Thời gian qua, ngoài cho bò ăn cỏ theo cách nuôi truyền thống, ông Nguyễn Hoàng Duy ở thôn Vĩnh Giang, xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) còn ủ chua cỏ và ủ rơm với urê để bổ sung trong khẩu phần ăn cho bò. Qua đó, ông vỗ béo giống bò Zebu và bò 3B (Blanc Bleu Belge) thu lãi khá.
Trước đó, năm 2018, ông Duy cũng nuôi bò nhưng theo phương pháp chăn thả để bò tự tìm thức ăn; tuy nhiên, nuôi theo phương pháp này, ông thấy tốn công mà không có lợi nhuận. Ông lên mạng internet tìm kiếm cách làm ăn và thấy có rất nhiều bài viết về mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Ông quyết định bàn với vợ bán hết số bò cỏ và bò lai tạp đang nuôi, vay thêm vốn của Hội Nông dân mua 4 con bê đực Brahman hết 72 triệu đồng.
Lần đầu nuôi bò thịt theo phương pháp vỗ béo, cho bò ăn thêm cám viên và cám gạo, bột sắn, ông vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm. Sau 3 tháng nuôi vỗ béo, ông xuất bán 4 con bò cho thương lái, thu về 117 triệu đồng; sau khi trừ giống, thức ăn, lãi ròng 30 triệu đồng.
“Nuôi cách này thấy có lãi, đến đầu năm 2019, tôi mở rộng chuồng nuôi và trồng thêm cỏ, nâng quy mô nuôi lên mỗi lứa 10 con bò thịt. Ngoài cỏ tươi, cám viên và cám gạo, bột sắn, tôi còn học cách ủ chua cỏ và ủ rơm với urê để bổ sung trong khẩu phần ăn của bò. Bò sau khi vỗ béo thì tăng trọng đều đặn. Tháng 7/2019 vừa qua, tôi xuất bán 10 con bò thịt, trừ chi phí thu lãi ròng 83 triệu đồng”, ông Duy nói.
Theo Lê Vĩnh Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Giang, ngoài chăn nuôi 10 con bò thịt, ông Nguyễn Hoàng Duy còn làm thêm 1ha ruộng lúa nước, 3ha sắn và mía. Từ mô hình này, ông Duy đã được Hội Nông dân xã khen thưởng, được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh chứng nhận đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
TRÂM TRÂN - BÍCH NGỌC