Sau khi thông tin Việt Nam có các ca nhiễm bệnh COVID-19 mới được phát đi, nhiều nơi người dân tỏ ra hoang mang, đổ xô đi mua các loại mặt hàng thiết yếu để dự trữ. Các ngành chức năng khuyến cáo người dân không nên mua, tích trữ hàng hóa, dẫn đến tình trạng khan hàng ảo, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng đầu cơ, tăng giá.
Từ ngày 7/3, tại các chợ, siêu thị trong tỉnh xuất hiện tình trạng nhiều người đổ xô đi mua các nhóm hàng thực phẩm, vì lo sợ dịch bệnh COVID-19 sẽ bùng phát, dẫn đến khan hiếm nguồn hàng. Trong đó, các mặt hàng được mua mạnh nhất là gạo, mì ăn liền, đồ hộp, sữa, nước rửa tay kháng khuẩn, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa…
Tại các chợ truyền thống, lượng khách mua hàng khá đông đúc trong 2 ngày cuối tuần. Bên cạnh các ngành hàng tươi sống, thì các loại thực phẩm công nghệ, đồ khô, gạo, mì ăn liền, nước rửa tay… cũng có sức tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên, giá các mặt hàng khá ổn định, nguồn hàng dồi dào và phong phú.
Tại Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa, lượng khách đến mua sắm đông hơn những ngày cuối tuần thông thường. Ông Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa, cho biết: Trong ngày 7/3, sau khi có thông tin về dịch bệnh COVID-19 tiếp tục bùng phát, lượng khách đến siêu thị mua sắm tăng gần gấp đôi so với ngày thường; tập trung vào các nhóm hàng thực phẩm, nước rửa tay, chất tẩy rửa, giấy vệ sinh, gạo, đồ hộp… Tuy nhiên, đơn vị vẫn đảm bảo nguồn hàng hóa phong phú, giá ổn định. Đến nay, siêu thị chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, gom hàng tích trữ. Thêm vào đó, hệ thống Saigon Co.op cũng đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa đầy đủ cho người dân, cam kết không để xảy ra tình trạng bị động, thiếu hàng. Do vậy, khách hàng không nên hoang mang, mua tích trữ hàng hóa không cần thiết.
Bà Phạm Thị Anh ở TP Tuy Hòa, chia sẻ: Tôi đến siêu thị mua quà Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 thì thấy rất đông người mua thực phẩm, đồ hộp, đồ khô. Tôi tò mò hỏi thăm thì một chị cho biết vì lo lắng dịch bệnh COVID-19 nên mua dự trữ sẵn. Bản thân tôi thấy điều này không cần thiết vì Nhà nước đã có kế hoạch cung ứng hàng hóa, kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Người dân càng hoang mang, lo lắng thì càng tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng tâm lý bất an của số đông để trục lợi.
Ông Trần Văn Tân, Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Ngay sau khi có dịch bệnh COVID-19, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị lên kế hoạch nắm bắt, dự trữ hàng hóa, đảm bảo cung ứng đầy đủ, ổn định thị trường. Hiện nay, ngoài mặt hàng khẩu trang y tế, các đơn vị cung ứng hàng hóa rất chủ động về nguồn hàng; cam kết ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa có tình trạng người dân đổ xô đi mua, vơ vét thực phẩm như nhiều nơi khác. Do vậy, mọi người không nên mua gom, tích trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm với số lượng lớn; chỉ mua với số lượng vừa đủ dùng để tránh tình trạng khan hiếm ảo, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh của cả cộng đồng.
Người dân không nên mua gom, tích trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm ào ạt; chỉ mua với số lượng vừa đủ dùng để tránh tình trạng khan hiếm ảo, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh của cả cộng đồng.
Ông Trần Văn Tân, Giám đốc Sở Công thương |
NGÔ XUÂN