Mặc dù còn là một tỉnh nghèo, nhưng 5 năm qua, nền kinh tế Phú Yên vẫn có mức tăng trưởng khá theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp- nông thôn. Với nhịp độ tăng GDP bình quân 10,7%/năm. Năm 2005 thu nhập bình quân đầu người tỉnh Phú Yên đạt 6,04 triệu đồng, tăng 880.000 đồng so với mục tiêu đại hội đảng bộ nhiệm kỳ vừa qua đề ra.
Nếu như năm 2000 ngành công nghiệp- xây dựng chiếm tỉ trọng 22,6% thì đến năm 2005 tăng lên 30%, tỉ trọng ngành nông lâm thuỷ sản giảm từ 44,2% xuống còn 35,7%…. Với gần 80% dân số sống bằng nông nghiệp, tỉnh Phú Yên đã tạo ra một nền nông nghiệp hàng hoá trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực. Bên cạnh cây lúa nước, tỉnh đã mở rộng canh tác các loại cây công nghiệp chủ lực như trồng hơn 18.040 ha mía, 10.000 ha sắn, 4010 ha điều, 1421 ha cao su, 425 ha hồ tiêu, 1790 ha cà phê cùng nhiều loại cây trồng khác; đồng thời chuyển ít nhất 6400 ha mía đồi, đất bãi bồi, ruộng năng suất thấp sang nuôi tôm, trồng cỏ cao sản, bắp lai đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong lĩnh vực thuỷ sản, tuy chưa được nhà nước đầu tư đúng mức, nhưng với lợi nhuận từ ngành này mang lại như đòn bẩy thúc đẩy các hộ gia đình đầu tư hàng trăm tỷ đồng mà những năm gần đây Phú Yên nổi tiếng trong cả nước với nghề câu cá ngừ đại dương. Bên cạnh đó, nghề nuôi tôm hùm bằng lồng với sản lượng 740 tấn (giá hiện nay là 580.000.000 đồng/tấn) và Phú Yên hiện có đội tàu 4070 chiếc hàng năm khai thác gần 35.500 tấn hải sản các loại.
Sản xuất nông nghiệp, ngoài đảm bảo an ninh lương thực, còn cần phát triển mạnh theo hướng hàng hóa để tăng thu nhập cho nông dân - Ảnh: D.T.X
Với những lợi thế về nông nghiệp, những năm qua tỉnh Phú Yên rất chú trọng đến phát triển công nghiệp chế biến theo 3 hướng: công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp và phát triển làng nghề. Theo đó, Phú Yên đã hình thành 3 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 985 ha, bước đầu có 27 dự án đã hoạt động và 19 dự án khác đang triển khai. Tỉnh cũng đã qui hoạch 24 cụm công nghiệp ở tất cả các huyện, thành phố, trong đó đầu tư xây dựng hạ tầng một số cụm công nghiệp và có đến 8010 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp....Nhờ vậy, hàng năm giá trị tổng sản lượng ngành công nghiệp chế biến tăng 19,9% và chiếm đến 89,2% giá trị sản xuất công nghiệp-TTCN toàn ngành; đồng thời bước đầu Phú Yên đã hình thành một số ngành công nghiệp chế biến quan trọng như: chế biến đường, tinh bột sắn, thuỷ sản, sản xuất bia và nước giải khát.....
Một trong những giải pháp giúp nền kinh tế Phú Yên phát triển là tỉnh đã biết huy động các thành phần kinh tế đầu tư thông qua những cơ chế, chính sách ưu đãi. Nhờ vậy trong 5 năm qua vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ở Phú Yên đạt gần 9500 tỷ đồng, chiếm 49,8% GDP và tăng 1,5 lần so với kế hoạch là 33%. Đáng chú ý tỉ trọng khu vực kinh tế Nhà nước từ 30,7% đã giảm xuống còn 27%, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đã tăng từ 68% lến 70,4% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 0,5% đã lên 1,8%... Nhờ vậy, hàng năm tỉnh Phú Yên giải quyết việc làm 23.000 lao động, tăng 6000 người so mục tiêu đề ra và giảm số hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) từ 15,3% xuống còn 5,1%. Trong 5 năm qua, tỉnh Phú Yên cũng đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo xoá 4781 nhà ở tạm bợ, rách nát với kinh phí 33,4 tỷ đồng và hiện nay đang tiếp tục hỗ trợ xây dựng tiếp 1000 nhà nữa cho hộ nghèo....
Trong 5 năm đến, tỉnh Phú Yên phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 13% và thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 10 triệu đồng. Đến năm 2010 đạt kim ngạch xuất khẩu 130 triệu USD, thu ngân sách địa phương 1100 tỷ đồng và giảm tỉ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) từ 19,3% hiện nay xuống còn 9% vào năm 2010. Tỉnh Phú Yên đã đưa ra 9 nhóm giải pháp về qui hoạch, huy động vốn, phát triển các thành phần kinh tế, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, về liên kết, thị trường, ứng dụng khoa học - công nghệ, cải cách hành chính và giải pháp thi đua. Tỉnh đã đề ra giải pháp trong thời gian trên phải huy động vốn phát triển toàn xã hội đạt 17.270 tỷ đồng và đầu tư tập trung vào 7 ngành công nghiệp mang tính mũi nhọn, gồm: chế biến nông lâm thuỷ sản; sản xuất bia và nước giải khát; may mặc và giày dép; lọc hoá dầu, hoá dược, hoá chất phân bón; công nghiệp cơ khí; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp sản xuất và phân phối điện....
Thứ nhất, đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ bản các công trình trọng điểm phải hoàn thành dứt điểm vì đã quá chậm so với kế hoạch đề ra. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 10 công trình trọng điểm đã và đang được thi công từ 10 năm nay với tổng mức đầu tư gần 894 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2005 mới thực hiện giá trị khối lượng gần 270 tỷ đồng; đồng thời nhanh chóng xử lý những tiêu cực trong quá trình thi công các công trình này.
Thứ hai, tỉnh cần rà soát lại và có chính sách khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, bởi lẽ theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Phú Yên vào giữa năm 2005 cho thấy tại các khu công nghiệp tuy có nhiều dự án đăng ký nhưng cho đến nay số diện tích đất đã đầu tư xây dựng trong các khu công nghiệp chỉ chiếm 28%, còn 72% diện tích đất chưa được lấp đầy; đồng thời giá trị tạo ra từ các khu công nghiệp còn chiếm tỉ lệ rất thấp trong tổng thể nền kinh tế. Trong số những doanh nghiệp trên chỉ có 20 doanh nghiệp hoạt động có doanh thu, nhưng có đến 11 doanh nghiệp hoạt động không có lãi, hoặc lỗ mặc dù còn trong thời gian được hưởng các chính sách ưu đãi; đồng thời 7 nhà máy chỉ hoạt động từ 15% đến 50% công suất thiết kế. Do vậy, đó là một sự lãng phí rất lớn và về lâu dài đây là điều rất đáng lo ngại vì nếu doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thì khả năng dẫn đến phá sản là điều khó thể tránh khỏi và kéo theo ảnh hưởng đời sống cho hàng nghìn lao động là người địa phương....
Thứ ba, Phú Yên đang tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động của thị trường bất động sản hiện đang đóng băng, trong khi tỉnh đang tiếp tục xây dựng hạ tầng khu đô thị Nam thành phố Tuy Hoà với diện tích đất ở dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 350 ha.
Sản xuất nông nghiệp, ngoài đảm bảo an ninh lương thực, còn cần phát triển mạnh theo hướng hàng hóa để tăng thu nhập cho nông dân - Ảnh: DTX
Thứ tư, là đầu tư kinh phí cho hoạt động chuyển giao công nghệ những mô hình canh tác và chăn nuôi đạt 50 triệu đồng/ha trở lên vì tỉnh có rất nhiều mô hình nhưng không nhân rộng ra được do nhiều HTX nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả, không có kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này trong khi tỉnh chỉ cấp kinh phí xây dựng các mô hình.
Thứ năm, tỉnh Phú Yên đang tiếp tục cải tiến mạnh mẽ công cuộc cải cách hành chính; đồng thời đẩy mạnh chương trình xuất khẩu lao động kết hợp với mở rộng đào tạo nghề, phấn đấu ít nhất đến năm 2010 tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề phải tăng từ 25% hiện nay lên 40%....
THẾ LẬP