Thứ Bảy, 21/09/2024 00:31 SA
Kinh tế phát triển, ngân hàng bứt phá
Thứ Sáu, 03/01/2020 09:01 SA

Các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới về nông thôn, miền núi để phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dân. Trong ảnh: Người dân tìm hiểu các sản phẩm tiền gửi tại Phòng giao dịch Sơn Hòa của Kienlongbank. Ảnh: LÊ HẢOk

Năm 2019, tuy gặp một số khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND, sự quản lý, chỉ đạo, điều hành, quyết liệt của UBND tỉnh và Thống đốc, hệ thống ngân hàng Phú Yên cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, góp phần ổn định, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.

 

Đầu năm 2019, ngành Ngân hàng Phú Yên đặt mục tiêu phấn đấu huy động tăng 14-16%, tăng trưởng tín dụng khoảng 16-18%, nợ xấu dưới 2%. Đến cuối năm, các chỉ tiêu cơ bản này đều vượt kế hoạch đề ra.

 

Kết quả kinh doanh ấn tượng

 

Báo cáo với lãnh đạo tỉnh nhân dịp quyết toán cuối năm 2019, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Vietcombank Phú Yên cho biết: Đến cuối năm 2019, tổng vốn huy động của Vietcombank Phú Yên gần 1.800 tỉ đồng, tăng 25%; dư nợ cho vay hơn 4.000 tỉ đồng, tăng 28% so với đầu năm; nợ xấu 0,02%, thấp nhất hệ thống và thấp nhất địa bàn. Tổng lợi nhuận của ngân hàng trong năm hơn 110 tỉ đồng, tăng 38% so với đầu năm; bình quân mỗi cán bộ nhân viên tạo ra lợi nhuận 1,6 tỉ đồng, cao hơn 100 triệu đồng so với năm 2018.

 

Còn theo ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc VietinBank Phú Yên, những năm qua, nguồn vốn của chi nhánh tăng trưởng ổn định và bền vững, thị phần duy trì trong khoảng 16-18% qua các năm. Đến cuối năm 2019, nguồn vốn huy động của VietinBank Phú Yên gần 4.100 tỉ đồng, tăng 7,7%; dư nợ cho vay hơn 3.700 tỉ đồng, tăng 12,6% so với đầu năm. Nợ xấu, nợ nhóm 2 được kiểm soát chặt chẽ; tỉ lệ nợ xấu liên tục giảm, đến ngày 27/12/2019 chỉ chiếm 0,05% tổng dư nợ.

 

Bên cạnh các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, các chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần ở Phú Yên cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng. Điển hình như tại Kienlongbank Phú Yên, đến cuối năm 2019, tổng vốn huy động đạt 850 tỉ đồng, dư nợ 510 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu dưới 1%. Còn tại BacA Bank Phú Yên, sau hơn 1,5 năm hoạt động, ngân hàng này huy động được 350 tỉ đồng, cho vay 60 tỉ đồng, chủ yếu đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân.

 

Kết quả kinh doanh ấn tượng của từng chi nhánh ngân hàng trên địa bàn góp phần hoàn thành mục tiêu chung của ngành Ngân hàng Phú Yên. Cụ thể, đến hết ngày 26/12/2019, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 24.902 tỉ đồng, tăng 3.981 tỉ đồng, tức tăng hơn 19%, đạt 104,4% kế hoạch năm và gấp 1,9 lần so với đầu nhiệm kỳ (cuối năm 2015 chỉ ở mức 13.174 tỉ đồng). Dư nợ cho vay toàn địa bàn đạt 31.436 tỉ đồng, tăng 5.179 tỉ đồng, tức tăng hơn 19,7%, đạt 102,3% kế hoạch năm và gấp 2,05 lần so với đầu nhiệm kỳ (cuối năm 2015 chỉ ở mức 15.269 tỉ đồng). Nợ xấu chiếm 1,66% tổng dư nợ, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch (dưới 2%).

 

Tiếp tục mở rộng mạng lưới về nông thôn

 

Theo ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, hiện toàn tỉnh có 19 tổ chức tín dụng (gồm 13 ngân hàng thương mại, 2 ngân hàng chính sách và 4 quỹ tín dụng nhân dân) với 10 chi nhánh cấp 2 và 37 phòng giao dịch. Ngoài ra còn có 11 phòng giao dịch bưu điện thuộc LienVietPostBank và ngân hàng lưu động của Agribank.

 

“So với thời điểm cuối năm 2015, đến nay, Phú Yên có thêm 4 chi nhánh ngân hàng thương mại (gồm LienVietPostBank, HDBank, MB, BacA Bank) và 7 phòng giao dịch. Khác với giai đoạn trước, khi các ngân hàng tập trung chủ yếu ở khu vực thành phố, thị xã thì giai đoạn này, nhiều ngân hàng mở rộng hoạt động ở vùng nông thôn, miền núi, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn”, ông Hàn nói.

 

Ông Nguyễn Nhất Tuấn, Giám đốc Kienlongbank Phú Yên cho biết: Giai đoạn 2015-2019, Kienlongbank mở thêm 3 phòng giao dịch ở TX Sông Cầu và huyện Tuy An, Sơn Hòa. Dư nợ cho vay của 3 phòng giao dịch này chiếm gần một nửa dư nợ cho vay của toàn chi nhánh, phục vụ chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ ở các chợ nông thôn, góp phần đẩy lùi tín dụng đen ở những khu vực này.

 

Với định hướng mở rộng mạng lưới về vùng nông thôn theo đúng chủ trương của tỉnh và của ngành Ngân hàng, trong năm 2020, HDBank Phú Yên sẽ mở thêm 2 phòng giao dịch ở huyện Tuy An và Đông Hòa. Còn theo ông Phan Viết Khánh, Giám đốc BacA Bank Phú Yên, từ năm 2020-2022, ngân hàng cũng có kế hoạch mở mỗi năm 1 phòng giao dịch ở các huyện Tuy An, Đông Hòa và Sông Hinh để đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh và sử dụng các dịch vụ ngân hàng của người dân trên địa bàn.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, năm 2020, ngành Ngân hàng Phú Yên sẽ tiếp tục mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách và chương trình tín dụng trọng điểm. Đồng thời tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn... 

 

30 năm sau ngày tách tỉnh, giai đoạn từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay ngành Ngân hàng Phú Yên có bước phát triển vượt bậc; tổng vốn huy động và cho vay trong 4 năm đã tương đương với 26 năm trước cộng lại. Thành quả này có được cũng nhờ bức tranh kinh tế tỉnh nhà có nhiều điểm sáng trong những năm gần đây.

 

Ông Nguyễn Văn Hàn,

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek