Thứ Năm, 28/11/2024 08:31 SA
Về việc các ngân hàng thương mại ồ ạt tăng lãi suất huy động vốn:
Sẽ ra sao nếu Thống đốc không “ra tay”?
Thứ Bảy, 01/03/2008 07:18 SA

Trong tuần trước, đột nhiên nhiều NHTM trên địa bàn Phú Yên đua nhau thông báo mức lãi cao chưa từng có, vượt lên trên mức 1%/tháng. Điều đó khiến hàng loạt khách hàng của các NH có lãi suất thấp hơn đua nhau đi rút tiền gởi trước đó, rồi chen nhau gởi vào những NH cho lãi suất cao hơn. Cuộc đua tranh đó chỉ bị “chặn đứng” khi chiều 26/2, Thống đốc NHNN ra công điện khẩn chỉ đạo điều chỉnh mức lãi suất tiền gởi tối đa không quá 1%/tháng.

 

080301-nh-5.jpg

Khách hàng giao dịch tại Sacombank Phú Yên – Ảnh: Q.THUẦN

 

VÌ SAO?

 

Theo quyết định của Thống đốc NHNN, từ 1/2/2008, mức lãi suất có sự điều chỉnh. Theo đó, lãi suất cơ bản từ 8,25%/năm tăng lên 8,75%/năm, tăng 0,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm tăng lên 7,5%/năm, tăng 1,0%/năm; lãi suất chiết khấu từ 4,5%/năm tăng lên 6,0%/năm, tăng 1,5%/năm. Động thái này được nhìn nhận là cách để NHNN thực hiện mục tiêu giảm lạm phát bằng cách thu hút tiền về, giảm lượng tiền lưu thông trên thị trường. Việc NHNN tăng lãi suất đã khiến lượng tiền mặt trên thị trường khan hiếm và để huy động vốn, các NHTM đồng loạt tăng lãi suất với mức cao nhất từ trước đến nay, tăng thêm từ 1,12-0,48% so với trước đó.

 

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, đánh giá: Nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất xuất phát từ chính sách tiền tệ thắt chặt của NHNN như tăng lãi suất cơ bản, tăng dự trữ bắt buộc, mua tín phiếu bắt buộc làm cho lượng tiền mặt trên thị trường khan hiếm. Thêm nữa, mọi năm, lượng tiền tệ tập trung vào ngân hàng rất nhanh sau Tết. Nhưng năm nay, sau Tết, lượng tiền gửi vào ngân hàng không nhiều, bởi nhiều doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đã tự chủ trong kinh doanh, họ dành tiền đầu tư vào các dự án có lợi nhuận cao hơn. Hơn thế, hiện nay, giá trị đồng tiền Việt Nam tăng, trong khi đồng USD giảm, người dân không tích lũy USD nữa cũng làm cho tiền Việt Nam khan hiếm. Hiện tỉ số giá tiêu dùng tăng cao nên tiền gửi lãi suất tiết kiệm đang âm, người dân tính toán đầu tư vào chỗ khác sinh lời hơn. Do đó, các ngân hàng thương mại buộc phải tăng lãi suất để huy động vốn.

 

HỆ LỤY CỦA VIỆC TĂNG LÃI SUẤT QUÁ MỨC

 

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc tăng lãi suất quá mức của các NHTM có thể dẫn đến 4 hệ lụy dưới đây.

 

Một là, làm tăng lãi suất cho vay vốn thị trường, tức là làm tăng chi phí vốn vay của doanh nghiệp và người kinh doanh, từ đó làm tăng giá thành sản phẩm và dịch vụ, tác động tăng giá trên thị trường xã hội, đi ngược lại mục tiêu kiềm chế lạm phát của việc NHNN thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. 

 

Hai là, lãi suất đầu vào của NHTM, tức lãi suất huy động vốn tăng cao, cộng với chi phí cao do tỉ lệ dự trữ bắt buộc tăng mạnh, chi phí bù lỗ cho việc mua tín phiếu NHNN, nhưng lãi suất cho vay tăng chậm, khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất đầu vào thu hẹp. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ chậm hơn tốc độ tăng huy động vốn. Cả hai nhân tố đó làm cho lợi nhuận của NHTM ngày càng thấp, làm ảnh hưởng đến năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh, uy tín của NHTM.

 

Ba là, việc vay vốn của doanh nghiệp, của khách hàng khó khăn hơn. Một mặt tạo điều kiện cho tiêu cực nảy sinh trong quan hệ tín dụng giữa khách hàng và ngân hàng, tức là NHTM buộc phải lựa chọn dự án, lựa chọn khách hàng, việc cho vay vốn khắt khe hơn. Mặt khác, nhiều dự án bị từ chối vay vốn, hoặc doanh nghiệp không dám vay, không dám triển khai dự án, từ đó ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra mục tiêu 9% trong năm 2008.

 

Bốn là, việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt thu hút hàng chục nghìn tỉ đồng từ lưu thông về không thể kiềm chế được tốc độ tăng giá rau, thực phẩm, giá cà phê, sắt thép, giá bất động sản… hiện nay. Bởi vì giá các mặt hàng đó tăng là do rét đậm kéo dài, do nhu cầu sau Tết Nguyên đán tăng cao, do giá thị trường thế giới tăng, do cung - cầu… Bởi vậy, cho dù NHNN có tăng cao hơn nữa tỉ lệ dự trữ bắt buộc, điều chỉnh tăng các loại lãi suất chủ đạo, phát hành thêm hàng chục nghìn tỉ đồng tín phiếu NHNN có tính chất bắt buộc… thì giá các nhóm mặt hàng đó vẫn diễn biến theo các nhân tố hiện hữu của nó, bởi vì đó là những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người. Bên cạnh đó, diễn biến giảm tỉ giá VND/USD và tình trạng cung USD tăng mạnh, nếu tiếp tục diễn ra với mức độ lớn thì sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu, đến thu hút vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài…

 

Rõ ràng là mục tiêu tăng trưởng kinh tế đang bị tạm thời “hy sinh” cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhưng chỉ số giá tiêu dùng, diễn biến của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán thì vẫn dường như không thấy có liên hệ gì đến việc thắt chặt tiền tệ. Đây là mâu thuẫn trong điều hành cần được phân tích để có điều chỉnh phù hợp chính sách kinh tế vĩ mô.

 

KHƯƠNG NGUYÊN (tổng hợp)  

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek