Thứ Tư, 02/10/2024 11:25 SA
Các HTX nông nghiệp hỗ trợ tích cực cho sản xuất lúa
Thứ Ba, 18/06/2019 09:34 SA

Ngay từ đầu vụ, HTX Nông nghiệp An Định (huyện Tuy An) đầu tư máy bơm đưa nước vào hệ thống kênh mương giải quyết thiếu nước cho 17ha lúa thường xuyên khô hạn - Ảnh: MINH DUYÊN

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp quan trọng như xây dựng cánh đồng mẫu, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, thay đổi thói quen canh tác cũ bằng kỹ thuật sản xuất hiện đại, liên kết tiêu thụ nông sản… đều có sự tham gia tích cực của các HTX nông nghiệp. Các đơn vị này trở thành một phần không thể thiếu của tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng chuỗi giá trị nông sản Phú Yên.

 

Các HTX quản lý tốt sản xuất

 

Dưới cái nắng gay gắt, cán bộ HTX Nông nghiệp An Định (huyện Tuy An) vẫn đứng canh máy bơm đảm bảo máy chạy ổn định, để có đủ nước tưới cho 17ha lúa thường xuyên bị khô hạn vào vụ hè thu. Ông Lưu Thanh Toàn, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Định, cho biết: Toàn bộ diện tích lúa của bà con xã An Định hưởng nước từ hồ Đồng Tròn qua hệ thống kênh mương thủy lợi.

 

Tuy nhiên, vào mùa khô hạn một số diện tích trên cao, xa nguồn nước vẫn bị thiếu nước. Để bảo đảm nước tưới cho những diện tích này, HTX đầu tư gần 30 triệu đồng mua máy bơm công suất lớn từ xã An Nghiệp đưa về phục vụ cho sản xuất. Hiện trên 95% diện tích sản xuất của bà con nông dân trong xã đã gieo sạ, bảo đảm đủ nước cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

 

Còn HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) cũng triển khai nhiều mô hình sản xuất nhằm giảm chi phí, mang lại thu nhập cao cho bà con. Ông Phùng Minh Tuấn, Giám đốc HTX, chia sẻ: Với mô hình sạ lúa theo hàng, trên mỗi hécta, bà con đã giảm được 80kg lúa giống, giảm 10-15% lượng phân bón, giảm từ 200.000-300.000 đồng chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Tổng chi phí đầu tư, bà con tiết kiệm được từ 1,5-2,2 triệu đồng/ha.

 

Mô hình “3 giảm 3 tăng” không chỉ giúp giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật mà còn tăng năng suất 2 tạ/ha, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, HTX còn chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống nông hộ, giống khảo nghiệm cho bà con, giúp người dân thay đổi nhận thức, hạn chế sử dụng giống thoái hóa, kém chất lượng. Từ đây giúp hạt lúa của bà con có giá trên thị trường.

 

HTX hợp đồng với Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố (tỉnh Ninh Thuận) tiêu thụ với giá 1kg lúa tươi bằng 1kg lúa khô tại thời điểm thu hoạch. Sự hợp tác này đã kéo dài từ năm 2015 đến nay, từ 10ha lên đến 120ha, lượng giống tiêu thụ tăng từ 54,9 tấn lên 302 tấn. Thấy được hiệu quả kinh tế của việc sản xuất bằng kỹ thuật tiên tiến, số hộ tham gia mô hình liên kết sản xuất với HTX tăng từ 65 hộ lên 450 hộ.

 

Tại huyện Phú Hòa, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Trị 2 cũng thành công khi tổ chức sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ nông sản sau thu hoạch. Ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc HTX, vui vẻ nói: HTX đã vận động được 1.552 hộ liền vùng liền thửa để sản xuất lúa giống nguyên chủng trên diện tích 290ha. Bà con được tiếp cận giống mới, học hỏi phương pháp sản xuất tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa. Sau thu hoạch, HTX trực tiếp bao tiêu cho bà con. Lúa đạt chuẩn, HTX phối hợp với các trại giống và Viện duyên hải Nam Trung Bộ để tiêu thụ với giá 1kg lúa tươi bằng 1kg lúa khô. Lúa thịt, HTX thu mua với giá cao hơn giá trị trường 50 đồng/kg và bán lại cho các công ty chế biến thức ăn…

 

Góp sức cùng địa phương

 

Theo ông Cao Văn Tiên, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, địa phương triển khai thành công mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa giống trên diện tích 40ha, trong đó 20ha của HTX Nông nghiệp An Nghiệp và 20ha của HTX Nông nghiệp thị trấn Chí Thạnh. Từ đây giúp địa phương tăng diện tích sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn từ 47% lên hơn 72%. Đặc biệt, HTX Nông nghiệp An Nghiệp còn xây dựng thành công thương hiệu lúa chất lượng cao, gạo chất lượng cao, giúp tăng giá trị kinh tế cho hạt lúa An Nghiệp.

 

Ông Đào Văn Roa, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: Địa phương phối hợp với các xã, các HTX nông nghiệp hướng dẫn bà con đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Nhờ đó, đến nay 96% diện tích được làm đất bằng máy, trên 98% sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch, 12,6% diện tích được gieo sạ bằng công cụ sạ hàng và máy gieo hạt. Thông qua các dịch vụ phục vụ sản xuất, các HTX đã bố trí máy móc hợp lý, bảo đảm đất cày kịp thời cho bà con gieo sạ, lúa gặt không để xảy ra tình trạng lưu đồng…

 

Theo ông Trần Hưng Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), toàn tỉnh có 89 HTX, 1 liên hiệp HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần cùng địa phương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều HTX tổ chức các dịch vụ khép kín cho thành viên từ khâu đầu vào đến khâu tiêu thụ sản phẩm lúa giống, hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek