

 

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đăng ký tham gia chương trình này bao gồm cả 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước. “Có ngân hàng đăng ký gói giảm hoàn toàn các phí như phí thanh toán, phí chuyển tiền; có ngân hàng đăng ký giảm lãi suất từ 0,5-1%; có ngân hàng thì đăng ký gói hỗ trợ lên đến 100.000 tỉ đồng, hay từ 5.000-7.000 tỉ đồng, tùy thuộc vào phần vốn của các ngân hàng.

 

Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đăng ký hỗ trợ 120.000 tỉ đồng, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) là 100 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là 35.000 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là 15.000 tỉ đồng. Các ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đang thông qua Hội đồng quản trị nhưng chắc chắc sẽ tham gia. Tôi đánh giá, tại chương trình lần này các tổ chức tín dụng đều tham gia rất tích cực”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

 

Cũng theo lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, mức lãi suất tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng để căn cứ, không có mức cố định. Bình quân, các tổ chức tín dụng sẽ giảm từ 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh thì các tổ chức tín dụng sẽ xem xét miễn giảm lãi tùy theo thực trạng tài chính của từng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.

 

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, các tổ chức tín dụng không thiếu vốn, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp có thể hấp thụ được nguồn vốn hỗ trợ. Nguồn vốn cho chương trình này hoàn toàn đến từ các ngân hàng và không dùng nguồn ngân sách.

 

Trước đó, tại hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp của ngành Ngân hàng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước cho biết, bước đầu ghi nhận, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỉ đồng thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng... 

 

Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỉ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Đến nay, có 23 tổ chức tín dụng báo cáo Ngân hàng Nhà nước, ước khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14% trên tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng này và chiếm khoảng 11% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn bởi dịch như: nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục.

 

Ông Nguyễn Quốc Hùng,

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế

(Ngân hàng Nhà nước)

QUANG THUẦN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek