10 NĂM, DIỆN TÍCH VÀ NĂNG SUẤT ĐỀU TĂNG
Giai đoạn đầu (1996-2000) của mía đường Phú Yên là tham gia thực hiện chương trình 1 triệu tấn đường của nhà nuớc. Toàn tỉnh đã xây dựng dự án tổng quan phát triển mía đường, theo đó, xây dựng xong nhà máy đường Tuy Hòa có công suất 1.250 tấn mía cây/ngày đưa vào hoạt động cùng với việc bố trí xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy này gồm huyện Tuy Hòa, Sông Hinh và phía nam huyện Tuy An. Kết quả, diện tích, năng suất, sản lượng mía từ năm 1995-1999 đều tăng. Chính vậy, chỉ một nhà máy đường Tuy Hòa với công suất 1.250 tấn mía cây/ngày hoạt động 3 ca liên tục ngày đêm thời gian trên 6 tháng đồng thời huy động các che thủ công cũng không được tiêu thụ hết sản lượng mía trong tỉnh.
Ngành mía đường Phú Yên cần phát triển bền vững về diện tích, năng suất và sản lượng - Ảnh: DTX
Giai đoạn sau năm 2000: Ngày 02-3-2000, UBND tỉnh Phú Yên và Công ty TNHH KCP Việt Nam có văn bản thỏa thuận các điều khoản về việc chuyển nhà máy đường từ tỉnh Thừa Thiên - Huế về huyện Sơn Hòa. Đến năm 2001-2002 nhà máy đi vào hoạt động với công suất 2.500 tấn mía cây/ngày, nhờ thế, diện tích mía toàn tỉnh ổn định trong khoảng 15.000ha - 17.000ha. Sau đó, do Nhà máy đường Đồng Xuân được nâng cấp lên 500 tấn mía cây/ngày nên diện tích quy hoạch mía cả luân canh cây trồng là 20.000ha. Xây dựng hoàn chỉnh 3 nhà máy đường thành 3 cụm công nghiệp chế biến và duy trì các che ép thủ công. Chuyển đổi cơ bản những giống mía địa phương có năng suất, hàm lượng đường thấp bằng những giống mía có năng suất và hàm lượng đường cao. Giải quyết được nhiều việc làm cho người dân và cho công nhân trong các nhà máy và đầu ra cho nông dân trồng mía.
Diện tích, sản lượng mía toàn tỉnh các năm 2002-2004 tiếp tục tăng lên và duy trì ổn định. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, năng suất mía tăng không nhiều. Trước tình hình đó, sang trồng các loại cây khác. Năm 2005 diện tích mía chỉ còn 18.045ha giảm 2.109ha so với năm trước, năng suất 45,15tấn/ha, sản lượng 814.663tấn.
BỐN GIẢI PHÁP ĐỂ NGÀNH MÍA ĐƯỜNG PHÚ YÊN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Mục tiêu trong thời gian tới của chương trình này là tiếp tục duy trì ổn định diện tích mía từ 15.500ha đến 17.500ha, coi trọng đầu tư công tác giống và các lĩnh vực khác để đưa năng suất mía bình quân đạt từ 60 - 70tấn/ha (năng suất sinh học của mía thường trên 100tấn/ha) đạt đủ sản lượng mía cho các nhà máy hoạt động.
Để thực hiện được những mục tiêu đó, theo ông Nguyễn Duy Cương, Phó Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên), càn phải thực hiện 4 giải pháp: Trước tiên là từng công ty phải khẩn trương xây dựng quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu mía tới tận xã, thôn của từng công ty, thông qua đó các nhà máy có cơ sở để đầu tư thâm canh vùng nguyên liệu và hạn chế được việc tranh mua nguyên liệu của nhau. Bố trí đất trồng đảm bảo đủ điều kiện thâm canh cây mía có hiệu quả và khả năng cạnh tranh được với cây trồng khác. Mở rộng mô hình mía thâm canh và diện tích mía có tưới; kiên quyết giảm diện tích mía đồi.
Hai là tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng vùng mía tập trung: cải tạo nâng cấp các trục giao thông chính trong vùng nguyên liệu đến cơ sở chế biến, duy tu, bảo dưỡng và xây dựng mới các tuyến đường nội đồng trong vùng mía. Xây dựng và củng cố nâng cấp những công trình phục vụ cho tưới mía, mở rộng áp dụng hình thức tưới mía tiết kiệm nước.
Ba là tiếp tục đưa các giống mới có năng suất và hàm lượng đường cao về nhân rộng (thông qua dự án đầu tư). Chọn lọc và phục tráng những giống mía mới đã đưa về trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu giống phù hợp để có giống chín sớm, chín muộn, chín trung bình đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động với thời gian 5 đến 6 tháng. Đẩy mạnh kỹ thuật thâm canh, không để cây mía quá 3 năm và thay thế luân canh trồng lại. Bố trí trồng với thời vụ thích hợp đảm bảo lượng phân hữu cơ, vô cơ cân đối theo quy trình thâm canh. Trồng xen canh cây họ đậu sau khi mía trồng mới hoặc mía đã thu hoạch chưa giao tán để tăng độ màu mỡ cho đất. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu làm đất và khâu thu hoạch nhằm giảm nhẹ sức lao động cho người dân.
Bốn là thực hiện tốt hơn Quyết định 80 của Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Phối hợp tốt hơn giữa các ngành trong công tác quản lý nhà nước về vùng nguyên liệu và chế biến.
LY KHA