Thứ Hai, 30/09/2024 16:34 CH
Hoạt động của Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên:
Góp phần tạo bước đột phá trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà
Thứ Tư, 17/07/2019 11:00 SA

Chế biến thủy sản đã trở thành ngành sản xuất có thế mạnh lớn nhất trong các khu công nghiệp, với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt gần 55 triệu USD - Ảnh: NGÔ XUÂN

Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên tiền thân là Ban quản lý Các khu công nghiệp Phú Yên và Ban quản lý Đầu tư hạ tầng Nam Tuy Hòa - Vũng Rô. Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, hoạt động của Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên đã tạo bước đột phá, góp phần vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

 

Hoàn thiện hạ tầng

 

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên đã tận dụng mọi nguồn lực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Phú Yên và các khu công nghiệp, tạo tiền đề kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư về tỉnh. Công tác quy hoạch cũng được quan tâm, tỉ lệ bao phủ của quy hoạch chi tiết trong khu kinh tế tăng dần phục vụ công tác xúc tiến, thu hút đầu tư thuận lợi hơn.

 

Trong đó, các khu công nghiệp tập trung đóng vai trò đầu tàu, có sức lan tỏa, kích hoạt doanh nhân khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Đến nay, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên đã quy hoạch, xây dựng được 5 khu công nghiệp tập trung với quy mô 470ha, cùng với Khu kinh tế Nam Phú Yên với diện tích gần 21.000ha.

 

Về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tại Khu kinh tế Nam Phú Yên đã hình thành nhiều công trình hạ tầng thiết yếu có ý nghĩa lớn như: cầu Hùng Vương, dự án Chống xói lở bờ Nam hạ lưu sông Đà Rằng, đường Phước Tân - Bãi Ngà, dự án Nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa, Khu đô thị Nam Tuy Hòa, tuyến nối quốc lộ 1 đến Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1, cầu Đà Nông, dự án Cải tạo, nâng cấp cảng Vũng Rô, hầm đường bộ Đèo Cả, dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật 5 khu công nghiệp. Những dự án này đi vào hoạt động đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật chung của Khu kinh tế Phú Yên, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư.

 

Trở thành điểm đến hấp dẫn

 

Với những nỗ lực, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp tăng nhanh. Cụ thể, năm 2018, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp toàn tỉnh tăng 29,84%; tỉ trọng giá trị sản lượng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tổng thể từ chỗ chưa đầy 10%, nay đã lên trên 50%.

Với những tiền đề hiện có, Phú Yên đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Đến nay, tại Khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu công nghiệp đã thu hút được 105 dự án đầu tư, với tổng diện tích đất đăng ký hơn 420ha; tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 11.086 tỉ đồng và 28,4 tỉ USD. Trong đó, 70 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu gần 5.500 tỉ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 115 triệu USD, chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; đóng góp cho ngân sách địa phương hơn 120 tỉ đồng, thu hút hơn 7.000 lao động địa phương.

 

Ngành nghề hoạt động chủ yếu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã có sự đa dạng hơn như sản xuất nhân hạt điều, thủy sản xuất khẩu, kính hoa, gỗ mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản, cơ khí, chế biến nước giải khát... Trong đó, mạnh nhất là ngành chế biến thủy sản với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt gần 55 triệu USD, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả bốn khu công nghiệp.

 

Một số sản phẩm công nghiệp Phú Yên đã xây dựng được tên tuổi, thương hiệu trên thị trường. Những kết quả trên góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo đúng hướng, hình thành một lực lượng sản xuất lớn, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và có đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khẳng định sự đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với chủ trương xây dựng và phát triển Khu kinh tế Phú Yên.

 

Tiềm năng rộng mở

 

Bên cạnh các khu công nghiệp đang dần hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, Phú Yên có một lợi thế là quỹ đất rộng lớn của Khu kinh tế Nam Phú Yên với diện tích gần 21.000ha, cùng lợi thế địa hình bằng phẳng, rất phù hợp với những dự án có quy mô lớn. Hiện khu vực này có một số quỹ đất đang được tỉnh kêu gọi thu hút đầu tư, như khu công nghệ cao diện tích 251,6ha, khu công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm diện tích 1.080ha, khu đô thị dịch vụ ven biển diện tích 250ha. Một số diện tích trong quỹ đất này đã thực hiện xong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, sẵn sàng giao đất cho các nhà đầu tư có nhu cầu, tiềm năng. Ngoài ra, những nhà đầu tư có nhu cầu đăng ký vào các khu vực khác sẽ được Ban quản lý Khu kinh tế tích cực hỗ trợ về công tác giải phóng mặt bằng.

 

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch xây dựng vùng nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa, đến năm 2025 thì khu vực này sẽ là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển; cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy và hàng không của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Việc liên kết vùng là điều kiện thuận lợi để Khu kinh tế Nam Phú Yên gắn kết với sự phát triển của Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, nhằm phát huy tối đa các tiềm năng thế mạnh của các bên, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

 

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN CHÍ HIẾN, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư 

 

Hiện nay, những tiềm năng, lợi thế đầu tư vào địa bàn tỉnh là rất lớn, đặc biệt là các lĩnh vực du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng; công nghiệp gắn với Khu kinh tế Nam Phú Yên và thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao...

 

Phú Yên đang tập trung thực hiện các giải pháp cải cách để đưa tỉnh vào nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và nhóm 30 chỉ số hài lòng của người dân.

 

Để thực hiện được mục tiêu trên, Phú Yên sẽ áp dụng tối đa các cơ chế, chính sách và các quy định của Chính phủ về việc ưu đãi, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tuy nhiên, Phú Yên sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà sẽ lựa chọn theo tiêu chí, theo quy hoạch và rà soát năng lực của nhà đầu tư; trong đó chú trọng năng lực tài chính và kinh nghiệm trong thực hiện các dự án.

 

ÔNG TRẦN DUY ĐÔNG (BỘ KH-ĐT): Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường 

 

Thời gian tới, Phú Yên cần tiếp tục thực hiện các giải pháp trong đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Phú Yên đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; rà soát quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên theo hướng xác định các ngành nghề trọng điểm phù hợp với lợi thế của địa phương.

 

Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng trong và ngoài các khu công nghiệp; định hướng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, các dự án dựa trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư; triển khai các mô hình khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp - đô thị, dịch vụ…

 

Bộ KH-ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; định hướng xúc tiến đầu tư phù hợp cho phát triển các khu công nghiệp trên cả nước nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng được phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả.

 

LÊ VĂN THÀNH

Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek