Hiện nay, lượng hàng hóa, thực phẩm đang tràn ngập thị trường để phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán, nên việc quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ, điểm bán, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh là hết sức cần thiết. Công tác này đã và đang được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh và các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện.
Nhận thức còn hạn chế
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Trong năm 2019, tuy trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp ngộ độc vì thực phẩm nhưng ATTP luôn là vấn đề cần được chú trọng. Vì trên thực tế, việc tuân thủ quy định về ATTP của một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chưa thật sự đạt yêu cầu.
Nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về ATTP, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở thực phẩm phục vụ mang tính mùa vụ còn nhiều hạn chế… Đặc biệt, trong những ngày trước, trong và sau Tết, hàng hóa trên thị trường có thể tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm gia tăng sản xuất, nhập khẩu hàng hóa nên dễ xảy ra trường hợp bán thực phẩm mất an toàn. Mặt khác, đây lại là thời điểm giao mùa, nhiệt độ, độ ẩm dễ làm vi sinh vật phát triển, ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng thực phẩm nếu không có biện pháp ngăn chặn.
Bà Châu Thị Ý, tiểu thương chợ Tân Hiệp (phường 2, TP Tuy Hòa) cho biết: Dù biết thực phẩm không đạt chất lượng, không bảo quản tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng nhưng trong thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao, bản thân người bán như tôi cũng không thể biết được nhà cung cấp có trà trộn, nhập hàng không rõ nguồn gốc, hàng chất lượng kém. Vậy nên, chúng tôi cũng phải trông nhờ vào lực lượng chức năng.
Tuyên truyền, xử lý nghiêm
Liên quan đến việc đảm bảo ATTP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng đã có văn bản chỉ đạo các sở Y tế, NN-PTNT, Công thương tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. UBND cấp huyện cũng phải phối hợp, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp địa bàn quản lý. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện thực phẩm không an toàn phải lấy mẫu gửi đến trung tâm xét nghiệm khu vực để có kết luận cụ thể và tiến hành xử lý vi phạm.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tâm, nhằm kiểm soát chất lượng thực phẩm, tăng cường phòng chống ngộ độc, bảo đảm sức khỏe người sử dụng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết, 3 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh do các sở Y tế, Công thương, NN-PTNT chủ trì và các đoàn kiểm tra tuyến huyện sẽ tổ chức kiểm tra từ nay đến hết tháng 3/2020; tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội xuân 2020, các sản phẩm làng nghề. Ngoài ra, các đoàn cũng kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố, quán, nhà hàng… để đảm bảo tối đa an toàn sức khỏe cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Ngoài việc phối hợp kiểm tra liên ngành, thì từ đầu tháng 12/2019, đơn vị có văn bản gửi các địa phương, Ban quản lý chợ về hướng dẫn thực hiện một số giải pháp trong công tác bảo đảm ATTP dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Sở cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, các hội, đoàn thể tổ chức các đợt tuyên truyền rộng rãi đến người dân.
Còn theo đại diện UBND huyện Đồng Xuân, với chức năng và nhiệm vụ được phân công, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về ATTP đến người dân, tiểu thương tại các chợ, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến công tác ATTP, cũng như các hình thức xử lý vi phạm để người dân nắm, nâng cao ý thức trong quá trình kinh doanh, mua sắm.
VÕ PHÊ