Chuyện tréo ngoe đang xảy ra trong niên vụ mía năm nay, khi Sở Giao thông - vận tải tỉnh Phú Yên thông báo từ 1/4/2008 tiến hành xử lý xe vận chuyển mía, sắn vượt tải. Chủ trương này đúng pháp luật, nhưng các chủ xe cho rằng nếu bắt buộc họ chở đúng tải thì nông dân hoặc nhà máy phải bù tải với mức cao. Điều này, cả nhà máy và nông dân đều không thể thực hiện được trong tình hình giá cả hiện nay.
Nhà máy đường KCP chỉ hoạt động cầm chừng, vì thiếu nguyên liệu. Ảnh: Đ.THÔNG |
XỬ LÝ NGHIÊM
Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Phú Yên có kế hoạch kiểm tra tải trọng xe vận chuyển quá tải theo Nghị định 146/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Kế hoạch này xuất phát từ thực trạng nhiều phương tiện vận chuyển mía, sắn, đá xuất khẩu, vật liệu xây dựng… quá tải, làm hệ thống đường bộ nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng nặng. Đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến đường.
Báo cáo của Sở GTVT cho biết, tuyến ĐT645 và quốc lộ 25 bị xuống cấp nghiêm trọng, kinh phí khắc phục hơn 300 tỉ đồng, vượt quá khả năng của tỉnh và Cục Đường bộ Việt Nam. Vì vậy, việc tăng cường biện pháp cưỡng chế thi hành Luật Giao thông đường bộ là hết sức cần thiết để đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Phạm Ngọc Chi đã đồng ý thực hiện việc xử lý xe vận chuyển mía, sắn quá tải trên địa bàn tỉnh, lấy số dư tải tại các nhà máy để xử phạt, nhưng phải thông báo rộng rãi cho lái xe, chủ phương tiện biết không chở quá tải. Chủ trương của tỉnh là xử lý nghiêm để lập lại trật tự an toàn giao thông trên lĩnh vực vận tải hàng hóa nhằm bảo vệ hệ thống kế cấu hạ tầng giao thông, hạn chế và giảm thiểu tai nạn giao thông.
XE DỪNG VẬN CHUYỂN, NHÀ MÁY NGỪNG HOẠT ĐỘNG
Kế hoạch kiểm tra tải trọng xe vận chuyển quá tải bắt đầu thực hiện từ ngày 1/4/2008. Ông K.V.S.R.Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt
Qua tìm hiểu, một số chủ phương tiện nói không thật, họ ngưng hoạt động chở mía nguyên liệu cho nhà máy là để sửa chữa, bảo trì xe. Trong khi đó, một số chủ phương tiện khác nêu rõ lý do là quy định mới của Sở GTVT Phú Yên xử phạt xe chở quá tải, nên nếu chở đúng tải với giá vận tải hiện nay thì không đủ chi phí xăng dầu. Một chủ phương tiện dẫn chứng: “Cước vận chuyển từ xã Sơn Hà về nhà máy đường KCP là 29.000 đồng/tấn. Trước đây, xe chở quá tải khoảng 22 tấn/chuyến thì có lãi. Với quy định của Sở GTVT, xe của tôi chỉ chở được 12 tấn, không đủ chi phí xăng dầu. Nông dân trồng mía hoặc nhà máy phải bù tải thì chúng tôi mới chở”.
Tình trạng hàng loạt xe tải chở mía, sắn nguyên liệu dừng hoạt động đã khiến các nhà máy đường, chế biến sắn trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn như nhà máy đường KCP.
Mía của nông dân Sơn Hòa đã chặt, tập kết ra đường, nhưng không có xe chở về nhà máy - Ảnh: D.THÔNG |
MÍA NẰM CHỜ... KHÔ
Xe chở sắn cũng... nghỉ Theo Phòng Kinh doanh - tổng hợp Nhà máy Tinh chế bột sắn Sông Hinh (FOCOCEV), những ngày đầu tháng 4, lượng xe chở sắn nguyên liệu về nhà máy giảm đột ngột. Trước đây mỗi ngày, bình quân có từ 35-40 xe vận chuyển sắn về nhà máy, thì nay chỉ còn chưa đến 10 xe. Riêng trong ngày hôm qua (3/4) chỉ có 5 xe về nhà máy. Trong khi nhà máy có nguy cơ thiếu nguyên liệu thì bà con nông dân cũng điêu đứng vì sắn đến kỳ thu hoạch mà không có phương tiện vận chuyển. NGỌC CƯỜNG
Mặc dù thời điểm này là cao điểm thu hoạch mía, nhưng trên các tuyến đường chỉ xuất hiện lác đác một vài xe chở mía. Trong khi đó, nhiều hộ dân đã nhận phiếu đốn của nhà máy nên đã chặt mía, nhưng lại không có phương tiện để vận chuyển. Chủ tịch UBND xã Suối Bạc
(Sơn Hòa) Phan Thế Lựu, bức xúc:
“Tình trạng xe dừng hoạt động đã khiến nhiều nông dân đến UBND xã nhờ can thiệp. Nhiều hộ dân đã chặt mía 2-3 ngày nhưng không có xe chở về nhà máy. Mía một số hộ dân bắt đầu khô, điều đó sẽ khiến năng suất giảm và sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người dân”.
Anh Nguyễn Thành Tâm ở thị trấn Củng Sơn, bày tỏ: “Mía nhà tôi đã chặt, tập kết tại chân ruộng 3 ngày nay, nhưng chưa có xe đến chở. Tôi đến gặp các chủ phương tiện thì họ bảo phải bù tải mới chở. Giá bù tải một chuyến xe là 210.000 đồng. Trong khi, ruộng tôi xa nên phải thuê cộ bò kéo mía ra đường với giá 30.000 đồng/tấn. Giá mía thu mua hiện nay của nhà máy KCP là 460.000 đồng/kg nên nếu gánh thêm khoản tiền bù tải thì nông dân chúng tôi chẳng còn là bao”. Chính vì chủ phương tiện đòi hỏi nông dân bù tải nên một lượng mía lớn mà nhiều người dân đã chặt đành phải nằm phơi nắng để chờ xe.
Hiểu rõ khó khăn của nông dân, nhưng Nhà máy đường KCP không thể bù tải cho chủ phương tiện. Theo ông K.V.S.R.Subbaiah, trong niên vụ mía 2007-2008, nhà máy đã hai lần nâng giá thu mua mía, mua sô (không tính chữ đường), trong khi giá đường giảm, chi phí nhiên liệu tăng nên công ty cũng gặp khó khăn. “Chúng tôi đã tính cước vận chuyển đúng tải nên không thể tiếp tục bù tải cho chủ phương tiện”-ông K.V.S.R.Subbaiah khẳng định.
Đang vào mùa mía chín rộ, trời nắng gắt, nhưng mía vẫn nằm trên ruộng, nông dân sốt ruột còn nhà máy thiếu nguyên liệu vì không có phương tiện vận chuyển nên ngưng hoạt động… Tình trạng này nếu không được giải quyết sớm, mía khô cháy, nông dân bị thiệt, vùng nguyên liệu mất, nhà máy cũng khó mà gượng dậy. Tình hình cũng tương tự đối với nông dân trồng sắn, nhà máy chế biến tinh bột sắn. Thực tế trên yêu cầu UBND tỉnh và các ngành chức năng khẩn trương tìm ra biện pháp giải quyết thích hợp nhất để ngành mía đường, chế biến sắn tiếp tục phát triển.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà (Sơn Hòa) khẳng định, nếu để nông dân chịu chi phí bù tải cho chủ phương tiện thì nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông Tiến dẫn chứng: “Chi phí thu hoạch là 179.000 đồng/tấn gồm: công chặt (110.000 đồng/tấn), cộ bò vận chuyển từ ruộng ra đường lớn (30.000 đồng/tấn), cước vận chuyển (29.000 đồng/tấn), tiền ăn cho công chặt, lái xe (10.000 đồng/tấn). Chi phí sản xuất là 1.240.000 đồng/sào, gồm: giống (360.000 đồng), phân bón (300.000 đồng), cày đất (230.000 đồng), công chăm sóc (350.000 đồng). Năng suất bình quân của niên vụ 2006-2007 là 5,8 tấn/sào (mỗi sào 1000m2). Như vậy, chi phí sản xuất bình quân cho một tấn mía hơn 213.000 đồng. Nếu tính giá hiện nay nhà máy KCP mua của nông dân là 460.000 đồng thì nông dân chỉ còn lại 68.000 đồng/tấn. Thử hỏi, người nông dân còn lại mấy đồng khi phải gồng mình chịu bù tải cho chủ phương tiện?”.
ĐỨC THÔNG