Chủ Nhật, 06/10/2024 23:15 CH
Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3):
Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững
Thứ Năm, 14/03/2019 11:00 SA

Mỗi người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu luật để tự bảo vệ mình - Ảnh: NGÔ XUÂN

Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2019 vừa được Bộ Công thương công bố và phát động nhằm hướng đến lợi ích và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Nói về chủ đề, mục đích của Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2019, bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết:

 

- Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) được công nhận chính thức từ năm 2015 hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Năm 2019, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam có chủ đề: “Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững”.

 

Mục đích của chủ đề này là kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng vào các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước.

 

Bà Tô Thị Hòa - Ảnh: NGÔ XUÂN

* Cụ thể, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp sẽ triển khai những hoạt động gì để hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2019?

 

- Các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong cả năm 2019, trong đó tập trung chính vào các khoảng thời gian cao điểm kinh doanh và tiêu dùng như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các ngày cao điểm mua sắm trên thị trường. Các cơ quan, doanh nghiệp cần chủ động tổ chức các hoạt động hoặc lồng ghép, đưa vào hoạt động chuyên môn, hoạt động kinh doanh các nội dung nhằm tăng cường quyền lợi cho người tiêu dùng.

 

Các cơ quan nhà nước tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra thị trường; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Các tổ chức xã hội cần phát huy rõ nét vai trò đại diện và cầu nối giữa người tiêu dùng với các cơ quan nhà nước và cộng đồng do­anh nghiệp.

 

Bên cạnh hoạt động nhằm thúc đẩy kinh doanh, các doanh nghiệp cần xây dựng công cụ hữu hiệu để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người tiêu dùng, chủ động biến trách nhiệm đáp ứng các yêu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

* Bên cạnh các hoạt động đã được tổ chức thường xuyên vào các năm trước, các hoạt động trong năm 2019 còn hướng đến những mục tiêu gì nhằm theo kịp xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

 

- Nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng năm nay sẽ tập trung thực hiện các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, giao dịch qua các trang mạng xã hội… để việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được thực hiện hiệu quả và toàn diện hơn.

 

Ngoài ra, để đảm bảo hiệu ứng tập trung và lan tỏa, các hoạt động hưởng ứng sẽ không chỉ tổ chức tập trung vào tháng 3 mà còn kéo dài trong tháng 4, tháng 5; từ đó góp phần thúc đẩy việc bảo vệ người tiêu dùng mang tính liên tục, xuyên suốt hơn.

 

* Hiện nay, tình trạng quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm đang diễn ra hết sức phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng nhưng chưa được xử lý triệt để. Để đảm bảo quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần lưu ý điều gì, thưa bà?

 

- Trước hết, người tiêu dùng nên ưu tiên lựa chọn mua hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ, các cửa hàng có uy tín, đáng tin cậy; phải lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; ưu tiên sử dụng sản phẩm hàng hóa có nhãn hiệu, sản xuất trong nước và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Đối với mặt hàng điện thoại, điện tử, điện lạnh, người tiêu dùng lưu ý xem kỹ tính năng, tác dụng, lựa chọn đúng chủng loại cần mua. Khi mua phải có hóa đơn hoặc chứng từ và phiếu bảo hành của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối.

 

Đối với thực phẩm, người tiêu dùng cần quan sát kỹ trạng thái sản phẩm; hạn sử dụng và ngày sản xuất của thực phẩm và những thông tin liên quan như tên nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, phân phối, thông tin cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm…

 

Khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ có giá trị, người tiêu dùng phải yêu cầu bên bán hàng cung cấp hóa đơn, chứng từ và tài liệu liên quan đến giao dịch; đồng thời lưu giữ cẩn thận để giải quyết khi có khiếu nại. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khuyến khích mỗi người tiêu dùng cần sớm phản ánh đến Hội và các đơn vị liên quan khi có khiếu nại, khiếu kiện về tiêu dùng để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình.

 

* Xin cảm ơn bà!

 

NGÔ XUÂN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek