Thứ Hai, 25/11/2024 17:44 CH
Phải có thợ máy trên tàu khi ra khơi: Ngư dân, bảo hiểm đều vướng
Thứ Sáu, 06/12/2019 13:00 CH

Thông tư 22/2018/TT-BNNPTNT quy định tàu thuyền công suất lớn thì phải có thợ máy trên tàu khi ra khơi. Ảnh: LÊ HẢO

Thiếu chứng chỉ thợ máy, nhiều chủ tàu công suất lớn phải cam kết với doanh nghiệp bảo hiểm sẽ hoàn thành trước tháng 5/2020 để đảm bảo quy định. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh chưa tổ chức lớp đào tạo và cấp chứng chỉ này nên ngư dân rất lo lắng.

 

Ngày 15/11/2018, Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư 22/2018/TT-BNNPTNT quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản. Theo đó, nhóm tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải có thợ máy trên tàu khi ra khơi.

 

Thợ máy là người phụ trách máy chính, máy phát điện, hệ thống trục chân vịt, các thiết bị điện, điện lạnh và các máy móc, thiết bị khác của tàu; sửa chữa những hư hỏng đột xuất, bảo dưỡng định kỳ đối với các máy móc, thiết bị; dự tính trước tình huống xấu có thể xảy ra để đề xuất với máy trưởng những biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời… đảm bảo các máy móc hoạt động đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình.

 

Cho “nợ” chứng chỉ đến hết tháng 4/2020

 

Theo ông Nguyễn Phú Thủy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bảo Minh, trong việc kinh doanh bảo hiểm tàu cá trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Bảo Minh áp dụng các quy định tại Thông tư 22 từ ngày 15/9/2019 (trừ quy định đối với chứng chỉ chuyên môn của thợ máy sẽ áp dụng từ ngày 1/5/2020).

 

Cụ thể, đối với các bảo hiểm tàu cá đã cấp còn hiệu lực bảo hiểm, nếu chủ tàu cá không thể đáp ứng các quy định về chức danh, định biên thuyền viên an toàn tối thiểu của tàu cá và văn bằng chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng và thợ máy tàu cá theo Thông tư 22, Bảo Minh sẽ đơn phương chấm dứt hiệu lực bảo hiểm và hoàn lại phí bảo hiểm cho chủ tàu/ngân sách nhà nước cho thời hạn chưa bảo hiểm (nếu có) theo quy định.

 

Đối với các yêu cầu mua bảo hiểm tàu cá của ngư dân, nếu chủ tàu cá không thể đáp ứng với các quy định nói trên, Bảo Minh sẽ không nhận bảo hiểm. Đối với các tổn thất tàu cá đã phát sinh từ ngày 1/1/2019, Bảo Minh sẽ tiến hành xác minh, kiểm tra về chức danh, định biên thuyền viên an toàn tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ của thuyền viên tàu cá bị tổn thất.

 

Nếu tàu cá ra khơi hoạt động khai thác thủy sản mà vi phạm các quy định về định biên thuyền viên an toàn tối thiểu trên tàu cá và quy định về bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên theo quy định tại Thông tư 22 sẽ bị loại trừ bảo hiểm theo điều khoản/quy tắc bảo hiểm.

 

Ông Võ Anh Khoa, Giám đốc Công ty Bảo Minh Phú Yên cho biết: Sau khi có chỉ đạo của tổng công ty, đơn vị đã thông báo với người được bảo hiểm của tất cả các đơn bảo hiểm đang còn hiệu lực và cấp mới về việc Bảo Minh sẽ áp dụng các quy định về định biên thuyền viên tàu cá theo Thông tư 22 từ ngày 15/9/2019, riêng quy định về chứng chỉ thợ máy tàu cá sẽ áp dụng từ ngày 1/5/2020.

 

Sau khi được thông báo, nếu người được bảo hiểm vẫn muốn tiếp tục duy trì tình trạng bảo hiểm thì đơn vị yêu cầu khách hàng ký cam kết. Khi giải quyết bồi thường những hồ sơ tổn thất tàu cá, Công ty Bảo Minh Phú Yên sẽ áp dụng các quy định của Thông tư 22 đối với các tổn thất xảy ra từ ngày 15/9/2019 nhưng cho thiếu chứng chỉ thợ máy tàu cá đến hết ngày 30/4/2020.

 

Mong sớm mở lớp đào tạo

 

Dù Thông tư 22/2018/TT-BNNPTNT đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có bất kỳ lớp đào tạo thợ máy nào nên hầu hết ngư dân ra khơi mà không thể đảm bảo quy định này.

 

Ông Nguyễn Đợi ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa chia sẻ: Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa mở lớp đào tạo thợ máy, chúng tôi không biết làm sao để có đầy đủ chứng chỉ theo quy định. Chúng tôi đã kiến nghị với Chi cục Thủy sản sớm mở lớp để ngư dân có phương hướng làm ăn. Vì nếu không đủ bằng cấp để bổ sung cho công ty bảo hiểm thì khi sự cố xảy ra, bảo hiểm không bồi thường, sẽ rất thiệt thòi cho ngư dân.

 

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Tiền ở phường 6, TP Tuy Hòa, gia đình bà có tàu cá lưới vây đóng theo Nghị định 67. Khác với các tàu câu cá ngừ đại dương (thường nghỉ vào mùa biển động), nghề lưới vây làm được quanh năm; mùa biển yên thì đánh bắt ngoài khơi còn mùa biển động đi trong lộng (gần bờ), trời gió quá mới tìm chỗ nấp hoặc nằm bờ vài ngày rồi đi tiếp. Do đó, bạn thuyền thường không có nhiều thời gian để học các chứng chỉ. “Cơ quan chức năng cần sớm mở lớp trong khi thời tiết đang không thuận lợi cho việc đi biển, ngư dân còn rảnh rỗi. Bởi khi vào mùa biển mới, ngư dân khó có thể sắp xếp thời gian đi học”, bà Tiền nói.

 

Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Quang Minh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) cho hay: Thông tư 22/2018/TT-BNNPTNT quy định, tàu thuyền công suất lớn thì phải có thợ máy trên tàu khi ra khơi. Tuy nhiên, đây là quy định mới, thực tế ngư dân khó đáp ứng được ngay nên theo Tổng cục Thủy sản, các địa phương tạm thời chưa áp dụng quy định này và vẫn tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi làm ăn.

 

Hiện chi cục đang liên hệ với một số cơ sở đào tạo uy tín và thông báo về các địa phương để ngư dân có nhu cầu học chứng chỉ thợ máy thì đăng ký. Ngay khi các cơ sở đào tạo cập nhật giáo trình mới nhất thì mở lớp ngay để ngư dân có thể học và có đầy đủ chứng chỉ theo quy định.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek