Thứ Năm, 28/11/2024 13:53 CH
TP Đà Nẵng
Thành phố động lực khu vực miền Trung
Thứ Năm, 03/04/2008 17:15 CH

Thành phố Đà Nẵng ở trung độ của đất nước, cách Hà Nội 759 km và thành phố Hồ Chí Minh 960km, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về đường bộ (Quốc lộ 1A), đường sắt, đường biển và đường hàng không; phía bắc giáp Thừa Thiên - Huế, phía nam và phía tây giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông. Thành phố nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm là 25,70C, có diện tích tự nhiên 1.256 km2, dân số năm 2006 là 792.895 người, gồm 6 quận và 2 huyện.

 

080403-Green-plaza.jpg

Một góc đường Bạch Đằng, TP Đà Nẵng - Ảnh: D.T.XUÂN

 

VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC

 

Ở vị trí trung độ của đất nước, TP Đà Nẵng có vị trí trọng yếu cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, là đầu mối giao thông lớn nhất của khu vực miền Trung về đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không quốc tế; cảng Tiên Sa là cửa ngõ ra biển quan trọng của Tây Nguyên, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar.

 

Đà Nẵng còn là trung điểm của các di sản thế giới nổi tiếng (rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn). Đà Nẵng là nơi duy nhất có Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Champa được xây dựng từ năm 1915. Đà Nẵng còn có nhiều bãi biển và phong cảnh đẹp, bãi biển Mỹ Khê - Non Nước đã được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn “là một trong sáu bãi biển đẹp và quyến rũ nhất hành tinh”… và nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như: Bà Nà - Núi Chúa, Hải Vân, Sơn Trà, Núi Ngũ Hành Sơn... Ngoài ra, Đà Nẵng là một trong ba trung tâm đầu mối mạng của quốc gia, có trạm cáp quang quốc tế cập bờ, là điểm trung chuyển lưu lượng viễn thông liên tỉnh, quốc tế và tập trung mạng lưới, thiết bị viễn thông khu vực miền Trung... Về nguồn lực con người, Đà Nẵng có đội ngũ lao động dồi dào với trình độ tay nghề cao, sáng tạo và cần cù trong lao động, ưu thế giá rẻ...

 

ĐẦU TÀU KINH TẾ KHU VỰC

 

Sau 11 năm (1997 - 2007) chủ động hội nhập, hợp tác và phát triển Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tích khả quan.

 

Bình quân giai đoạn 1997-2007, kinh tế Đà Nẵng đạt tốc độ tăng trưởng 11,6%/năm, trong đó: công nghiệp - xây dựng tăng 15,2%/năm; dịch vụ tăng 10,1%/năm và thủy sản - nông - lâm tăng 3,1%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2007 đạt 18,75 triệu đồng (gấp 3,9 lần so với năm 1997). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 17,7%/năm; thủy sản - nông - lâm tăng 4,9%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng 18%/năm. Doanh thu du lịch tăng 17,5%/năm, tổng lượng khách du lịch đạt trên 5,8 triệu lượt khách, tăng 9,1%/năm. Thành phố hiện có 43 dự án du lịch với tổng vốn 1.908 triệu USD. Khối lượng luân chuyển hàng hoá tăng 12%/năm, khối lượng luân chuyển hành khách đạt 3,5%/năm, khối lượng hàng hoá qua các cảng năm 2007 ước đạt 3,98 triệu tấn, gấp 4,5 lần so với năm 1997, đạt tốc độ tăng 15,1%/năm. Tốc độ tăng doanh thu bưu chính viễn thông đạt 28,3%/năm; số máy điện thoại trên toàn mạng tăng bình quân 41,8%/năm và đạt mật độ 150,2 máy/100 dân.

 

Một trong những thành công lớn nhất và nổi bật đối với Đà Nẵng là đẩy mạnh đầu tư phát triển, chú trọng đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, từng bước hoàn thiện môi trường đầu tư. Với các kết quả đạt được về thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn giai đoạn 1997-2007 đạt 52.595 tỉ đồng, tăng bình quân 22%/năm, trong đó nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển cơ sở hạ tầng tăng từ 1,1 ngàn tỉ đồng năm 1997 lên 7,8 ngàn tỉ đồng vào năm 2007, tăng gấp 7,1 lần.

 

Một số công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ tiêu biểu tạo nền tảng liên kết vùng, đổi mới cảnh quan và làm động lực phát triển giữa TP Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung như: cầu Thuận Phước, các tuyến đường ven biển Liên Chiểu - Thuận Phước, Sơn Trà - Điện Ngọc nối các khu du lịch của TP Huế với Khu du lịch Hải Vân, Nam Ô, Bán đảo Sơn Trà và Khu phố cổ Hội An, tạo thế phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch biển, quốc lộ 1A, 14B, đường Ngô Quyền, cầu Sông Hàn, cầu Tuyên Sơn, cảng Tiên Sa, trung tâm công nghệ phần mềm… Cùng với nguồn vốn của thành phố, các bộ, ngành Trung ương đã tập trung đầu tư một số công trình quan trọng với quy mô lớn trên địa bàn thành phố như: Hầm đường bộ Hải Vân; mở rộng cảng biển Tiên Sa, sân bay quốc tế Đà Nẵng thành cảng biển, cảng hàng không lớn thứ 3 so với cả nước…

 

Thành phố đã triển khai trên 265 đồ án quy hoạch chi tiết các khu dân cư và hơn 50% số khu dân cư đã được đầu tư hoàn thành đồng bộ. Nhiều khu đô thị tương đối hiện đại hình thành dọc các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám…

 

Chú trọng đầu tư, hoàn thiện hệ thống các khu công nghiệp, tổng diện tích hơn 1.500 ha, đáp ứng mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có nhiều doanh nghiệp, dự án công nghiệp có giá trị sản xuất và sản lượng lớn như: Công ty Dệt may Hoà Thọ, Dệt may 29/3, Vinatex Đà Nẵng, Công ty Cao su Đà Nẵng, Công ty Thủy sản thương mại Thuận Phước, Dự án Công ty Mabuchi (Nhật), Dự án nhà máy đóng tàu thủy (Vinasin), dây chuyền tôn mạ kẽm, mạ màu của Công ty Công nghiệp tàu thủy miền Trung, dây cáp điện Tân Cường Thành, dự án sản xuất lắp ráp điện tử Việt Hoa…

 

Các công trình hạ tầng xã hội giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao được tập trung đầu tư. Cơ sở vật chất các trường học vùng đồng bào dân tộc, miền núi được quan tâm. Cơ sở vật chất ngành y tế được tăng cường, đáp ứng kịp thời các nhu cầu khám chữa bệnh. Các công trình văn hoá, thể thao, du lịch, các khu vui chơi, giải trí được nâng cấp, trùng tu và xây dựng mới… nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân và phục vụ du khách.

 

Thực hiện tốt chủ trương “nội lực là chủ yếu, ngoại lực là quan trọng” thành phố đã chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong việc đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế và mẫu dấu… Đến nay, trên địa bàn có 8.252 doanh nghiệp dân doanh hoạt động với tổng vốn 15.462 tỉ đồng và 124 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép, tổng vốn đầu tư đạt trên 1,78 tỉ USD.

 

Nguồn vốn ODA đạt những kết quả lớn, với 17 chương trình, dự án ODA đã và đang được triển khai, tổng vốn đầu tư gần 700 triệu USD, trong đó vốn nước ngoài đạt gần 600 triệu USD.

 

PHẤN ĐẤU THÀNH THÀNH PHỐ CÔNG NGHIỆP

 

Ngoài các thành công về mặt kinh tế, TP Đà Nẵng đã quan tâm và chú trọng giải quyết hợp lý các vấn đề xã hội, thực hiện chủ trương an dân, chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, mục tiêu phát triển bền vững… đây là một trong những nền tảng mang lại hình ảnh một thành phố yên bình, trật tự; văn hóa, văn minh một đô thị được chuyển biến theo hướng tích cực.

 

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, đặc biệt khi Việt Nam là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng có cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, trong đó xu hướng “làn sóng đầu tư” hướng về miền Trung là một trong những cơ hội rõ rệt nhất. Đà Nẵng với vị thế và những thành công bước đầu trong giai đoạn CNH-HĐH, mong muốn được hợp tác phát triển cùng tất cả các địa phương trong khu vực nhằm hướng đến một miền Trung có kinh tế phát triển năng động, hiện đại, thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững, các mục tiêu thiên niên kỷ đã được hoạch định.

 

Đến năm 2020, Đà Nẵng phấn đấu trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, với quy mô dân số khoảng 1,4 triệu người, phát huy vai trò đầu mối giao thông quan trọng, là cửa ngõ chính của các thành phố miền Trung, Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây, là địa bàn có ý nghĩa chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước, là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH, trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.

 

PHÙNG TẤN VIẾT

Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP Đà Nẵng

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek