Hiếm địa phương nào lại có vùng chuyên canh rau lên tới 45 ha đất ngay trong lòng thành phố như làng rau Bình Ngọc (TP Tuy Hòa). Bình Ngọc đã được chứng nhận là vùng sản xuất rau an toàn với đầy đủ các tiêu chí. Hiện tại, các ngành chức năng đang giúp nông dân vùng này có sự liên kết chặt chẽ hơn nhằm từng bước hướng tới sản xuất những sản phẩm rau sạch được đóng gói và có mã vạch.
Mô hình sản xuất dưa leo an toàn tại HTX Bình Ngọc – Ảnh: L.KHA |
Với 45 ha đất chuyên canh rau, nhiều năm qua những hộ nông dân tại xã Bình Ngọc đã tạo được mối liên kết cần thiết trong việc sản xuất rau. Sản lượng rau xanh mà Bình Ngọc cung ứng cho thị trường TP Tuy Hòa hằng ngày lên tới 60 – 70% nhu cầu (số còn lại được mua từ những vùng rau khác và nhập về từ Lâm Đồng). Rau do Bình Ngọc sản xuất ra được tiêu thụ nhanh và mạnh. Suốt 5 năm qua, hơn 80% nông dân trồng rau ở xã Bình Ngọc đã thực hiện canh tác rau theo hướng hiện đại, sản xuất rau an toàn. Công tác này được thực hiện xuyên suốt qua việc thực hiện 2 đề tài khoa học sản xuất rau an toàn do Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên và Sở Khoa học – Công nghệ Phú Yên chủ trì (mỗi đề tài kéo dài 2 năm).
Cuối năm 2007, có 80 nông dân xã Bình Ngọc tham gia chương trình sản xuất rau an toàn theo hướng sản xuất nông nghiệp hiệu quả (GAP). Lượng rau sản xuất ra từ chương trình này được cung ứng cho siêu thị Co.op Mart Tuy Hòa. Theo bà Nguyễn Thị Lơn, Trưởng Trạm bảo vệ thực vật TP Tuy Hòa, chương trình này là một bước nâng cao hơn so với các chương trình đã được thực hiện trước đó như IBM, trồng rau an toàn... Do vậy, sản phẩm do 80 nông dân này làm ra đều đạt các tiêu chí về rau an toàn. Bà Lơn cho biết thêm, để được công nhận là vùng sản xuất rau an toàn như hiện nay, ngoài việc tất cả nông dân phải áp dụng phương pháp sản xuất rau an toàn, còn phải hội đủ điều kiện về tự nhiên như trong nước ngầm tưới cho rau, đất trồng rau không có một số kiêm loại nặng, không bị ô nhiễm. Trong quá trình thực hiện chương trình GAP, phải tiến hành kiểm tra thường xuyên xem có trường hợp đột biến nào hay không. Thực tế đã có trường hợp một lò đúc gang thép mọc lên gần khu sản xuất rau và chúng tôi đã phải yêu cầu các ngành chức năng tiến hành di dời ngay.
Tuy nhiên, thời gian qua, siêu thị vẫn chưa tiêu thụ hết lượng rau do các nông dân này làm ra và vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Đó là việc siêu thị vẫn bán lẫn lộn rau của Bình Ngọc với những loại rau khác.
Theo Ban quản lý HTX Bình Ngọc, đơn vị sẽ tạo mọi điều kiện và cùng nông dân từng bước thực hiện được vấn đề trên. Chắc chắn sẽ phải liên kết rất nhiều hộ nông dân với nhau mới thực hiện được bởi diện tích sản xuất của từng hộ rất nhỏ lẻ, manh mún. Những hộ sản xuất rau an toàn ở Bình Ngọc cho rằng việc sản xuất được rau an toàn và từng bước làm rau sạch theo hướng GAP là không khó. Nếu áp dụng tuần tự các biện pháp canh tác, chăm sóc, quản lý dịch hại tổng hợp theo cách mà ngành Bảo vệ thực vật đã tập huấn thì sẽ đạt được. Tuy nhiên, cũng theo họ, để nâng cao giá trị sản phẩm rau an toàn thực hiện theo một quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ thì từ siêu thụ, HTX đến cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cần liên kết với nhau để đóng gói, in mã vạch cho từng mớ rau theo hướng hiện đại thì nông dân sản xuất rau mới yên tâm.
LY KHA