Thứ Tư, 20/11/2024 12:26 CH
Ngân hàng vào cuộc hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do nCoV
Chủ Nhật, 09/02/2020 06:30 SA

Các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do nCoV. Ảnh: LÊ HẢO

Đứng trước khó khăn của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra, ngành Ngân hàng đang vào cuộc rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

 

Rà soát mức độ thiệt hại

 

Các ngân hàng đang chủ động phân tích tình hình, rà soát, đánh giá khó khăn của những doanh nghiệp, lĩnh vực bị ảnh hưởng dịch, qua đó xây dựng kịch bản ứng phó và có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ khách hàng.

Ngay khi Thủ tướng Chính phủ công bố dịch do nCoV gây ra, ngày 3/2, lãnh đạo VietinBank Phú Yên đã yêu cầu các phòng giao dịch trực thuộc và phòng chức năng liên quan rà soát mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch do nCoV để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

 

Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc VietinBank Phú Yên cho biết: “Dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các ngành dịch vụ du lịch, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng chế biến thủy sản, xuất khẩu… Vì vậy, chúng tôi yêu cầu cán bộ phụ trách phải rà soát, đánh giá thật kỹ tác động của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng; từ đó báo cáo VietinBank và đề xuất biện pháp hỗ trợ phù hợp. VietinBank Phú Yên sẵn sàng đồng hành, giúp khách hàng vượt qua khó khăn trong thời điểm này”.

 

Tại HDBank Phú Yên, ngay sau khi có chỉ đạo của NHNN và chủ trương của HDBank hội sở, ngân hàng này đã áp dụng miễn 100% phí thanh toán quốc tế cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế; giảm 50% phí giao dịch tài khoản thanh toán nội địa và giảm 50% phí phát hành các loại bảo lãnh so với quy định hiện hành cho các doanh nghiệp cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế cho bệnh viện/sở y tế/trung tâm y tế.

 

Hướng dẫn khách hàng đăng ký giao dịch trực tuyến để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh do nCov. Ảnh: LÊ HẢO

 

Còn theo ông Nguyễn Nhất Tuấn, Giám đốc Kienlongbank Phú Yên, Kienlongbank có chính sách giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách hàng hiện hữu vay vốn để trồng thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối. Thời gian áp dụng từ tháng 2-4/2020. Trong thời gian này, Kienlongbank cũng sẽ hỗ trợ khách hàng giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

 

“Hiện tại qua rà soát, các khách hàng của Kienlongbank Phú Yên chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do nCoV gây ra. Tuy nhiên, nếu các khách hàng vay mới bị ảnh hưởng và thuộc diện được hỗ trợ thì chúng tôi sẵn sàng áp dụng để giúp khách hàng tiết giảm chi phí, ổn định sản xuất”, ông Tuấn nói.

 

Đại diện một số chi nhánh ngân hàng thương mại khác cũng cho hay đang chủ động phân tích tình hình, rà soát, đánh giá khó khăn của những doanh nghiệp, lĩnh vực bị ảnh hưởng dịch, qua đó xây dựng kịch bản ứng phó và có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ khách hàng.

 

Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt

 

Không chỉ tích cực vào cuộc rà soát mức độ thiệt hại và đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, trong thời điểm dịch bệnh Corona diễn biến phức tạp, các ngân hàng trên địa bàn Phú Yên còn triển khai các giải pháp phòng chống dịch tới từng nhân viên, khách hàng như sử dụng khẩu trang, phát khẩu trang, cung cấp dung dịch sát khuẩn miễn phí cho người đến giao dịch, phun khử trùng nơi làm việc...

 

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Corona. Ảnh: LÊ HẢO

 

Đặc biệt, những ngày này, các ngân hàng khuyến khích khách hàng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế đến ngân hàng giao dịch trừ những khi cần thiết để tránh dịch bệnh lây lan. Bởi theo các chuyên gia, tiền mặt qua tay rất nhiều người, có nguy cơ trở thành nguồn của các tác nhân gây bệnh và là rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng.

 

“Lâu nay, ngân hàng vẫn khuyến khích khách hàng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng chủ trương của Chính phủ và NHNN. Trong tình hình dịch bệnh bùng phát như hiện nay, điều này càng trở nên cần thiết để bảo vệ sức khỏe của chính khách hàng và cộng đồng. Do đó, lãnh đạo VietinBank Phú Yên đang yêu cầu nhân viên tích cực hướng dẫn, tiếp thị về các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt như quẹt thẻ thanh toán qua POS, thanh toán thông qua QR code, hay internet banking, mobile banking... để khách hàng giao dịch mà không cần đến quầy nhằm góp phần phòng chống dịch bệnh tốt hơn”, ông Đặng Hồng Lĩnh nói.

 

Còn theo ông Nguyễn Nhất Tuấn, hiện nay, gần như ngân hàng nào cũng đầu tư phát triển các ứng dụng ngân hàng điện tử, tích hợp rất nhiều chức năng từ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, tiết kiệm trực tuyến đến đặt vé máy bay, tàu lửa, đặt phòng khách sạn... Khách hàng có thể giao dịch trực tuyến mà không cần đến ngân hàng, trừ những lúc phải nộp tiền mặt. “Giao dịch trực tuyến vừa tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, vừa hạn chế phải tiếp xúc với nhiều người. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì thanh toán không dùng tiền mặt được xem là giải pháp tối ưu để hạn chế lây lan dịch bệnh”, ông Tuấn nói.

 

Xem xét miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ

 

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Văn bản 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Corona.

 

Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc NHNN. Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, tổng giám đốc các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch do nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… theo quy định pháp luật hiện hành.

 

NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và theo dõi diễn biến dịch do nCoV, ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn để chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Phối hợp với các sở, ban ngành, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố báo cáo UBND tỉnh, thành phố và NHNN để được xem xét, xử lý.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek