Thứ Hai, 30/09/2024 00:42 SA
Đề xuất hướng xử lý những bất cập ở các cảng cá, bến cá
Thứ Tư, 20/02/2008 07:00 SA

L.T.S: Báo Phú Yên trong tháng 4/2007 đã có loạt bài “Những bất cập ở các cảng cá, bến cá” phản ánh những tồn tại, yếu kém trong đầu tư xây dựng, khai thác các cảng, bến cá lớn trong tỉnh. Vừa qua, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên đã tiến hành khảo sát một số cảng cá, bến cá trong tỉnh và có các đề xuất để tỉnh và các địa phương, ngành hữu quan khắc phục những bất cập tồn tại.

Kết quả khảo sát của đoàn cho thấy: Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại và bất cập trong việc xây dựng, khai thác một số cảng cá ở Phú Yên, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, cần có những giải pháp khắc phục để phát huy hiệu quả tốt hơn.

080220--ben-ca1.jpg

Bến cá phường 6 (TP Tuy Hòa) đang xuống cấp trầm trọng -  Ảnh: N.LƯU

 

ĐỀ NGHỊ KHẮC PHỤC NHIỀU TỒN TẠI Ở CẢNG CÁ TIÊN CHÂU

 

Cảng cá Tiên Châu nằm trên địa bàn xã An Ninh Tây, huyện Tuy An là một trong những cảng cá lớn và hiện đại của tỉnh. Theo thiết kế, công suất lượng hải sản thông qua bến khoảng 6.000 tấn/năm, tiếp nhận tàu thuyền có công suất từ 33- 500 CV, với tổng mức đầu tư 30.782 triệu đồng. Qua hơn 1 năm đi vào hoạt động, cảng cá Tiên Châu đã thúc đẩy phát triển đánh bắt hải sản xa bờ nhằm bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển, đáp ứng việc tránh trú bão của tàu thuyền trong vùng; góp phần phát triển kinh tế biển; thu hút nguyên liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, phục vụ chế biến xuất khẩu, cung ứng các dịch vụ cho tàu cá.

 

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: Tuy đã đi vào hoạt động trên 1 năm nhưng đến nay, cảng cá này vẫn còn một số hạng mục chưa được đầu tư (nhà phân loại hải sản, khu mua bán cá, nhà dịch vụ công cộng, cửa hàng và các thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị thông tin liên lạc, xe cần cẩu…) làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng dịch vụ cung cấp. Bên cạnh đó, vị trí cảng biển không thuận lợi, nằm quá xa cửa biển, cát sông liên tục bồi lấp làm tàu thuyền ra vào cảng rất khó khăn; bến tàu lớn nối cầu cảng chính (phục vụ tàu thuyền có công suất 150-500 CV) nằm cao hơn so với mạn tàu từ 2-3 m, gây khó khăn cho việc bốc dỡ hải sản, vật tư lên xuống tàu. Hiệu quả hoạt động của cảng rất thấp, mỗi ngày chỉ có từ 2- 3 lượt tàu cập cảng trong khi công suất thiết kế của cảng tiếp nhận mỗi ngày khoảng 300 lượt tàu có công suất 35- 500 CV cập cảng với sản lượng thủy hải sản 60 tấn/ngày. Dọc theo hệ thống cửa biển có nhiều nơi neo đậu tàu thuyền thuận lợi cho việc vận chuyển, trao đổi hải sản nên hầu hết các thuyền đánh cá không vào cảng chính, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của cảng cá này.

 

Để cảng cá Tiên Châu hoạt động hiệu quả, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh có giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại nêu trên.

 

CẦN SỚM ĐẦU TƯ MỞ RỘNG CẢNG CÁ DÂN PHƯỚC

 

Đối với cảng cá Dân Phước, (huyện Sông Cầu): Hiện tại mỗi ngày tàu thuyền ra vào cập cảng với số lượng lớn, sản lượng thủy sản thông qua cảng đạt 60 tấn/ngày. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế và theo báo cáo của Sở Thủy sản cho thấy, mức đầu tư cho cảng còn rất thấp (3,4 tỉ đồng), quy mô nhỏ, công suất thiết kế sản lượng hải sản qua bến thấp (khoảng 30 tấn/ngày), chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải, đầu tư hạ tầng cảng không đồng bộ dẫn đến việc chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, ô nhiễm môi trường khá cao.

 

Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế và Ngân sách đã kiến nghị UBND tỉnh: Cần sớm đầu tư mở rộng cảng cá Dân Phước, khu hậu cần nghề cá, nhà phân loại, hệ thống phòng chống cháy nổ, xe cần cẩu nhằm đáp ứng được nhu cầu để phục vụ nhân dân. Đây là cảng cá trong đô thị, có mật độ dân cư cao, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thủy sản và UBND huyện Sông Cầu thực hiện ngay các biện pháp để xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng và khu vực dọc bờ biển.

 

NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý Ở CÁC CẢNG, BẾN CÁ KHÁC

 

Đối với cảng cá phường 6 (TP Tuy Hòa): Qua mùa mưa lũ vừa rồi, bến cá này đã bị sạt lở nặng. Đến nay, ngành thủy sản đã khắc phục cơ bản, đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu cho tàu thuyền ra vào cập bến. Tuy nhiên, vẫn còn một số khu vực của bến cá phường 6 có hiện tượng sạt lở, nứt bề mặt của bến liền bờ, đề nghị ngành thuỷ sản cần sớm có biện pháp sửa chữa, khắc phục.       

 

Về cảng cá Phú Lạc (huyện Đông Hòa): UBND tỉnh đã có thông báo cho phép lập dự án cảng cá Phú Lạc cho tàu đến 500 CV, có quy mô đầu tư khoảng 5.000 tấn/năm, dự kiến sử dụng khoảng 2- 3 ha đất, với tổng mức đầu tư khoảng 40 tỉ đồng. Qua khảo sát thực địa, Ban Kinh tế và Ngân sách đề nghị UBND tỉnh và ngành thủy sản lưu ý một số vấn đề như: Đây là vùng bãi ngang, cửa lạch hẹp, ít ổn định, thường xuyên bị bồi lấp, do đó để đầu tư xây dựng cảng cá có quy mô lớn cho tàu đến 500 CV cập cảng và sản lượng hải sản là 5.000 tấn/năm cần phải được nghiên cứu, khảo sát kỹ trước khi thực hiện đầu tư. Hiện nay, việc xây dựng chỉnh trị cửa Đà Nông đang được tiến hành và khi cửa Đà Nông hoàn thành thì dòng chảy cửa lạch có thể thay đổi, do đó đề nghị UBND tỉnh và ngành thủy sản cần phải lưu ý vấn đề này. 

 

Về hình thức tổ chức quản lý, hoạt động ban quản lý (BQL) cảng cá: Qua khảo sát và nghiên cứu, Ban Kinh tế và Ngân sách kiến nghị: Để việc tổ chức hoạt động của các cảng cá trên địa bàn tỉnh có hiệu quả hơn, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thủy sản nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức hoạt động BQL cảng cho phù hợp vì như hiện nay thì mô hình này chưa được hợp lý; trụ sở của BQL cảng cá Phú Yên hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch cho đầu tư sửa chữa nhằm đảm bảo mỹ quan và an toàn lao động.

 

Đối với Trung tâm Hậu cần nghề cá tại Đông Tác: Việc quyết định đầu tư xây dựng trung tâm này là rất cần thiết và cấp bách, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành thủy sản và các ngành liên quan xúc tiến nhanh việc đầu tư xây dựng.

 

Về các khu neo đậu tàu thuyền tránh bão: Về vị trí để đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh, qua khảo sát cho thấy cơ bản đảm bảo cho tàu thuyền tránh trú khi có bão xảy ra, có sức chứa đảm bảm an toàn cho khoảng từ 500-1.000 tàu thuyền neo đậu. Tuy nhiên, việc chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư xây dựng các khu tránh trú bão tiến độ thực hiện còn rất chậm, đặc biệt khu tránh trú bão vịnh Xuân Đài - đầm Cù Mông đã phải thay đổi 3 lần chủ đầu tư (huyện Sông Cầu,  Sở Thủy sản, Ban Quản lý các công trình trọng điểm) làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh cần tập trung chỉ đạo các ngành các cấp có giải pháp đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo cho người dân và tàu thuyền của ngư dân, hạn chế thấp nhất việc thiệt hại do bão lũ gây ra.

 

 

THU HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek