Chủ Nhật, 06/10/2024 21:24 CH
Phát triển sản phẩm thủ công ở Tuy An:
Thiếu vốn, “bí” đầu ra
Thứ Hai, 18/03/2019 08:00 SA

Sản phẩm gốm của ông Nguyễn Văn Ngân ở xã An Thạch, huyện Tuy An - Ảnh: VÕ PHÊ

Tự làm, tự tiêu thụ là cách mà một số người dân ở huyện Tuy An thực hiện để duy trì sản phẩm “nhà làm”. Về lâu dài, người dân rất cần được các ngành, địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ để phát triển nghề, giữ sản phẩm đặc trưng.

 

Nhiều sản phẩm độc đáo

 

Huyện Tuy An không chỉ nổi tiếng với các nghề truyền thống như dệt chiếu, đan thúng chai, chế biến bánh tráng, nước mắm… mà ngày càng có nhiều người dân khéo léo tự tay làm ra những sản phẩm rất độc đáo. Từ kỹ thuật đan móc cơ bản, sử dụng nắp (khoen) lon, dây dù nhiều màu, bà Lê Thị Trắc ở xã An Thạch đã làm nên những chiếc túi xách xinh xắn, cá tính.

 

Sự sáng tạo của bà và số ít người dân trong xã đã biến những thứ tưởng chừng như bỏ đi trở thành các vật dụng hữu ích. Bà Trắc chia sẻ: Tôi lấy nắp lon bia bằng nhôm nhỏ mà người ta vứt đi, dùng thêm dây dù nhiều màu xâu thành dải, ghép lại với nhau, tạo nên những chiếc túi để chị em sử dụng. Những chiếc túi xách này là sản phẩm thân thiện với môi trường, có độ bền cao hơn so với nhiều loại túi bán trên thị trường.

 

Còn ông Nguyễn Văn Ngân ở thôn Quảng Đức, xã An Thạch nối nghiệp gia đình làm đồ gốm. Đây là cơ sở duy nhất ở huyện Tuy An còn giữ lại lò gốm truyền thống Quảng Đức, lưu giữ nét xưa của người dân địa phương qua hàng trăm năm với phương pháp nhào đất sét và kỹ thuật nung khác biệt với những nơi khác. Theo ông Ngân, từ niềm đam mê, ông bắt tay làm gốm với mong muốn giữ nghề của ông cha xưa.

 

“Tôi lấy đất sét ở xã An Định, đem về ủ 1 ngày 1 đêm cho đất nhuyễn ra, rồi dùng tay nặn các loại đồ dùng như chậu trồng cây cảnh, lục bình, chum đựng nước…, trang trí bề mặt theo các họa tiết xưa và sáng tạo thêm những hoa văn theo ý tưởng cá nhân. Tôi đem các sản phẩm này phơi khô, rồi cho vào lò nung bằng củi đốt khoảng 2 ngày 2 đêm là hoàn tất công đoạn làm gốm. Sản phẩm gốm tôi làm phải nung đến nhiệt độ trên 1.0000C, đất sét phải kết hợp vỏ sò (lấy từ đầm Ô Loan) thì sản phẩm ra lò mới bóng, đẹp. Bình quân mỗi tháng, tôi làm khoảng 500 sản phẩm lớn nhỏ, giá bán từ 10.000 đồng đến 2 triệu đồng/sản phẩm”, ông Ngân nói.

 

Hay chị Thiều Thị Kim Tuyến ở thôn Diêm Điền, xã An Ninh Tây, sử dụng thân lục bình, bẹ chuối, mây, lá buông, cói, giấy bạc… để làm đồ dùng như bàn, ghế, giỏ đựng quần áo, sọt rác, giỏ đựng hoa, lồng đèn cùng nhiều sản phẩm thủ công khác. Chị Tuyến cho biết: Mỗi tháng, tôi có thể làm ra 10 mặt hàng khác nhau. Đây phần lớn là hàng gia công cho các công ty xuất khẩu nước ngoài với số lượng 400-500 sản phẩm/tháng.

 

Lúc đầu, tôi hướng dẫn cách làm cho người dân trong xã, sau họ có thể tận dụng thời gian rảnh để nhận về làm tại nhà. Duy chỉ sản phẩm túi xách, mũ thì tôi tự làm và bán lẻ cho người tiêu dùng các tỉnh phía Nam với giá 150.000-250.000 đồng/chiếc.

 

Cần được hỗ trợ để duy trì 

 

Theo Sở Công thương, chương trình khuyến công, hỗ trợ các sản phẩm thủ công ở các huyện trong tỉnh được ngành Công thương thực hiện hàng năm. Năm 2019, đơn vị hỗ trợ cho một số cơ sở sản xuất ở huyện Tuy An và đã gửi kế hoạch thực hiện cho địa phương này. Để được hỗ trợ, các hộ sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo tư cách pháp nhân, tức có đăng ký kinh doanh và được địa phương giới thiệu. Riêng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, các sản phẩm đặc trưng được chọn sẽ được Sở Công thương hỗ trợ trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại.

 Muốn phát triển nghề, ông Nguyễn Văn Ngân thổ lộ: Từ trước đến nay, người dân trong tỉnh ai biết thì tự tìm đến nhà tôi mua đồ gốm và tôi cũng chỉ bỏ cho một số điểm bán lẻ ở huyện chứ gia đình chưa có kinh nghiệm trong việc giới thiệu sản phẩm. Vì không có đầu ra ổn định, kinh phí sản xuất lại hạn chế nên tôi rất cần được địa phương hỗ trợ để gia đình phát triển nghề lâu dài, giữ gìn sản phẩm truyền thống.

 

Khảo sát trên địa bàn huyện Tuy An, đa số các sản phẩm thủ công xuất phát từ việc người dân tự mày mò làm nên rồi tự bán chứ chưa được hỗ trợ nhiều về kinh phí cũng như quảng bá, tiêu thụ… Theo UBND xã An Ninh Tây, các sản phẩm thủ công của chị Thiều Thị Kim Tuyến được xem là sản phẩm đặc trưng của xã. Nhiều năm qua, chị Tuyến cùng những sản phẩm này đã tham gia nhiều cuộc thi tay nghề cấp huyện, tỉnh và giành được giải thưởng cao, nhưng vì chưa được quảng bá rộng rãi nên rất ít người dân trong tỉnh biết đến, lượng tiêu thụ không đáng kể.

 

Còn theo ông Hồ Ngọc Hương, Phó Chủ tịch UBND xã An Thạch, đa số các hộ làm sản phẩm thủ công trên địa bàn xã đều cần vốn để duy trì nghề truyền thống. Do đó, năm 2018, xã An Thạch đã chọn một số sản phẩm đăng ký tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” do Sở NN-PTNT triển khai với hy vọng ngành chức năng tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề.

 

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: Những năm qua, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ kinh phí để người dân duy trì một số sản phẩm thủ công. Nhằm tạo điều kiện để người dân làm nghề ổn định, các xã trong huyện đã đăng ký 26 sản phẩm đặc trưng tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, từ đó huyện đăng ký với Sở NN-PTNT và đang chờ kết quả. Riêng các gia đình có sản phẩm thủ công khi muốn giới thiệu, trưng bày ở khu vực nào thì đăng ký, trên cơ sở đó, huyện sẽ xem xét.

 

VÕ PHÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek