Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh vừa tổ chức đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh mặt hàng đường trong dịp cao điểm cuối năm 2019. Hoạt động này nhằm ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán đường nhập lậu (ĐNL), gây ảnh đến ngành mía đường Việt Nam.
Phức tạp đường nhập lậu
Theo Tổng cục QLTT, thời gian qua, tình trạng buôn lậu đường qua biên giới, nhất là tại một số tỉnh khu vực Tây Nam có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý, trước đây, các đối tượng buôn lậu sử dụng hình thức sang chiết đường lậu vào những bao nhỏ, vận chuyển ban đêm để tránh phát hiện; thì hiện nay, các đối tượng chở ĐNL công khai bằng xe tải lớn để nguyên bao bì, nhãn mác nước ngoài.
Theo Sở Công thương, trong niên vụ mía đường 2018-2019, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam sản xuất gần 82.000 tấn và Công ty CP Mía đường Tuy Hòa sản xuất 20.000 tấn đường. Đến nay, các nhà máy đã tiêu thụ được 68.000 tấn đường, với giá 10.360 đồng/kg (đối với đường RS) và 12.100 đồng/kg (đối với đường RE). Hiện các nhà máy còn tồn gần 34.000 tấn đường. |
Nhiều trường hợp, ĐNL sau khi tập kết được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất rồi sử dụng bao bì, nhãn mác của doanh nghiệp đường trong nước tiêu thụ. ĐNL còn được các đối tượng hợp thức hóa để qua mặt cơ quan chức năng dưới nhiều hình thức như: Sử dụng giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, sử dụng hóa đơn nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch…
Mới đây, Đội QLTT số 4 (huyện Tuy An, Đồng Xuân) kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Phạm Thị Hương tại khu phố Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này có 60 bao (3 tấn) đường trắng mang nhãn hiệu MiTR Phol Sugar, xuất xứ Thái Lan. Số đường này không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp và bà Hương cũng không cung cấp được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Lực lượng QLTT đã tạm giữ toàn bộ số đường trên để tiếp tục điều tra, xác minh.
Trước đó, Đội QLTT số 2 (TP Tuy Hòa) cũng tạm giữ 3 tấn ĐNL từ Thái Lan. Số đường này được vận chuyển từ Quảng Trị đi Phan Thiết đến Phú Yên dừng xuống bỏ hàng tiêu thụ. Tuy nhiên, chủ hàng không thể xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số đường trên.
Tăng cường kiểm soát
Tình trạng ĐNL ào ạt vào thị trường khiến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đường trong nước gặp không ít khó khăn do áp lực cạnh tranh về giá. Bà Nguyễn Thị Tình, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thành Danh, cho biết: Doanh nghiệp chuyên tiêu thụ và phân phối đường của các nhà máy đường trong nước như: Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa, Công ty CP Đường Biên Hòa, Nhà máy đường An Khê (Gia Lai)… Bình quân, mỗi năm doanh nghiệp tiêu thụ hơn 100.000 tấn đường các loại. Tuy nhiên, gần đây ĐNL giá rẻ tràn vào thị trường khiến đường nội cạnh tranh rất khó khăn. Có thời điểm, một số đơn vị chào giá đường ngoại với giá thấp hơn đường trong nước từ 2.000-3.000 đồng/kg; nhưng nguồn hàng này không có hóa đơn chứng từ nên tôi không dám nhập. Tuy nhiên, chính lượng ĐNL không chịu thuế này đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh đường chính ngạch trong nước.
Theo ông K.V.R.S Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, việc các doanh nghiệp nhập đường thô về tinh luyện để tiêu thụ nội địa mà không xuất khẩu đã ảnh hưởng lớn đến thị trường đường trong nước. Việc tạm nhập tái xuất nhưng không xuất, lại bán trong nước sẽ “giết” ngành sản xuất đường nội địa. Hầu hết công ty tiêu dùng lấy đường để sản xuất đều lấy đường từ đó nên sản phẩm của các nhà máy đường tồn kho rất lớn. “Chúng tôi đề nghị Chính phủ có những chủ trương, chính sách phù hợp điều kiện trồng mía của nông dân Việt Nam. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường ĐNL, bảo hộ ngành mía đường trong nước”, ông Subbaiah nói.
Ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết: Theo sự chỉ đạo của Tổng cục QLTT, Cục QLTT Phú Yên đã mở đợt cao điểm kiểm tra xử lý các tổ chức, cá nhân buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường. Mục tiêu của đợt kiểm tra này nhằm ngăn chặn việc lợi dụng sang chiết, phối trộn, đóng gói để hợp thức hóa ĐNL; lợi dụng hóa đơn chứng từ bán thanh lý ĐNL bị tịch thu để xoay vòng hóa đơn, hợp thức hóa đường trái phép. Hoạt động này góp phần ngăn chặn, giảm tình trạng buôn bán ĐNL đang ảnh hưởng đến hoạt động của ngành mía đường Việt Nam.
Sắp tới, Cục QLTT sẽ tham mưu Ban chỉ đạo 389 tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát hàng hóa đợt cao điểm cuối năm; trong đó tập trung kiểm soát ngăn chặn ĐNL.
NGÔ XUÂN