Thứ Bảy, 28/09/2024 06:19 SA
Các địa phương tập trung chống hạn
Thứ Năm, 29/08/2019 06:38 SA

Huyện Tuy An huy động máy bơm nước từ đập Tam Giang để chống hạn, cứu lúa. Ảnh: ANH NGỌC

Do nắng nóng kéo dài, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 6.000ha lúa hè thu bị ảnh hưởng và thiệt hại, hơn 10.200 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, cháy hơn 600ha rừng trồng và chết hơn 2.750ha rừng trồng. Để chủ động và tiếp tục công tác chống hạn, giải quyết nước sinh hoạt cho người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để phục vụ chống hạn…

 

Thiệt hại hàng ngàn héc ta cây trồng

 

Theo Sở NN-PTNT, hiện mực nước ở các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đã xuống thấp, có hồ chỉ còn 20-30% dung tích thiết kế, các hồ đập nhỏ đã khô cạn nước. Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Nắng nóng kéo dài làm nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện bị khô hạn, nhiều diện tích mất trắng và giảm năng suất.

 

Huyện đã huy động nhiều máy bơm nước công suất lớn, có nhiều cánh đồng phải nối tiếp đường ống dài hơn 1,8km để bơm nước từ lòng sông Ba đẩy ngược lên các kênh mương thủy lợi nhằm bổ sung nguồn nước tưới cho lúa. Tính đến nay, ở huyện Sông Hinh đã có hơn 100ha lúa thiệt hại do nắng hạn gây ra…

 

UBND tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ NN-PTNT, KH-ĐT, Tài chính hỗ trợ tỉnh Phú Yên kinh phí chống hạn sản xuất và cấp nước uống cho nhân dân với tổng số tiền hơn 57,2 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ kinh phí chống hạn và nước sinh hoạt hơn 18 tỉ đồng, hỗ trợ đầu tư xây dựng các trạm bơm điện, đập dâng, nạo vét công trình kênh mương và các công trình cấp nước sinh hoạt khác khoảng 39,2 tỉ đồng. Về lâu dài, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ khoảng 230 tỉ đồng để Phú Yên đầu tư xây dựng 8 công trình cấp nước tập trung, phục vụ cấp nước sinh hoạt cho khoảng 67.000 người dân. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế

 

Còn ở huyện Tây Hòa, hàng ngàn héc ta lúa thiếu nước tưới. Ông Nguyễn Tấn Chân, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho hay: Hiện trên địa bàn huyện có hơn 1.070ha lúa hè thu không còn nguồn nước để bơm tưới, nhiều diện tích lúa chết khô, thiệt hại với tỉ lệ hơn 70%, trong đó nặng nhất là ở xã Hòa Thịnh với hơn 830ha.

 

Tại huyện Tuy An, địa phương phải huy động 53 máy bơm các loại để bơm nước tưới bổ sung cho lúa. Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, riêng hệ thống đập thủy nông Đồng Cam nước còn tương đối là do các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh luân phiên chạy máy từ 6-10 giờ mỗi ngày nên các trạm bơm điện ở hạ lưu đã tăng thời gian bơm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tính đến ngày 22/8, tình trạng thiếu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạn hán cục bộ đã xảy ra ở các địa phương với tổng diện tích hơn 6.000ha, trong đó diện tích lúa không có nguồn bơm tưới khoảng 1.345ha.

 

Hơn 10.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt

 

Đối với nước sinh hoạt, do mực nước ở các giếng, sông, suối, hồ, đập… cạn kiệt nên nhiều khu dân cư ở miền núi và ven biển thiếu nước cục bộ. Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Đến nay, huyện Đồng Xuân có 1.855 hộ với hơn 5.240 nhân khẩu ở 5 xã Đa Lộc, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, Xuân Lãnh thiếu nước sinh hoạt. UBND huyện trích hơn 150 triệu đồng từ nguồn kinh phí dự phòng của địa phương để hỗ trợ người dân vận chuyển nước sinh hoạt về sử dụng. Còn ở huyện Tuy An, tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt cũng rất trầm trọng.

 

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 4.040 hộ với hơn 17.370 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt, nhiều nhất là ở 6 xã An Hòa, An Cư, An Hiệp, An Xuân, An Lĩnh và An Hải. Huyện phải trích ngân sách hơn 375 triệu đồng hợp đồng với Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên vận chuyển nước sinh hoạt cấp phát cho người dân ở 6 xã này.

 

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, đến ngày 15/8, trên địa bàn tỉnh có hơn 10.200 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trong đó huyện Đồng Xuân 1.855 hộ, huyện Tuy An 4.040 hộ, huyện Sơn Hòa 850 hộ, huyện Sông Hinh 345 hộ, huyện Tây Hòa 1.415 hộ, TX Sông Cầu gần 850 hộ và TP Tuy Hòa hơn 850 hộ. Các địa phương này đã chở nước cung cấp cho người dân.

 

Ngoài ra, do ảnh hưởng nắng hạn kéo dài nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 45 vụ cháy rừng, làm thiệt hại hơn 600ha rừng trồng; hơn 2.750ha rừng trồng các loại cây keo, bạch đàn, phi lao, dầu rái, sao đen, gõ mật… cũng bị chết.

 

Khẩn trương chống hạn

 

Ông Lê Thanh Đồng, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Để kịp thời hỗ trợ cấp bách đối với diện tích cây trồng chết do thiếu nước và nước sinh hoạt cho người dân, Sở Tài chính đề nghị các địa phương chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của địa phương mình để phục vụ chống hạn.

 

Sở Tài chính đã kiến nghị UBND tỉnh cho tạm ứng nguồn kinh phí dự phòng ngân sách tỉnh để hỗ trợ cho các địa phương và Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam khắc phục hậu quả hạn hán năm 2019 với mức hỗ trợ khoảng 50% theo nhu cầu, với số tiền hơn 8,7 tỉ đồng.

 

Ông Nguyễn Trọng Tùng cho rằng, các địa phương cần tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến của nguồn nước trong các tháng mùa khô còn lại. Các địa phương cần chủ động triển khai các phương án chống hạn đối với cây trồng trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương mình, tạm thời trích nguồn kinh phí dự phòng của địa phương để phục vụ công tác chống hạn.

 

Đối với nước sinh hoạt, các địa phương chủ động nạo vét, đào sâu thêm giếng, đào và khoan giếng mới, xây dựng thêm bể chứa nước nhằm đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Đối với các khu vực, vùng dân cư thiếu nước cục bộ, thì địa phương chủ động nắm tình hình và vận chuyển nước hỗ trợ cho người dân, đồng thời vận động người dân chia sẻ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Về lâu dài, các địa phương nên chủ động kêu gọi đầu tư, nâng cấp mở rộng các công trình cấp nước tập trung nông thôn bằng hình thức xã hội hóa.

 

Sở NN-PTNT đã có tham mưu UBND tỉnh báo cáo, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để đầu tư 8 công trình cấp nước tập trung với số tiền khoảng 230 tỉ đồng. Các công trình cấp nước tập trung này phải có quy mô lớn, khai thác nguồn nước từ hồ chứa nước lớn, hồ thủy điện, sông lớn… để đảm bảo công trình hoạt động bền vững.

 

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam tiếp tục chủ động triển khai công tác chống hạn vụ hè thu 2019; hỗ trợ, vận chuyển cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các khu vực không còn nguồn nước, không để dân khát.

 

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động bố trí ngân sách dự phòng, quỹ dự trữ tài chính của địa phương mình, nếu vẫn không đủ nguồn kinh phí để khắc phục thiệt hại thì có báo cáo, đề xuất (thông qua Sở NN-PTNT và Sở Tài chính) để UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam chủ động theo dõi thời tiết, quan trắc lượng mưa, mực nước, lưu lượng nước đến các hồ, đảm bảo năng lực phục vụ tưới của công trình.

 

Từ nay đến cuối vụ hè thu, nguy cơ thiếu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp là rất cao, công ty cần triển khai lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến tại các vị trí xa nguồn nước tưới, tổ chức bơm thường xuyên để chống hạn. Các sở Tài chính, NN-PTNT sớm tổng hợp nhu cầu đề xuất hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn, thiếu nước sinh hoạt, xâm nhập mặn của các địa phương, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét hỗ trợ theo quy định.

 

Đối với các khu vực, vùng dân cư thiếu nước cục bộ, địa phương cần chủ động nắm tình hình và vận chuyển nước hỗ trợ cho người dân, đồng thời vận động người dân chia sẻ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước.

 

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

 

ANH NGỌC - VĂN THÙY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek