Việc mở rộng thị trường nước ngoài đã tạo cơ hội cho hầu hết các sản phẩm có thế mạnh của Phú Yên được tiêu thụ với khối lượng ngày càng tăng như thủy sản, đường, đồ gỗ, khoáng sản và một số sản phẩm khác. Tuy nhiên, Phú Yên vẫn chưa phát huy hết thế mạnh của các sản phẩm chủ lực của mình.
Cá ngừ đại dương là một mặt hàng thế mạnh mà Phú Yên cần đầu tư nhiều hơn - Ảnh: N.Lưu |
Hầu hết các doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế của Phú Yên nói chung còn nhỏ về quy mô, tiềm lực về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực còn hạn chế. Các DN hoạt động còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa gắn kết được với người sản xuất theo hướng phát triển bền vững; thiếu những DN lớn với phương pháp quản trị tiên tiến làm “đầu tàu” để lôi kéo, dẫn dắt các DN khác nhằm khai thác hiệu quả các ngành hàng có thế mạnh của tỉnh. Bên cạnh đó, các DN chưa tạo được thị trường một cách ổn định, lâu dài cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh, nhất là các mặt hàng thủy sản. Công tác thông tin thị trường và xúc tiến thương mại nhìn chung chưa được chú trọng đầu tư nên hoạt động còn hạn chế, chưa quan tâm đầu tư phát triển ngành hàng với người sản xuất.
Phú Yên còn quá phụ thuộc vào 2 mặt hàng chủ yếu là thủy sản và chế biến gỗ (chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, điều kiện tự nhiên, sản lượng có hạn...) giá trị thấp nên khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn. Địa phương cũng chưa tạo được nhiều thương hiệu hàng hóa và chưa xây dựng được chiến lược phát triển các mặt hàng có thế mạnh cũng như các biện pháp khác để chuyển dịch cơ cấu từ hàng nông sản là chủ yếu sang các mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và chế biến tinh. Các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp như trái cây, rau quả, thịt gia súc, gia cầm còn khó khăn về tiêu thụ do chất lượng thấp, giá thành cao, sức cạnh tranh yếu.
Để nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế, Phú Yên cần tập trung đầu tư có trọng điểm cho các lĩnh vực sau:
Cần đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học để tạo ra được những giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt, năng suất cao phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đây cũng là biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến. Mặt khác, đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ thay thế những thiết bị chế biến lạc hậu bằng những thiết bị hiện đại để sản xuất nghiên cứu xác định những mặt hàng có tính đặc thù của tỉnh, qua đó tạo lập thương hiệu hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đối với nhóm mặt hàng bia, đường, điệïn tử... cần tiếp tục phát triển mạnh với mục tiêu tăng hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm để giá trị gia tăng của sản phẩm được nâng cao. Đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ, cần tập trung phát triển những mặt hàng thể hiện rõ bản sắc văn hóa và truyền thống của địa phương, tránh sự đơn điệu trong sản phẩm.
Nuôi cá mú xuất khẩu ở Vịnh Xuân Đài (Sông Cầu) |
Phú Yên cần xây dựng và ban hành chiến lược phát triển các mặt hàng có thế mạnh đến 2020, trên cơ sở đó, quy hoạch phát triển một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Đối với các mặt hàng nông – thủy sản cần chú trọng toàn diện các khâu, từ giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, thu hái, bảo quản, chế biến, phân loại, đóng gói và nhãn mác sản phẩm... để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao và hợp lý liên hoàn trong sản xuất – chế biến – tổ chức xuất khẩu thích ứng với nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của từng thị trường mục tiêu. Ngoài ra, tỉnh cần có biện pháp cụ thể để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực bảo quản, chế biến sau thu hoạch, tạo điều kiện đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.
Công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực nhận biết, đối phó với các rào cản thương mại trên các thị trường nước ngoài cần được tăng cường. Địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các hộ nông dân, chủ trang trại, các cơ sở bảo quản, chế biến nông thủy sản trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ tác hại của việc sử dụng các chất kháng sinh, hóa chất bị cấm, đồng thời thông qua hệ thống khuyến nông, khuyến ngư để hướng dẫn bà con nông dân thực hành sản xuất đúng quy định. Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường công tác hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tiêu chuẩn hóa sản phẩm xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn Việt
Tập trung nỗ lực của Phú Yên vào phát triển xuất khẩu thủy sản theo cả chiều rộng (tăng quy mô xuất khẩu) và chiều sâu nhưng chú trọng hơn đến chất lượng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu; nâng nhanh tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản chất lượng cao, chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao; giảm xuất khẩu qua đầu mối trung gian để phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu nhằm tăng giá trị xuất khẩu và hiệu quả xuất khẩu. Phú Yên cũng tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư và công nghệ vào lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu. Địa phương nên xây dựng chợ thủy sản đầu mối cấp vùng, làm trung tâm buôn bán thủy sản cho cả vùng, cung cấp nguồn thủy sản nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh và bảo quản thủy sản đông lạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, Phú Yên cần đẩy mạnh quá trình liên kết chuỗi theo chiều dọc ngành sản phẩm thủy sản xuất khẩu và liên kết theo chiều ngang giữa các vùng nuôi trồng, các khu công nghiệp chế biến thủy sản tập trung trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh cũng chủ động đưa các DN kinh doanh thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vào hoạt động theo khuôn khổ các cam kết song phương và đa phương, nhất là trong thực hiện Hiệp định về hàng rào kỹ thuật.
Thạc sĩ TRẦN THANH MẪN