Vùng miền núi Phú Yên có đất đai rộng, nhiều hình thái khí hậu, địa hình và có bản sắc văn hóa đa dạng…, thuận lợi phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch. Việc thu hút vốn đầu tư vào vùng này sẽ thúc đẩy kinh tế miền núi Phú Yên phát triển.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Bà Nguyễn Thị Nhung ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) có 30ha đất rẫy trồng keo, mía, sắn, cây ăn trái, giúp bà có nguồn thu ổn định nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cao bằng đầu tư chuyên canh. Bà Nhung nói: Diện tích lớn dễ đưa máy móc vào trồng chuyên canh, cho hiệu quả kinh tế cao nhưng do vốn ít, lại không có mối liên kết tiêu thụ nên tôi vẫn phải sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Cây sắn, mía tuy có nhà máy tiêu thụ tại địa phương nhưng diện tích đã vượt quá quy hoạch nên không thể mở rộng thêm, hơn hết cây mía đang gặp khó khăn về giá. Nếu chính quyền có định hướng cây trồng mới và kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, bảo đảm đầu ra ổn định cũng như có chính sách trợ giá khi gặp rủi ro thì bà con mới có thể làm giàu từ nông nghiệp.
Còn ông Nguyễn Hữu Hên, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), cho biết: Suối nước nóng Triêm Đức được mọi người biết tới bởi giá trị về du lịch nghỉ dưỡng rất lớn, nhưng nhiều năm nay tiềm năng này vẫn chưa được khai thác. Hiện đời sống của người dân trong thôn, trong xã phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, trong khi giá cả thị trường lại bấp bênh, thời tiết thay đổi bất thường nên thu nhập không ổn định, hiệu quả kinh tế thấp. Bà con rất mong muốn suối nước nóng được khai thác trở thành điểm du lịch, thu hút nhiều du khách để người dân phát triển thêm ngành nghề dịch vụ, cải thiện cuộc sống.
Buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) tuy đã được công nhận là điểm du lịch văn hóa cộng đồng, được đầu tư hạ tầng cơ sở nhà rông văn hóa, đường giao thông nhưng đồng bào vẫn chưa sống được bằng nghề du lịch. Niê Hờ Đào, Trưởng buôn Lê Diêm, chia sẻ: Các bạn trẻ bỏ đi thành phố làm việc để kiếm tiền, mà ít mặn mà với văn hóa truyền thống. Các chị em phụ nữ ở đây cũng chỉ ngồi vô khung cửi dệt thổ cẩm, ngâm ché rượu khi có khách tới, còn phần lớn thời gian phải lên rẫy trồng sắn, mía. Chỉ khi nào du lịch cộng đồng mang lại cuộc sống ổn định cho đồng bào thì tiềm năng từ văn hóa truyền thống mới được phát huy hiệu quả.
Từng bước đầu tư
Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, địa phương đang quy hoạch vùng trồng cây ăn trái, từng bước xây dựng chuỗi liên kết giá trị nông sản theo hướng hàng hóa gắn với sản phẩm làng nghề để có thêm nhiều kênh tiêu thụ thay vì chỉ làm nguyên liệu thô cho nhà máy chế biến.
Còn ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) thì cho biết: Hiện Công ty TNHH Phát triển du lịch cộng đồng Triêm Đức đã khảo sát và xây dựng kế hoạch đầu tư khu vực suối nước nóng Triêm Đức trở thành điểm du lịch trải nghiệm kết hợp nghỉ dưỡng. Cùng với đó, địa phương cũng sử dụng các nguồn vốn lồng ghép để bê tông hóa tuyến đường liên xã nối với các điểm dân cư, vùng sản xuất với hy vọng giao thông thuận lợi sẽ dẫn bước nhà đầu tư và du khách tới đây.
Theo ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, vùng miền núi có diện tích sản xuất lớn là tiềm năng thu hút các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Mới đây nhất, Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên liên kết với HTX Lâm nghiệp công nghệ cao Phú Yên xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tại vùng miền núi. HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB đưa mô hình trồng rau an toàn lên cao nguyên Vân Hòa của huyện Sơn Hòa. HTX Ea Bar Emi Farm xây dựng thương hiệu hạt sạch tại huyện Sông Hinh. Hiện nhiều doanh nghiệp thông qua kênh của Liên minh HTX tỉnh muốn đầu tư vùng nguyên liệu trồng ớt, cây thảo dược… tại vùng này.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, vùng miền núi có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch dịch vụ. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư cho vùng này thông qua xây dựng hạ tầng cơ sở đường, điện, nhà văn hóa, các công trình nước… hỗ trợ sản xuất nâng cao đời sống người dân, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đa dạng của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây chính là nền tảng thuận lợi giúp các địa phương miền núi nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng sẵn có để phát triển.
Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài nước tìm tới vùng miền núi của Phú Yên đầu tư theo hướng bền vững, gắn lợi ích của doanh nghiệp với đời sống người dân và sự phát triển chung của cả vùng, của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng |
MINH DUYÊN