Không còn cảnh lội qua lòng suối, gồng mình đi qua cây cầu gỗ lỏng lẻo được bắc tạm bợ, những chiếc cầu dân sinh bằng bê tông vững chắc đã được xây dựng tại nhiều vùng khó khăn, góp thêm niềm vui trọn vẹn trong mùa xuân mới cho bà con nơi đây.
Những cây cầu dân sinh không chỉ thay thế những cây cầu yếu, cầu tạm mà còn tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Khi ước mơ thành sự thật
Dự án LRAMP đã giúp kết nối nhiều vùng giao thông khó khăn, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 30 cầu, cống dân sinh đi qua các xã miền núi khó khăn được xây dựng và hoàn thành. |
Về thôn Đá Giăng, xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu những ngày cuối năm, không khí rộn ràng đón Tết Nguyên đán của người dân lan tỏa khắp các ngõ nhỏ. Năm nay, người dân ở đây đón Tết càng vui hơn khi cây cầu bê tông vững chắc bắc qua suối Đá Giăng vừa được hoàn thành. Từ ngày có cây cầu này, người dân nơi đây không còn vất vả qua suối khi nước dâng cao.
Bà Nguyễn Thị Luyến, một người dân ở đây phấn khởi nói: “Tui sống ở đây gần hết đời người. Hàng ngày phải đi qua đi lại bằng cây cầu tạm bợ hoặc lội băng qua suối, hãi lắm. Giờ Nhà nước xây cho cây cầu bê tông, bà con ở đây mừng lắm”.
Gần một năm nay, người dân xã miền núi Sơn Hội, huyện Sơn Hòa yên tâm hơn mỗi khi qua suối. Trước đây, người dân thôn Tân Thuận qua lại suối bằng cây cầu treo bằng gỗ. Khi có dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (gọi tắt là LRAMP), cầu được đầu tư xây dựng bằng bê tông cốt thép gồm hai nhịp, dài 16m trước sự vui mừng của hàng trăm hộ dân.
Theo bà Trương Thị Bích Liên, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hội, nơi đây vào mùa mưa, tất cả hoạt động giao thương, vận chuyển nông sản của người dân đều rất khó khăn, có lúc bị gián đoạn do nước lớn, người dân không qua được suối. Đi lại trên cầu treo thì quá nguy hiểm. Ngày làm cầu bê tông, bà con mừng lắm vì thoát khỏi cảnh nước lũ cô lập.
Những nỗ lực không ngừng
Tại Phú Yên, từ năm 2017 đến nay, dự án LRAMP đã thi công và đưa nhiều công trình cầu dân sinh vào sử dụng, tạo thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, bảo đảm an toàn giao thông, góp phần thay đổi diện mạo giao thông ở các vùng đặc biệt khó khăn.
Ông Nguyễn Khoa Khanh, Phó Giám đốc Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, cho biết: Điều đặc biệt của dự án LRAMP là các cây cầu được xây dựng tại các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, nơi bất lợi về giao thông. Tuy giá trị đầu tư xây dựng mỗi cây cầu không lớn nhưng rất có ý nghĩa và giá trị đối với cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thi công, xây dựng các cây cầu dân sinh đều nằm ở địa bàn xa xôi, hẻo lánh nên vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc rất khó khăn. Điều kiện sinh hoạt, làm việc của cán bộ, công nhân khảo sát, thi công cầu cũng rất vất vả. Tiến độ công trình cũng thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa bão, nước suối dâng cao. Các nhà thầu phải triển khai nhiều mũi thi công, tăng ca kíp để sớm hoàn thiện các cây cầu, đảm bảo chất lượng.
Sau nhiều nỗ lực, đến nay, đa số các cây cầu dân sinh thuộc dự án đều hoàn thành vượt tiến độ từ 2-3 tháng và đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT cho biết: Hàng loạt cầu, cống dân sinh được xây thay cho cây cầu treo còn góp phần tạo sự liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào ở các khu vực vùng sâu vùng xa. Đơn vị đang tiếp tục phối hợp cùng các địa phương để khảo sát, đề nghị tiếp tục đầu tư xây dựng các cầu dân sinh mới, ngày càng hoàn thiện hệ thống giao thông miền núi cũng như toàn tỉnh nói chung.
HỒ NHƯ