Thứ Sáu, 04/10/2024 10:16 SA
Giao đất, rừng vùng dân tộc thiểu số: Rà soát bất cập để sớm thực hiện
Thứ Ba, 07/05/2019 06:29 SA

Người dân ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) được cán bộ Sở NN-PTNT hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng - Ảnh: MINH DUYÊN

Hơn 10 năm thực hiện chính sách giao đất, giao rừng vùng miền núi, đến nay toàn tỉnh mới thực hiện được việc giao đất rừng. Tuy nhiên, công tác này cũng còn nhiều khó khăn cần khắc phục.

 

Giao đất, khó giao rừng

 

Việc giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính Phủ. Chính sách này hướng tới bảo vệ rừng, xóa đói giảm nghèo cho các đối tượng sống gần rừng. Những đối tượng được thụ hưởng là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư có yêu cầu. Đối tượng được giao tối thiểu 2ha, giao đất cùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và miễn hoàn toàn mọi loại thuế, phí…

 

Theo Sở NN-PTNT, chính sách này gồm hai phần việc là giao đất rừng và giao rừng. Hiện toàn tỉnh mới thực hiện được giao đất rừng. Trong đó, giao Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý hơn 92.000ha, doanh nghiệp nước ngoài hơn 83ha, hộ gia đình cá nhân gần 44.000ha, cộng đồng dân cư 8,6ha, lực lượng vũ trang 4.381ha, UBND các xã hơn 58.680ha, các tổ chức khác gần 7.000ha. Số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được giao 1.534 hộ, với diện tích hơn 17.130ha, chiếm 42% so với tổng diện tích số hộ được giao.

 

Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Phú Yên chưa triển khai được việc giao rừng bởi chưa thực hiện được việc kiểm đếm số lượng cây rừng và định giá từng loại cây trên phần đất sẽ giao. Thực tế, những đối tượng được thụ hưởng giao rừng cũng không muốn nhận vì sợ rủi ro, bởi chính sách này ràng buộc nếu người nhận giao rừng để xảy ra mất cây hoặc cây chết sẽ phải bồi thường.

 

Theo ông Ksor Y Phao, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, hiện địa phương mới chỉ giao 1.200ha đất rừng cho 345 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chưa hộ nào hay cộng đồng đồng bào nào nhận giao rừng vì còn liên quan tới tập quán, văn hóa của từng dân tộc.

 

Ma Kíp ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), chia sẻ: Nếu nhận giao rừng thì hàng năm còn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để bảo vệ, trông coi rừng. Nhưng đất rừng mênh mông, toàn cây gỗ quý chẳng may để xảy ra chặt phá, khai thác trái phép người dân không biết lấy gì đền bù.

 

Còn nhiều khó khăn

 

Ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, cho biết: Chính sách giao đất rừng có hai giai đoạn, từ năm 2005 về trước và từ năm 2006 đến nay. Tại huyện Đồng Xuân, từ năm 2005 về trước đã giao hơn 11.558ha cho 931 hộ.

 

Theo thời gian, nhu cầu về đất sản xuất của người dân tăng thêm. Đáp ứng nhu cầu này, UBND tỉnh đã có Quyết định 317/QĐ-UBND, Quyết định 318/QĐ-UBND thu hồi 12.571ha của Ban quản lý Rừng phòng hộ Đồng Xuân giao cho người dân ở các xã Đa Lộc, Xuân Quang 1, Phú Mỡ, Xuân Lãnh.

 

Tuy nhiên, huyện mới bàn giao được cho UBND các xã trên, còn các xã chưa thể giao được cho từng hộ thụ hưởng do thiếu kinh phí đo đạc.

 

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Huyện đã trích kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương khoảng 400 triệu đồng phục vụ công tác đo đạc nhằm sớm giao đất cho dân. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ đo đạc hoàn chỉnh xã Xuân Lãnh, các xã còn lại không biết bố trí kinh phí ở đâu để thực hiện tiếp. Nếu tỉnh không cân đối hỗ trợ thì địa phương rất khó thực hiện vì công tác này đòi hỏi kinh phí lớn.

 

Theo ông Lê Ngọc Hải, Trưởng Phòng TN-MT huyện Sông Hinh, nhiều hộ sau khi được giao đất, giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bán đi, do không đủ tiền đầu tư hoặc sử dụng sai mục đích. Thời gian qua, địa phương đã thu hồi 600 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các xã Sông Hinh, Sơn Giang, Đức Bình Đông vì không đúng vị trí, sai mục đích sử dụng…

 

Ông Phạm Ngọc Công, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, cho biết: Thời gian tới, để chính sách này phát huy hiệu quả, các địa phương cần rà soát thực trạng sử dụng đất rừng, đối tượng đã được thụ hưởng. UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng giai đoạn 2018-2025 với kinh phí trên 50 tỉ đồng. Trong đó trích một phần kinh phí cho công tác đo đạc.

 

Đối với trường hợp một số hộ quá nghèo, không đủ kinh phí đầu tư mua phân, giống để trồng rừng trên phần đất được giao thì chính quyền địa phương nên sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số từ Chương trình 135 để giải quyết.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek