Sau “cơn sốt” từ những tháng đầu năm thì đến cuối năm, thị trường bất động sản, nhất là các giao dịch ở vùng ven biển đã hạ nhiệt. Nhiều cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng đất, mặc dù đã quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo của cơ quan thuế nhưng vẫn không nộp tiền, thậm chí “bỏ của chạy lấy người”.
Vừa qua, ông Phạm Lê Hoàng Anh và ông Phùng Nhật Anh cùng trú ở TP Hà Nội có đơn gửi doanh nghiệp đấu giá và các đơn vị chức năng liên quan của TX Sông Cầu xác nhận bỏ tiền đặt cọc. Đây là hai cá nhân tham gia đấu giá và trúng đấu giá quyền sử dụng 10 lô đất (mỗi người 5 lô) ở khu dân cư Hòa Thạnh, xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu. Tổng số tiền hai ông Hoàng Anh và ông Nhật Anh đã đặt cọc và quyết định bỏ là 1,9 tỉ đồng.
Trúng đấu giá nhưng không nộp tiền
Trong số 10 lô đất nói trên, các lô ký hiệu từ L2-L8 có diện tích 280m2/lô, còn lại lô L1 diện tích 274,88m2 và lô L10 diện tích 257,6m2. Giá khởi điểm của 10 lô đất này hơn 10,6 tỉ đồng, giá đấu giá thành hơn 51 tỉ đồng.
Theo quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 10 lô đất tại dự án Khép kín khu dân cư thôn Hòa Thạnh, xã Xuân Cảnh của UBND TX Sông Cầu ban hành ngày 5/9/2019 thì người trúng đấu giá quyền sử dụng đất có trách nhiệm nộp đủ số tiền còn lại sau khi đã trừ khoản tiền đặt trước vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế.
Thế nhưng sau đó, dù đã quá thời hạn theo quy định nhưng ông Phùng Nhật Anh và ông Phạm Lê Hoàng Anh vẫn không nộp đủ tiền để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mới đây, hai ông này có đơn xác nhận bỏ tiền đặt cọc; lý do đưa ra là phía trước 10 lô đất đấu giá vẫn còn xảy ra tranh chấp và chưa rõ ràng về tính pháp lý nên xin hủy kết quả đấu giá.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân thực tế là vì các giao dịch bất động sản, nhất là vùng ven biển, sau “cơn sốt” từ những tháng đầu năm thì đến cuối năm đã hạ nhiệt. Bằng chứng là không chỉ ở TX Sông Cầu, mà tình trạng người trúng giá đấu giá quyền sử dụng đất “bỏ cọc” còn xảy ra ở các dự án do tỉnh, TP Tuy Hòa và một số địa phương khác tổ chức bán đấu giá.
Ông Công Văn Lãnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế Phú Yên cho biết: Hiện nay, trong các dự án do tỉnh tổ chức bán đấu giá, còn trên 250 tỉ đồng tiền trúng đấu giá đã quá 30 ngày kể từ ngày cơ quan thuế ký thông báo nhưng các cá nhân đấu giá thành vẫn chưa nộp đủ. Còn tại TP Tuy Hòa, con số này là hơn 212,6 tỉ đồng với 116 lô.
Theo ông Công Văn Lãnh, đối với các cá nhân trúng đấu giá, khi quá 30 ngày kể từ ngày có thông báo, cơ quan thuế đều có thông báo lần 2, lần 3 (cách nhau khoảng 10-15 ngày) để nhắc nhở. Sau đó, một số cá nhân có nhu cầu cũng đến nộp đủ tiền sử dụng đất và tiền phạt chậm nộp để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng số này không nhiều và cũng không đồng loạt.
Nắn dòng vốn về đúng hướng
Không riêng thị trường đất nền mà các dự án do doanh nghiệp bất động sản triển khai trên địa bàn cũng bị ảnh hưởng khi giao dịch trầm lắng. Bà Trịnh Thu Trang, Giám đốc Phát triển kinh doanh Tổng công ty CP Đất Xanh Miền Trung - đơn vị đầu tư dự án La Maison Premium ở phường 9, TP Tuy Hòa, cho biết: Thời gian qua, tại các địa phương trên cả nước diễn ra nhiều đợt sốt đất. Một số nơi giá đất được đẩy lên gấp 5-6 lần giá trị thực; cộng với việc “cò đất” tung tin sai sự thật, làm giả các giấy tờ pháp lý, quy hoạch, hạ tầng… khiến một số nhà đầu tư tham gia thị trường khi chưa nắm được thông tin chính xác, đầy đủ đã “sập bẫy”.
Bên cạnh đó, năm 2019 là năm mà thị trường bất động sản có nhiều ảnh hưởng từ các chính sách, quy định mới. Việc thanh tra, rà soát các dự án được triển khai một cách chặt chẽ giúp thị trường thanh lọc các chủ đầu tư yếu kém, đồng thời làm cho nguồn cung mới hạn chế. Ngoài ra, theo bà Trang, việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng vào bất động sản; tỉ lệ dùng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn được điều chỉnh giảm xuống 45% và đến 2022 còn 30%, hệ số rủi ro được nâng lên 150% cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường có phần trầm lắng trong giai đoạn hiện nay.
Trong khi đó, theo ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc VietinBank Phú Yên, ngân hàng chỉ hạn chế cho vay ở các tỉnh, thành phát triển bất động sản quá nóng, nguồn cung vượt cầu. Riêng những thị trường còn dư địa phát triển như Phú Yên thì ngân hàng vẫn sẵn sàng cho vay. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ nâng cao kỷ cương tín dụng, giám sát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn của khách hàng chứ không để xảy ra tình trạng vay vốn sản xuất, kinh doanh nhưng lại đầu tư vào bất động sản.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Khánh, Giám đốc MB Phú Yên nói: Đối với những người dân có nhu cầu mua đất, mua nhà để ở hoặc để tích lũy và có nguồn thu ổn định để trả nợ thì ngân hàng vẫn rộng cửa cho vay. Còn đối với khách hàng vay vốn để kinh doanh bất động sản, để đầu cơ thì ngân hàng không mặn mà. Theo ông Khánh, thực tế hiện nay, giá các sản phẩm đất nền, căn hộ không hề giảm; giao dịch bất động sản cũng chỉ trầm lắng chứ không ngưng hẳn. Nguyên nhân có lẽ vì cuối năm, người dân chủ yếu tập trung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ Tết. Qua Tết, thị trường có thể sôi động trở lại.
Hiện nay, hầu hết các nhà đầu tư đều tìm hiểu rất kỹ thông tin, đặc biệt là thông tin pháp lý của dự án trước khi quyết định chọn sản phẩm đầu tư nên mức độ giao dịch trên thị trường không còn sôi động như trước.
Bà Trịnh Thu Trang, Giám đốc Phát triển kinh doanh Tổng công ty CP Đất Xanh Miền Trung |
LÊ HẢO